Đêm im vắng, buồn hơn một tiếng thở dài. Tôi nghe như trong hơi lạnh tê tái từ mặt sông hắt lên thuyền có những nỗi buồn mà ông giấu kín không kể với mình, dẫu chỉ có hai chú cháu giữa khúc sông đêm dưới chân Hòn Kẽm. “Gánh cực mà đổ lên non/ Còng lưng mà chạy, cực còn theo sau”, câu ca dao cũ và quen lắm, mà sao nghe lại, lòng cũng chùng chình theo con nước...
Xóm vạn đò Thạch Bích vẫn còn nhiều gia đình gắn bó với nghề sông nước. Ảnh: V.C |
1. Trăng mỏng, chỉ có thứ ánh sáng nhờ nhờ đủ để thấy bóng núi Hòn Bà. Ông tên Phạm Thấy, 42 tuổi, nhưng mà hết thảy người trong làng đều gọi bằng cái tên Bình. Mười giờ đêm, ông đưa tôi cái áo phao, rồi nổ máy ghe, chạy ngược lên Hòn Kẽm. Chiếc đèn pin trên đầu ông quét loang loáng mặt sông, lia khắp hai bên bờ, canh đường để chạy. Con đường kỳ lạ ấy được đánh dấu bằng một mỏm đá, một tàn cây, hoặc một bụi sậy, bất kỳ những thứ có thể nhìn thấy được bằng ánh đèn pin, mà ông và những người dân xóm vạn chài ở bến đò Đá Ngang (xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn) này đã nằm lòng. Họ chạy bằng trí nhớ. Là hàng chục năm sống bám vào sông, lặn ngụp trên dòng Thu Bồn chảy từ Hòn Kẽm, từ con cá con tôm mỗi đêm để kịp chạy chợ buổi sáng mai. Như lúc này, tôi đang đi với ông Bình, lên Kẽm.
Ông thả câu, loại câu kiều hàng trăm lưỡi giăng mắc ngang sông, rồi tấp vô một doi cát nhỏ, cắm sào. Con thuyền nhỏ quá, thi thoảng nước duềnh lên lại lắc lư. Tôi nằm trên thuyền, ngó lên trời sương. Ông kể, quê ở Quế Trung, một lần đi lên thăm bạn trên này thì gặp chị. Hai vợ chồng lấy nhau xong là dắt xuống thuyền. Nước sông gạo chợ. Mấy đứa nhỏ cũng lớn lên trên sông. Hết buổi chợ, thuyền về lại ục Gành Chùa, cắm sào cùng hơn hai chục chiếc thuyền khác, cũng là hai chục gia đình như ông Bình. “Hồi đó cực, nhưng cá tôm còn khá, cũng đắp đổi đủ nuôi con đi học. Chỉ có mấy đứa nhỏ được lên bờ, hai vợ chồng ở luôn trên ghe. Đêm làm, ngày tranh thủ xong buổi chợ là chợp mắt chút. Nghèo đeo đuổi, đứa con nhỏ vừa được nửa tuổi, hai vợ chồng bỏ bến, bỏ sông, bồng con vô tuốt Đồng Nai. Hai năm sau thì về”, ông kể. Đận ấy, ông đi làm thợ hồ, chị mót mủ cao su, con thì gửi nhờ nhà trẻ. Ông chủ thầu bỏ đi, khoản tiền công làm thuê gần một năm trời không ai trả, anh chị phải gọi về quê để nhờ gửi tiền về xe. Con đò cũ bán rồi, tay trắng. Lại lao xuống sông bằng tiền vay mượn. Được vài năm, chưa kịp trả nợ, một trận lũ ào xuống, cuốn con thuyền đi mất. Không còn nước mắt để khóc, hai vợ chồng ngó xuống con nước đục ngầu, không nuốt nổi chén cơm những ngày mưa dầm dề thôn Thạch Bích.
2. Và giờ thì con đò nhỏ xíu mà tôi đang ngồi với ông Bình, ở Kẽm, là thứ gia sản duy nhất của hai vợ chồng sau mấy mươi năm bươn chải. Tay trắng và cơ số nợ. Nợ tiền con học, nợ tiền sắm ghe, vay mua mấy con bò giống thì giá bò bỗng rớt thê thảm, lại chồng thêm nợ. Sương gió in trên tóc, trên dáng hình khắc khổ của ông và vợ. Bàn tay chai sần, dọc ngang những vết sẹo vì lưỡi câu, vì đá cắt, vì xóc phải gai cá ngạnh..., vô số những vết thương, không đau bằng những vết thương lòng. Đứa con gái đầu của ông, mười tám tuổi thì nghỉ học, đi Sài Gòn làm công nhân. Ông giận, la con. Cả đời đã khổ, niềm hy vọng duy nhất là mấy đứa con thoát khỏi cảnh lam lũ bần hàn của cha, của mẹ, cũng vỡ rồi. Ông bảo, giờ cả gia đình sống nhờ bà ngoại, cái nhà nhỏ như chái bếp, ngay trên bến đò Thạch Bích. Con bé nói đi làm công nhân, kiếm tiền về cho ba mẹ sửa nhà. Rồi con bé đi thật. Dăm mười bữa, nó gọi điện về, cuộc điện thoại đứt quãng vì tiếng máy nổ ầm ào trên mặt sông, không tài nào nghe được âm thanh từ điện thoại...
Hơn nửa đời người bươn chải, cả gia đình ông Bình vẫn không có nổi một căn nhà, sống nhờ trong nhà bà ngoại. Ảnh: V.C |
Có bao nhiêu phận đời còn lênh đênh nơi Kẽm - tôi hỏi ông Phạm Văn Tiến, ông già có mười ba năm đưa đò ở bến Thạch Bích. Ông già cười, chỉ vào ngực, tôi nè, là một. Nhìn ngoài kia, còn bao nhiêu chiếc ghe, nhân đôi lên. Gần hai chục chứ không ít. Ông Tiến, hai mươi năm trước cũng xuống ghe, theo nghề sông nước cá tôm nơi Kẽm. Được chừng bảy năm thì mua lại cái phà, đưa bà con qua lại giữa thôn Thạch Bích và thôn Tứ Nhũ của xã Quế Lâm. Không bỏ được sông, vì đất cát chật hẹp, người làm nông cũng quắt quay với chuyện được, mất mùa, huống hồ có nhiều người còn không có đất để dời đi từ căn nhà cũ, vốn chênh vênh bên miệng lũ. Họ, ngày cũng như đêm, ngược xuôi khắp Kẽm, chia nhau từng đoạn sông mà mưu sinh. “Ba hang lấp lại thành gò/ Sóng xô Cổ Ngựa, gió lò Vũng Tăm”, bao trắc trở đợi chờ nơi Kẽm, cá tôm ngó chừng càng ngày càng ít đi. Cơ cực, khốn khó trở thành mẫu số chung của nhiều gia đình, phận đời ít nhiều nổi nênh cùng con nước...
3. Những ngày mưa sắp đến rồi. Mưa lũ, con thuyền nhỏ ông Bình thêm tròng trành trên nước bạc. Nghỉ thì không có cái mà chạy chợ. Nỗi lo nhân đôi, nửa ở dưới sông, nửa còn lại trên bờ. Là căn nhà của ngoại, nơi cả vợ chồng con cái đang tá túc, mùa nắng thì nằm tít đầu dốc, nhưng mùa mưa lũ, bước chân xuống có khi đạp trên nước bạc. Ông nói, nghe đâu mấy năm trước có chủ trương hỗ trợ di dời ra khỏi vùng nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Mà nếu đi thì đi đâu? Không có tiền mua đất, tiền dựng nhà cũng không. Bỏ con đò cầm bằng bỏ đi chiếc cần câu cơm duy nhất cho cả gia đình. Không có lối thoát nào cho ông trong những tiếng thở dài loang giữa màn sương đặc. Mỗi con đò, một thân phận, mà nói như ông lái đò Phạm Văn Tiến, nếu nghỉ được, họ đã nghỉ lâu rồi, tội gì phải gió sương với nghề này trên sông mãi mấy mươi năm. Như vợ chồng ông Bình, đã bỏ đi thật xa rồi, rốt cuộc cũng quay lại với quê, cũng lại xuống sông, bám víu lấy nguồn sống từ lòng sông Mẹ.
Thu Bồn vẫn lũ, như một mặc định của chính mình. Nhưng trong cơn quặn mình chuyển lũ của sông, bởi những biến động phía thượng nguồn, những người vạn chài ở bến đò Đá Ngang không còn tìm thấy một quy luật an toàn nào cho chính mình giữa mùa lũ nữa. Phần vì lũ đã khúc xạ đi nhiều bởi hàng chục thủy điện, phần vì chẳng tìm được mấy cá tôm giữa dòng lũ. “Mấy tháng gần đây, người Huế hay đâu phía ngoài kia đánh đò lên đây. Chúng tôi không rõ họ đánh bắt bằng kiểu gì, nhưng họ có một cái máy nổ lớn trên ghe, rồi mỗi người ngậm một ống hơi dài lặn sâu dưới đáy. Mình làm trúng lắm cũng bán đâu được vài trăm nghìn đồng, có bữa chỉ đủ đem về kho cho gia đình, chứ họ lần nào xuôi về cũng đầy ăm ắp một ghe, mà ghe lớn. Nghe nói họ dùng “điện lạnh”, kích dưới sông để bắt cá”, ông Bình kể, tay nhổ cây sào, dong thuyền đi thăm câu. Chỉ có đúng 3 con cá ngạnh nhỏ bằng trái dưa muối, nhảy lỏng tỏng dưới đáy ghe trong đêm lặng. Ít phút trước, người đàn ông ấy còn kể một chuyện buồn hơn, rằng ngày mai phải về chở đứa con gái lớn lên huyện làm chứng minh thư. Một năm ròng làm công nhân, dành dụm được hơn mười lăm triệu mang về cho ba mẹ, nhưng em bị móc túi ngay trên xe buýt, không còn một mảnh giấy tờ. Em về, nhờ ba mẹ vét hết những đồng cuối cùng mang xuống Quế Trung để trả tiền xe...
Không có gió. Tiếng cá nhảy như một giọt thanh âm cô độc rơi xuống, vỡ ra giữa màn đêm đục. Hơi lạnh tái tê bốc lên từ lòng sông sâu. Thêm một đêm nữa lênh đênh, trong ngàn vạn ngày mà ông Bình đã đi qua theo nổi nênh phận số của đời mình, với sông. Thứ ánh sáng duy nhất từ cái đèn pin trên đầu ông Bình cô độc không kém con thuyền nhỏ, khi xung quanh là mênh mông trời nước. Tiếng thở dài của ông già như loang trong sa mù hơi sương.
Đêm ấy, sóng ở Kẽm không nổi từ đáy sông!
Ghi chép của THÀNH CÔNG - PHAN VINH