Sống khổ vì quy hoạch treo

Đ.ĐẠO - H.QUÂN - H.CƯỜNG 18/03/2019 23:56

(QNO) - Ở tổ 1 của thôn Trung Toàn (xã Tam Quang, Núi Thành) vẫn còn 28 hộ dân lặng lẽ sống giữa khu vực gần như bị lãng quên. Bởi suốt hơn 15 năm qua, không một công trình dân sinh nào được đầu tư. Tất cả cũng chỉ vì chuyện quy hoạch treo.

15 năm qua, tổ 1 của thôn Trung Toàn (xã Tam Quang) không được đầu tư bất kỳ công trình phục vụ dân sinh, sản xuất nào. Ảnh: Đ. Q
Hơn 15 năm qua, tổ 1 của thôn Trung Toàn (xã Tam Quang) không được đầu tư bất kỳ công trình nào phục vụ dân sinh, sản xuất. Ảnh: Đ.Q

Đường vào tổ 1 là con đường đất, thật ra dân ở đây đi mãi trên nền đất thịt tạo lối mòn mà thành con đường. Bởi nơi này, chính quyền có muốn xây đường cho dân cũng khó. “Quy hoạch rồi thì vướng tùm lum hết, xã nghe dân kiến nghị mà xót xa lắm nhưng bất lực thôi. Trong khả năng của UBND xã, vào dịp tết hay trước mùa mưa, chúng tôi đổ vài xe đá bụi, trải ra cho bà con đi cho sạch sẽ” - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang, bà Huỳnh Thị Mỹ Dung nói.

Khoảng năm 2003, khi dự án Khu hành chính cảng Kỳ Hà đi vào thực hiện, 50 hộ dân tổ 1 vui mừng khi nghĩ về việc được tái định cư ở một nơi tốt hơn, giúp họ an cư lạc nghiệp. Thế nhưng chỉ khoảng nửa số hộ được giải tỏa, bỏ lại các căn nhà trống hoác.

Những căn nhà này chẳng ai ở, vô hình trung trở thành địa điểm hút chích cho những con nghiện từ khắp nơi tìm đến. “Có lần tụi nghiện hút chích xong rồi xách dao đi vào nhà tôi, tôi phải kêu người thân, hàng xóm tới ứng cứu” - bà Nguyễn Thị Nhung (86 tuổi, tổ 1, thôn Trung Toàn) kể.

Giải tỏa
Các căn nhà hoang là địa điểm con nghiện tới hút chích. Ảnh: Đ.Q

Tiếp lời, ông Lê Tấn Ngọn (cùng tổ 1) bảo, nghiện ngập đổ về nên an ninh của tổ dân cư không còn được an toàn, trong khi nơi đây phần lớn là người già và phụ nữ ở nhà. Ngoài ra, cảnh quan nhếch nhác, rác thải sinh hoạt được người dân nơi khác đổ ở đầu con đường dẫn vào tổ 1 khiến môi trường bị ô nhiễm nặng.

Mời độc giả xem clip ý kiến của người dân tổ 1, thôn Trung Toàn:

Những người ở lại mòn mỏi đợi được giải tỏa nhưng mãi cũng chẳng thấy giải tỏa. Họ phải sống xen kẽ với những ngôi nhà hoang. Ngày đó, tổ 1 chưa có đường bê tông, chưa có hạ tầng điện bài bản, chưa có nước sạch hay hệ thống thoát nước, nằm lặng lẽ dưới chân ngọn đồi nhỏ gần cảng Kỳ Hà. Và giờ vẫn thế, chỉ có những căn nhà thêm phần xập xệ, xuống cấp.

Dân nơi này bảo họ bị “bỏ rơi” vì ngần ấy thời gian chính quyền chẳng thể đầu tư một công trình dân sinh nào để phục vụ đời sống của họ. “Gần cả đời ở đây rồi mà tôi chưa thấy quê mình phát triển. Vẫn phải đi đường nhầy nhụa đất đỏ và ngập nước khi mùa mưa về. Còn riêng nhà tôi thì xây mấy chục năm rồi, mưa thấm ngói hết mà chẳng thể xây dựng mới được vì nằm trong vùng quy hoạch” - ông Lê Tấn Ngọn cho biết. Không chỉ ông Ngọn, khu này, nếu nhà hư hỏng hoặc giả trong nhà có con cái kết hôn thì chẳng thể nào làm căn nhà mới để sinh sống cho đàng hoàng, tử tế.

Nhà ở xuống cấp, người dân vẫn không thể sửa chữa vì năm trong quy hoạch. Ảnh: Đ. Q
Nhà ở xuống cấp, người dân vẫn không thể sửa chữa vì nằm trong quy hoạch. Ảnh: Đ.Q

Chuyện ăn ở đã khổ, chuyện canh tác, sản xuất còn khổ hơn. Chính quyền không thể đầu tư hệ thống thủy lợi, kênh mương tiêu… cho nhân dân khi Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai chưa cho phép. Mùa mưa đến, nước từ khắp nơi đổ về nơi này làm ngập úng cục bộ, khiến người dân bị đình trệ sản xuất từ tầm tháng 9 âm lịch hằng năm, sang tháng Chạp mới làm lại được.

Có được mảnh vườn nhỏ cải tạo trồng hoa, rau màu bán kiếm tiền cùng chồng nuôi hai con và mẹ già, chị Lâm Thị Liên than thở: “Mưa xuống là đất bỏ hoang vì không có hệ thống thoát nước. Dân ở đây chẳng tha thiết việc giải tỏa nữa vì kêu mãi khản cả cổ rồi. Chỉ mong sao môi trường sống được như các tổ dân cư khác trong xã: có đường sá sạch sẽ, có kênh mương, cống thoát nước và được sửa chữa nhà ở”.

Người dân tổ 1 thường bị đình trệ sản xuất từ tháng 9 đến tháng Chạp âm lịch. Ảnh: Đ. Q
Không có hệ thống thoát nước nên việc sản xuất của người dân rất khó khăn. Ảnh: Đ.Q

Theo UBND xã Tam Quang, dự án Khu hành chính cảng Kỳ Hà chỉ giải tỏa được hơn 20 trong tổng số 50 hộ dân khi dự án này tiến hành thực hiện. Đến nay, sau nhiều lần cử tri kiến nghị, bức xúc nhưng xã vẫn không thể giải quyết được vì nằm ngoài thẩm quyền.

“Chúng tôi đề nghị cấp trên, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai quan tâm giải quyết giải tỏa 28 hộ dân còn lại của tổ 1 thôn Trung Toàn. Còn không thì phải cho xã cơ chế riêng để xã đầu tư các công trình thiết yếu phục vụ cho nhân dân sinh hoạt và sản xuất, chứ người dân phản ánh mãi mà không giải quyết được thì thiệt thòi cho họ” - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang, bà Huỳnh Thị Mỹ Dung đề nghị.

Đ.ĐẠO - H.QUÂN - H.CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sống khổ vì quy hoạch treo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO