Thuộc phường trung tâm của TP.Tam Kỳ nhưng có lẽ vì “phận đường cụt” nên năm này qua năm khác khu vực cuối đường Chương Dương (khu phố mới Tân Thạnh, khối phố Mỹ Thạch Bắc) vẫn mãi nhếch nhác.
Hơn 10 ngày qua, người dân ở cuối đường Chương Dương không biết đổ rác ở đâu. Chị N. có nhà ở cuối đường cho biết, trước đây ngành chức năng bố trí thùng rác có nắp đậy ở cuối đường Chương Dương để các hộ dân tiện đổ rác.
Không biết vì sao, hơn năm qua thùng rác bị dời ra bố trí ở đường Lam Sơn đoạn giao nhau với đường Chương Dương. Dù đi đổ rác xa nhưng có vẫn hơn không, người dân không phản ứng. Nhưng hơn 10 ngày qua, thùng rác chỗ đường Lam Sơn “mất tích”, người dân tìm mãi không thấy. Khi được hỏi, ông Đoàn Ngọc Hải - Khối phố trưởng Mỹ Thạch Bắc nói không hay biết và sẽ trao đổi với UBND phường để thông tin đến người dân.
“Tôi tìm hiểu được biết xe chở rác đến nhận rác ở khối phố Mỹ Thạch Bắc vào các ngày thứ Hai, thứ Tư nên để rác trước nhà nhưng xe thu gom rác không ghé đến. Ngay ở trung tâm tỉnh lỵ mà không có chỗ đổ rác, tình cảnh rất khổ sở” - chị N. nói.
Ở cuối đường Chương Dương mọc lên vườn chuối bên lề, vô hình trung là nơi tập kết rác thải của các hộ dân nằm trong con hẻm gần đó. Nhiều lần người dân phản ánh, lãnh đạo chính quyền địa phương và cán bộ phụ trách đến kiểm tra, cho biết sẽ vận động người trồng chuối là ông B. - chủ căn nhà cho thuê trọ - xử lý. Vậy nhưng đến nay vườn chuối vẫn… y nguyên.
“Người dân không chấp nhận chuyện trồng chuối trên phần đất là lề đường Chương Dương. Chính quyền phường không giải quyết là thiếu trách nhiệm với dân. Chuyện buông lỏng quản lý hiện trạng này chính quyền thành phố bao giờ mới biết và liệu có cách xử lý triệt để khi biết không” - chị H. có nhà ở cuối đường Chương Dương nói.
Một chuyện khác nữa là vấn đề điện, nước. Các tuyến đường ở khu phố mới Tân Thạnh đều bố trí điện ngầm, hệ thống dẫn điện được kéo đến ngay trước nhà, người dân chỉ việc đấu nối sử dụng; riêng đường Chương Dương thì không như vậy.
Nhiều hộ dân cho rằng, Chương Dương là đường cụt nên ngành điện… quên, chính quyền địa phương không màng để ý nên không những không được bố trí điện ngầm mà còn phải dùng điện “ké” từ trụ điện bố trí ở cuối đường Nguyễn Công Trứ.
Một cây trụ điện đấu nối cho hàng chục hộ dân, chằng chịt, nhiều lần chập điện rất nguy hiểm. Không chỉ vậy, những lần có dông hay mưa, điện bị chập phải cắt điện cả đêm khiến người dân chịu cảnh khổ sở.
Sau nhiều lần người dân đến phường thông báo thực trạng, ông Huỳnh Tấn Lịch - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thạnh đã đến khảo sát, hứa với dân sẽ kiến nghị ngành điện quan tâm, trước mắt là khắc phục chuyện chập điện; về lâu dài đề nghị bố trí điện ngầm như toàn khu vực. Nhưng nay đã qua thời gian dài mà mọi thứ vẫn chưa thấy đả động gì.
Chuyện nước cũng tương tự. Trong khi người dân ở khu phố mới Tân Thạnh được kéo nước đến ngay trước nhà để đấu nối sử dụng thì người dân cuối đường Chương Dương phải nhờ vả đấu nối nước ở tận đường Nguyễn Huy Chương kéo về dùng. Việc này vừa tốn kém lại mất công vì thỉnh thoảng xảy ra sự cố phải khắc phục để có nước dùng.
Người dân ở cuối đường Chương Dương không có lỗi và họ “thắc mắc” tại sao nhiều năm qua phải sống trong tình cảnh ấy. Và, sự kêu cứu bao năm nay đến chính quyền bao giờ mới được giải quyết? Nói như một hộ dân ở cuối đường Chương Dương: “Tôi đóng tất cả mọi nghĩa vụ mà tại sao tôi mãi chịu thiệt thòi thế này”.