Chỉ trong một thời gian ngắn, du lịch sinh thái cộng đồng Cẩm Thanh (Hội An) đã làm đổi thay cuộc sống người dân nơi đây.
Du khách tham quan rừng dừa Bảy Mẫu bằng thuyền thúng. Ảnh: V.LỘC |
Ổn định cuộc sống
Ông Nguyễn Văn Su, tổ 4 thôn Vạn Lăng (Cẩm Thanh) vừa vá lại tay lưới cũ vừa ngóng nhìn ra phía trước đường làng vì sáng nay là đến phiên ông chèo thúng đưa khách tham quan rừng dừa. Cũng gần 2 năm nay dường như ông đã bỏ hẳn nghề đi biển để ở nhà chèo thúng du lịch. Thông thường một lần đưa khách tham quan rừng dừa Bảy Mẫu ông được trả 70 - 80 nghìn đồng, bình quân mỗi tháng vợ chồng ông thu nhập 1,5 - 2 triệu đồng, thỉnh thoảng gặp khách sộp biếu thêm vài trăm nghìn đồng cho một chuyến đi. Dù không nhiều nhưng với ông, công việc và thu nhập trên khá ổn định, đủ để vợ chồng già sinh sống qua ngày. Theo ông Su, những năm về trước, khi Cẩm Thanh chưa làm du lịch, phần lớn người dân trong thôn làm nghề biển. Từ lúc có du lịch, cuộc sống người dân đỡ hơn, chứ như trước đây năm nào biển động nhiều, thì thành phố phải chở gạo cứu đói. Nhờ có du lịch bà con chuyển sang chèo thúng nên dư tiền mua gạo.
Ông Trần Văn Nhiều, người dân thôn Vạn Lăng, cho biết, tuy du lịch rừng dừa Cẩm Thanh đã xuất hiện từ lâu nhưng rộ lên độ khoảng hơn một năm nay khi khách đến làng ngày càng đông. Trong làng hiện có gần 120 thúng với khoảng 100 người tham gia phục vụ du khách. “Mỗi khi ai mua thúng mới về thì thông báo cho các nhà hàng và công ty du lịch biết để họ kêu đi khách. Bây giờ thì trong làng hầu như nhà nào cũng sắm thúng làm du lịch nên phải chia phiên ra đi. Người làm nhiều, số phiên giảm đi, nhưng cuộc sống dù sao cũng ổn định hơn đi biển” - ông Nhiều nói. Ông Trần Quý - Bí thư Chi bộ thôn Vạn Lăng, thành viên Ban quản lý Tổ du lịch cộng đồng Cẩm Thanh cho biết, sau những chệch choạc ban đầu, tháng 3.2014 mô hình Tổ du lịch cộng đồng Cẩm Thanh đã được củng cố với 30 thành viên và đến nay đã tăng lên 60 thành viên, chưa kể một số lớn hộ dân chưa tham gia vào tổ. Mỗi khi có khách, các thành viên chia nhau đưa khách tham quan rừng dừa, trải nghiệm các hoạt động như bắt cua, câu cá, quăng chài, bủa lưới… Thống kê sơ bộ, 9 tháng đầu năm làng đã đón khoảng 7.000 lượt khách đến tham quan du lịch, giúp cải thiện đáng kể cuộc sống người dân. “Trước đây Vạn Lăng là thôn nghèo nhất Cẩm Thanh, đa số người dân làm nghề biển nên năm nào biển động là toàn thôn thiếu đói, Nhà nước phải hỗ trợ mỗi nhân khẩu 15kg gạo, bây giờ thì hết rồi. Như năm nay, dù có nhiều tháng biển động nhưng cuộc sống người dân vẫn đảm bảo vì có du lịch, chứ mấy năm chỉ cần biển động 2 tháng thành phố đã phải cứu đói rồi” - ông Quý chia sẻ.
Phát triển có kiểm soát
Có thể khẳng định, thời gian gần đây Cẩm Thanh nổi lên như là điểm đến bên ngoài Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An. Những ngày này dễ dàng bắt gặp du khách đi trên đường làng. Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động du lịch nơi đây vẫn còn khá lỏng lẻo theo kiểu mạnh ai nấy làm; ai cũng có thể mua thúng và ai cũng có thể đón khách du lịch. Hiện tượng phá giá, chèo kéo, cò mồi cạnh tranh nhau là không tránh khỏi. Theo ông Nguyễn Văn Su, hiện tại thôn Vạn Lăng có 4 đơn vị điều hành phân phối khách cho người dân đưa đi là Tuấn Liên, Phát Huy, Rừng Dừa và Đảo Dừa. Ngoài ra, còn một lượng lớn những người làm tự phát, nhất là những người biết tiếng Anh, tiếng Trung. “Ở đây có mấy người bán vải cho Tây trên phố biết tiếng Anh nên “cò” đưa khách về bán lại để ăn chênh lệch. Thỉnh thoảng gặp khách đi trong làng mình đón lại chào mời ra giá nếu họ đồng ý thì đi” - ông Su cho biết.
Thời gian qua cũng đã có nhiều đoàn kiểm tra của tỉnh về thanh tra nên hoạt động đón khách nơi đây dù có tạm lắng nhưng cũng khó để kiểm soát hết. “Nói thật chứ những quy định kiểu như người chèo thúng phải qua đào tạo có chứng chỉ hành nghề hay giấy phép hoạt động lữ hành quốc tế… thì chúng tôi làm sao có được, mà cũng chẳng biết cơ quan nào cấp các giấy chứng nhận đó. Chưa nói, dân ở đây hàng bao đời nay gắn với sông nước kinh nghiệm còn hơn mấy cái chứng chỉ đó rất nhiều. Còn nếu vì những quy định này mà cấm chúng tôi chèo thúng đón khách thì cả làng chắc sẽ đói vì ở đây ngoài đi biển đâu còn gì để làm” - ông Su nói. Còn ông Trần Quý cho rằng, vấn đề lo ngại nhất hiện nay là tình trạng cò mồi nên thành phố, cần phải tăng cường thanh tra kiểm tra. Ngoài ra, Nhà nước cũng nên thường xuyên hỗ trợ người dân về đào tạo những kỹ năng như ngoại ngữ, giao tiếp, đón khách, cứu hộ, bảo vệ môi trường cũng như tăng cường quản lý chặt hơn về các hoạt động du lịch tự phát do du lịch Cẩm Thanh phát triển quá nhanh. “Vấn đề cò mồi cạnh tranh khách, bắt khách bừa bãi là có thật nhưng địa phương không thể giải quyết được vì không nằm trong thẩm quyền của mình, nên thành phố phải quan tâm hỗ trợ từ nguồn vốn đến con người để đảm bảo cho hoạt động du lịch nơi đây an toàn, thân thiện” - ông Quý kiến nghị.
Bà Đinh Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Thương mại và du lịch Hội An cho biết, trước đây thành phố đã giao cho xã quản lý hoạt động du lịch tại địa phương nhưng hiện tại du lịch Cẩm Thanh đã phát triển khá mạnh nên cần phải củng cố lại theo hướng có kiểm soát để tránh các hoạt động ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và uy tín điểm đến, nhất là giá cả. Theo quy định, không cấp giấy tờ cho những hoạt động đón khách nhỏ lẻ, do không đạt công suất. Chính vì thế ở Cẩm Thanh hiện nay chỉ có thể quản lý thông qua Tổ du lịch cộng đồng. Sau này sẽ tính toán đến việc đào tạo hoặc kiểm tra chứ cũng chẳng ai có thể cấp chứng chỉ hành nghề chèo thuyền thúng, nếu mình chuẩn bị tốt điều kiện để ứng phó thì sẽ hạn chế rủi ro không gây nguy hiểm đến khách.
THÂN VĨNH LỘC