1.Trường Giang, sông dài. Không hùng dũng như Trường Giang, Hoàng Hà “chi thủy thiên thượng lai” của Đường thi, cũng chẳng ngỗ nghịch như sông Tiên qua Tiên Phước nước chảy ngược dòng từ đông lên tây. Trường Giang vẽ một đường uốn lượn song song theo gần hết chiều dài bờ biển Quảng Nam, mường tượng như viền áo ôm theo eo lưng mỹ nữ đang nằm. Sông lại đổ ra biển Đông ở cả hai đầu nam bắc. Kẻ thích sông hơn biển như tôi cứ ngạc nhiên hoài về cách thế dòng sông tồn tại. Như một đối chứng với biển. Như cái hữu hạn song hành cái vô cùng.
Chị dắt em qua cầu máng Tam Hòa trên sông Trường Giang. |
Mỗi dòng sông thường mang trong mình lịch sử của vùng đất, của sự hình thành cuộc sống, tính cách con người ở lưu vực. Riêng Trường Giang có vẻ như không mấy chứng tỏ điều này. Phải vì không là sông cái như Thu Bồn hoặc vì chưa được khám phá tỏ tường chăng?
Một số ghi chép của các nhà du hành Tây phương đến Quảng Nam - Đà Nẵng hồi thế kỷ XIV nhắc đến con sông Trường Giang nối dài từ Đà Nẵng qua Hội An cùng những thương điếm rải rác trên dải đất cát trắng vàng đẹp đẽ ven bờ. Dựa trên cái nhìn địa văn hóa sau này, một số nhà nghiên cứu Việt Nam như cố GS. Trần Quốc Vượng đã cho rằng xa hơn nữa về quá khứ, thuở người Việt mang gươm mở cõi thì Trường Giang đã thông thương một mạch từ Đà Nẵng vào đến An Hòa (Núi Thành). Đó là giả thuyết Trường Giang từ thời Chiêm quốc vốn đóng vai trò kết nối hệ thống đường nước với tất cả dòng sông từ nguồn về biển, tạo ra những “ngã tư đường nước” với những ghe bầu quá giang cảng thị, chợ búa sầm uất còn lưu dấu đến ngày nay, mà Hội An là một bằng cớ.
2.Dẫu dã sử và truyền kỳ có khó lòng minh định đến thế nào thì tôi vẫn nhìn Trường Giang như một dòng sông kỳ ảo. Dẫu Trường Giang thuở nọ có thông suốt Đà Nẵng - An Hòa hay không thì tôi bây giờ mỗi khi qua lại trên những đồng đất dài ven biển từ Hội An ra Đà Nẵng vẫn vẳng nghe tiếng ếch bên tai, vẫn cứ ngậm ngùi lòng trước những cồn bàu đầm lầy hay những phân đoạn sông còn lưu thủy. Ngược về phương nam, hơn 70 cây số Trường Giang không đứt đoạn qua Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành nay con nước chưa ngừng trôi. Trường Giang cũng chẳng chịu suốt đời chảy theo một hướng. Dòng nước cứ luân lưu đối nghịch nhau theo thủy triều lên xuống mà chảy vô cùng tự nhiên thông suốt hòa vào biển lớn. Lúc triều lên cao hứng, đổ nước qua các cửa sông từ cả 2 phía, đẩy dòng nước phân khúc sông phía bắc chảy từ bắc vô nam còn phân khúc sông phía nam chảy từ nam ra bắc. Khi triều mỏi mệt hạ mình, phân khúc sông phía bắc lại chảy ra bắc tuôn về Cửa Đại, còn phía nam chảy vô nam tràn qua cửa An Hòa nhập biển. Riêng phần giữa dòng sông lại trù trừ bất định mặc tình cho con nước 2 phía níu kéo đời mình về đâu thì về...
Những vạt bần hiếm hoi trên sông Trường Giang tại Núi Thành. |
Trường Giang không có thượng nguồn không có hạ lưu. Trường Giang chảy song song với biển. Trường Giang hòa giải con nước từ nguồn các hệ sông lớn Vu Gia - Thu Bồn phía bắc, Tam Kỳ - An Tân phía nam cùng vô số nhánh sông nhỏ lẻ rồi dẫn nhập tất thảy về biển cả. Sông tích nước cho mùa hạn và thoát lũ mùa mưa. Vẫn bên lở bên bồi theo dâu bể biến thiên, nhưng nạn thủy phá Trường Giang chưa bao giờ hung hãn, chưa bao giờ trở thành hiểm họa đối với làng mạc ven bờ. Ngược lại, dòng sông đang nuôi sống hàng vạn con người ven bờ nhưng đang gánh chịu sự xâm lấn, giăng xả của chính con người trong cuộc mưu sinh ngư nghiệp và cuộc phát triển công nghiệp hiện đại. Sông nghẹn lòng với nhiều nút thắt cổ chai từ Duy Xuyên vào Tam Kỳ. Chỉ khi qua Tam Kỳ vào Núi Thành, sông mới cho dong thuyền như lưu thủy hành vân giữa màu xanh bát ngát của con nước rộng rinh và của làng mạc tre dừa soi bóng. Kịp thấy những vạt bần nghiêng nghiêng lặng lẽ nhoài mình như muốn quá giang, những đàn trâu cùng tuổi thơ tắm gội ven bờ, những con thuyền nan úp mặt hay ngửa mặt đều như vẻ đợi chờ. Tôi gã nhà quê vốn cũng vùng sông nước giờ ly hương cứ mỗi bận gặp Trường Giang dù chèo ghe rong chơi hay lai rai tôm cá đều không khỏi bắt gặp mình thảng thốt.
Tôi cực thích chữ mà những người dân ven sông gọi Trường Giang là dòng sông bình. Chữ “bình” hay đến lịm lòng. Bằng lặng và vô hướng. Sông không có đầu, cũng không có cuối. Nhưng sông vẫn chảy đời sông. Như trong cái hữu hạn và nhỏ bé này, luôn có sự trì hoãn lần lữa sống động đến vô cùng...
TÂM ĐĂNG