Thế giới

Sóng nhiệt kỷ lục ở Nam Cực - hồi chuông báo động cho tương lai toàn cầu

CẨM HY 08/08/2024 09:54

(QNO) - Một đợt sóng nhiệt phá vỡ kỷ lục đang diễn ra ở thời điểm lẽ ra là lạnh nhất tại nơi lạnh nhất của trái đất đã khiến các nhà khoa học lo ngại về những ảnh hưởng đối với tình trạng tại lục địa Nam Cực, cũng như những hậu quả có thể gây ra cho hàng triệu người trên toàn cầu trong tương lai.

media.cnn.com-api-v1-images-stellar-prod-_gettyimages-2147738758.jpg
Một khối băng ở Nam Cực vào ngày 11/4/2024. Ảnh: CNN

Nhiệt độ kể từ giữa tháng 7 đã tăng lên tới 50 độ Fahrenheit (khoảng 28 độ Celsius), cao hơn mức bình thường ở một số khu vực của Nam Cực, và sự ấm lên không theo mùa này có thể kéo dài đến nửa đầu tháng 8.

Dữ liệu mới nhất cho thấy nhiệt độ cao ở một số khu vực của phía đông Nam Cực - nơi đang diễn ra các điều kiện bất thường nhất - thường dao động từ âm 58 đến âm 76 độ Fahrenheit (khoảng âm 50 đến âm 60 độ Celsius) nay đã gần hơn với mức từ âm 13 đến âm 22 độ Fahrenheit (khoảng âm 25 đến âm 30 độ Celsius).

Sự ấm áp như mùa hè trong giữa mùa đông, ngay cả khi phần lớn lục địa vẫn dưới mức đóng băng - là một diễn biến đáng báo động đối với một khu vực có khả năng tạo ra mức tăng mực nước biển thảm khốc hơn bất kỳ nơi nào khác, trong bối cảnh ô nhiễm từ nhiên liệu hóa thạch tiếp tục làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Hầu hết lượng băng trên hành tinh được lưu trữ ở đây, và nếu toàn bộ băng tan chảy, mực nước biển toàn cầu có thể tăng lên hơn 150 feet (khoảng 45 mét). Ngay cả những khối băng nhỏ hơn, như Glacier Doomsday, cũng có thể làm dâng mực nước biển thêm 10 feet (khoảng 3 mét) nếu chúng tan chảy - một mức độ thảm khốc đối với các cộng đồng ven biển trên toàn thế giới.

cdn-i.vtcnews.vn-resize-th-upload-2024-08-06-_bang-15235580.png
Hầu hết lượng băng trên hành tinh được lưu trữ ở Nam Cực. Ảnh: WEF

Ông David Mikolajczyk - nhà khí tượng học tại Trung tâm Dữ liệu và nghiên cứu khí tượng Nam Cực thuộc Đại học Wisconsin-Madison cho biết, có khả năng các đợt sóng nhiệt tương tự sẽ xảy ra trong các mùa đông tương lai, điều này có thể làm giảm khả năng chống chịu của lục địa băng giá đối với mùa hè và làm tăng nguy cơ tan chảy trong các đợt sóng nhiệt tiếp theo.

Ông Mikolajczyk nói với CNN rằng sự tan chảy gia tăng ở Nam Cực cũng có thể làm thay đổi các dòng hải lưu toàn cầu, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì khí hậu của hành tinh.

Ông Thomas Bracegirdle - Phó Trưởng nhóm khoa học của Nhóm khí quyển, băng và khí hậu thuộc British Antarctic Survey cho rằng nhiệt độ bất thường trong sự kiện này đã phá kỷ lục và là hồi chuông báo động quan trọng về những gì có thể xảy ra trong dài hạn.

Theo phân tích từ Dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, sự kiện này cũng đã góp phần đáng kể vào việc ghi nhận ngày nóng nhất mới trên trái đất vào cuối tháng 6.

Đây là đợt sóng nhiệt đáng kể thứ hai mà Nam Cực phải chịu đựng trong hai năm qua. Trong thời gian trước đó vào tháng 3/2022, nhiệt độ ở một số khu vực đã tăng lên tới 70 độ Fahrenheit (khoảng 39 độ Celsius) so với mức bình thường, đây là mức thay đổi nhiệt độ khắc nghiệt nhất từng được ghi nhận ở khu vực này của hành tinh.

Theo ông Ted Scambos - nhà băng học tại Đại học Colorado Boulder, mặc dù đợt sóng nhiệt hiện tại chưa đạt đến mức độ biến thiên nhiệt độ như năm 2022, nhưng lại có phạm vi rộng lớn hơn và kéo dài lâu hơn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sóng nhiệt kỷ lục ở Nam Cực - hồi chuông báo động cho tương lai toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO