Bóng đá Nghệ An từng có một thời tỏa sáng rực rỡ, song giờ đây lại đang rơi vào khủng hoảng và đối mặt với nguy cơ chia tay giải đấu cao nhất nước.
Một thời hào hùng
Nhắc đến bóng đá Nghệ An, người ta nghĩ ngay đến “cái nôi” của bóng đá Việt Nam, nơi sản sinh khá nhiều cầu thủ xuất sắc cả nước. Đã có một thời, đội tuyển Việt Nam thành lập và lựa chọn lối chơi đều dựa vào “cái khung” Sông Lam Nghệ An, rồi vài năm trở lại đây mới “tràn ngập” nhân sự Hà Nội và Hoàng Anh Gia Lai.
Nói điều đó để thấy, bóng đá xứ Nghệ ảnh hưởng lớn và có tầm quan trọng như thế nào đối với bóng đá Việt Nam. Quân Sông Lam Nghệ An đi khắp các đội bóng trên cả nước, thậm chí một số nơi còn trở thành “sân sau” của đội bóng xứ Nghệ.
Nhân tài bóng đá Sông Lam Nghệ An thời nào cũng có và đóng góp tích cực cho bóng đá nước nhà.
Người hâm mộ không thể quên anh em nhà Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Thủy, Văn Sỹ Sơn, trung vệ đội trưởng Nguyễn Hữu Thắng, thủ môn Võ Văn Hạnh rồi đến thế hệ đàn em như tiền đạo Phạm Văn Quyến, Lê Công Vinh, Nguyễn Huy Hoàng, Lê Quốc Vượng, thủ môn Dương Hồng Sơn - những cầu thủ góp công đưa bóng đá Việt Nam bay cao ở đấu trường khu vực.
Giai đoạn sau này và cho đến hiện tại, những người con “quê choa” vẫn “chiếm sóng” ở đội tuyển quốc gia như Quế Ngọc Hải, Nguyễn Trọng Hoàng, Phan Văn Đức, Phạm Xuân Mạnh.
Ở cấp độ câu lạc bộ, Sông Lam Nghệ An được xem là đội bóng giàu truyền thống và thành tích bậc nhất cả nước. Đây là đội bóng chưa bao giờ xuống hạng kể từ khi V-League khởi tranh năm 2000 và đến nay giành được 3 danh hiệu vô địch quốc gia, 3 Cúp quốc gia, 4 Siêu Cúp quốc gia. Bóng đá trẻ Nghệ An một thời “làm mưa làm gió”, được vinh danh là lò đào tạo cầu thủ hàng đầu cả nước.
Sông Lam Nghệ An cũng là đội bóng giàu bản sắc nhất Việt Nam khi sử dụng hầu hết cầu thủ địa phương do mình đào tạo. Người Nghệ An còn tự hào là nơi xuất phát của rất nhiều cầu thủ xuất sắc đang thi đấu tại các đội bóng mạnh trên cả nước, thậm chí hiện nay nếu tập hợp lại thành một đội hình đủ sức vô địch V-League.
Khủng hoảng
Như một quy luật trong cơ chế bóng đá chuyên nghiệp, nguồn tài chính hạn hẹp khiến Sông Lam Nghệ An những năm gần đây luôn phải đối mặt với tình trạng “chảy máu nhân tài”. Lần lượt những cầu thủ xuất sắc nhất đội bóng ra đi tìm miền đất mới để có thêm thu nhập và cơ hội gặt hái thành tích.
Trọng Hoàng, Quế Ngọc Hải, rồi Khắc Ngọc, thủ môn Nguyên Mạnh đến Viettel; Ngô Hoàng Thịnh, Trần Phi Sơn và mới nhất là Hồ Tuấn Tài nối gót các đàn anh vào TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp.
Vậy là, từ một đội bóng sở hữu nhiều cầu thủ chất lượng, Sông Lam Nghệ An bị “rút ruột” để rồi giờ đây không còn là chính mình. Đội thi đấu trầy trật với mục tiêu khá khiêm tốn là trụ hạng.
Mùa giải V-League năm nay, một lần nữa họ thi đấu không tốt và đang đứng chót bảng xếp hạng. Nguy cơ lần đầu tiên rớt hạng đang chực chờ đội bóng xứ Nghệ khiến Chủ tịch câu lạc bộ Nguyễn Hồng Thanh cùng HLV trưởng Ngô Quang Trường đã phải từ chức.
Tuy nhiên, đến giờ này, Sông Lam Nghệ An vẫn chưa tìm được HLV trưởng và tạm thời giao nhiệm vụ cho trợ lý Nguyễn Huy Hoàng đảm trách. Lực lượng hiện tại, ngoài Phan Văn Đức và Phạm Xuân Mạnh, không có cái tên nào đáng chú ý. Ngoại binh của đội lại càng yếu kém.
Chính lối chơi phụ thuộc quá nhiều vào Phan Văn Đức mà không phải trận đấu nào tuyển thủ quốc gia này cũng tỏa sáng khiến cho Sông Lam Nghệ An không có được kết quả tốt.
Vẫn còn cả giai đoạn 2 để đội bóng xứ Nghệ cải thiện thành tích thi đấu nghèo nàn và giải cứu chính mình khỏi vị trí chót bảng xếp hạng. Nhưng để làm được điều đó, cần một sự đột phá mạnh mẽ không chỉ trên sân cỏ mà còn cả cách làm bóng đá nơi đây.