Không ai có thể dự báo được mọi câu chuyện của đời người rồi sẽ đi về đâu.
Như người nông dân Đoàn Văn Vươn - nhân vật dậy sóng dư luận cách đây chưa lâu, sau những tháng năm nhọc nhằn, kể cả phải trải qua tù đày, nhưng trở lại đời thường và làm nên câu chuyện mà truyền thông phải chú ý. Đó là chọn lối đi không nhiều người làm được: sản xuất sạch. Nhiều báo chí đưa tin, sản phẩm vịt biển nuôi thử nghiệm và tôm rảo không dùng thức ăn công nghiệp của anh Vươn bán rất chạy trên thị trường Hà Nội. Chưa nói được điều gì cho tương lai phát triển bền vững nhưng quả thật ý tưởng của anh Vươn khiến nhiều người phải nể phục. Vì rằng, anh trở thành một biểu tượng của nghị lực sống, của khao khát người nông dân làm chủ đất đai mà không dông bão nào có thể hủy diệt. Chỉ là cây cỏ, là cọng rong biển, là loại cỏ gà trên đồng nắng hạn vẫn mang dự cảm thời tiết từ sự tích tụ sinh khí của đất trời.
Một câu chuyện khác mà báo chí cũng chú ý đó là cô Ba Sương. Người phụ nữ này đã tiếp nối lẽ sống của cha mình - Anh hùng Lao động Trần Ngọc Hoằng, để xây dựng một nông trường kiểu mẫu ở miền Nam - Nông trường sông Hậu. Lý do đưa cô Ba Sương vướng vào câu chuyện “đáo tụng đình” rất buồn, đến nỗi không còn căn nhà riêng để tá túc, giờ không bàn thế nào cho rốt ráo. Nhưng nhiều người sẽ phải ngả mũ chào đón người phụ nữ ấy khi những ngày vừa qua, đánh dấu bước ngoặt cô trở lại thương trường. Đó là việc cố vấn cho dự án nhà máy đóng hộp rau củ trị giá hơn 700 tỷ đồng ở Vĩnh Long. Nhà máy này được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế với công nghệ hiện đại của Mỹ và Hàn Quốc. Toàn bộ sản phẩm cung cấp cho Công ty USFI, Inc (liên doanh giữa Tập đoàn US Foods International của Mỹ và Tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc) nhằm nâng cao giá trị gia tăng của trái cây, rau, củ, quả của Việt Nam. Theo cô Sương, đối tác của dự án là ông Gary T Place - Chủ tịch USFI, Inc cũng là một người đã cùng cô Sương ấp ủ thành lập dự án này từ năm 2007. Không thể không cảm động và cảm phục! Người ta có thể quên đi bao giọt nước mắt tủi thân để thấy rằng cô Trần Ngọc Sương, Anh hùng Lao động, người phụ nữ tiêu biểu châu Á - Thái Bình Dương, đã “đọc” đúng tâm trạng của bao người nông dân áo vải khi không từ bỏ tình yêu đất đai, cây cỏ. Điều đáng quý, khi trở lại với câu chuyện mới đối với Công ty cổ phần Nông trường sông Hậu, bà Trần Ngọc Sương vẫn giữ nguyên một niềm yêu đối với chiếc nôi đã sinh ra mình, với cha mình, với cây cỏ phù sa của vùng đất Cửu Long, với những người nông dân chân đất.
Dẫn hai câu chuyện của hai người nông dân ở Nam Bộ và Bắc Bộ để thấy rằng từ dải đất Việt Nam có những tấm gương về nghị lực sống mà những tai ương bất trắc của cuộc đời không thể nào hủy diệt được họ. Đó là chưa kể đến những nông dân ở xứ Quảng, miền Trung cũng không thiếu những tấm gương như vậy. Họ đã đứng chênh vênh bên bờ Trường Sơn và Biển Đông để giữ một sức sống bền bỉ, chống chọi bao bất lợi từ nghịch cảnh để làm nên dáng đứng của mảnh đất đứng đầu sóng ngọn gió. Như câu chuyện về biển, xôn xao khi tàu lớn vẫn chòng chành, bị ngoại bang cướp phá khi ra biển đánh bắt hải sản, nhưng họ vẫn như “cột mốc sống” giữ chủ quyền biển đảo.
Nói sống như cây cỏ cũng là chuyện nhắc về nguồn mạch tình yêu đất nước, yêu ruộng vườn đất đai, dường như là điều rất “tự nhiên như nhiên” chảy trong huyết quản con dân đất Việt mang nguồn cội nông dân.
ĐĂNG QUANG