Sống nơi ngập lụt

NGUYỄN DƯƠNG - NGUYÊN ĐOAN 04/10/2013 09:54

Lớp bùn non còn chưa kịp khô sau cơn lũ do ảnh hưởng của bão số 8 thì nay, người dân các xã Đại Hưng, Đại Lãnh (huyện Đại Lộc) lại phải gánh chịu cảnh ngập lụt khi các thủy điện đồng loạt xả lũ.

  • Quế Sơn, Duy Xuyên: nhiều nơi ngập cục bộ
  • Hội An triển khai các lực lượng ứng phó lũ lụt
  • Nông Sơn, Đại Lộc: Lũ đang xuống chậm
  • Mưa lớn, lũ bắt đầu dâng, nhiều xã miền núi bị cô lập
Nhiều vườn chuối ở Tân An, xã Đại Lãnh chìm trong nước lũ. Ảnh: N.D
Nhiều vườn chuối ở Tân An, xã Đại Lãnh chìm trong nước lũ. Ảnh: N.D

Lũ chồng lũ

Người dân Đại Lộc đang phải gồng mình vì liên tiếp gánh chịu cảnh ngập lụt. Chỉ cách một thời gian ngắn sau bão số 8, nhiều người lại chống chọi với việc thủy điện xả lũ trong cơn bão số 10. Vừa tranh thủ bơi ra để cắt những buồng chuối non đang ngập sâu trong biển nước, ông Trần Hảo (khu Hòa An, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) cho biết, gia đình ông trồng được 1ha chuối, sắp đến mùa thu hoạch, vậy nhưng chỉ qua 2 đợt ngập lụt là vườn chuối mất trắng. “Nước ngập, chuối ngã liệt, úng trái. Chuối đang có buồng nặng nên chỉ cần ít gió, nước là đồng loạt ngã rạp. Hơn chục triệu đồng gia đình đầu tư vào đây gần như mất trắng. Giờ chỉ đi “mót” lại những buồng chuối già, chưa bị đổ ngã để bán vớt vát” - bà Trần Thị Hương (vợ ông Hảo) buồn rầu nói.

Thủy điện đồng loạt xả lũ

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão tỉnh, từ ngày 2.10 các hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt xả lũ. Theo đó, tính đến 16 giờ ngày 3.10, mực nước về hồ thủy điện Đăk Mi 4 hơn 520m3/s, xả tràn hơn 480m3/s; thủy điện sông Tranh 2 mực nước hồ đạt trên 152m, lưu lượng nước về hồ khoảng 663m3/s, tổng lưu lượng xả (gồm lưu lượng tự tràn qua ngưỡng tràn và qua các tổ máy) là 230m3/s. Tính đến 15 giờ ngày 3. 10, lưu lượng nước về hồ thủy điện A Vương là 104,5m3/s, thủy điện tiến hành xả 105m3/s.

Liên tục hứng chịu mưa lớn trong 2 ngày 1 và 2.10 vừa qua, nước đầu nguồn đổ về lớn, cộng với việc các thủy điện xả lũ khiến nơi đây ngập lụt. Chị Nguyễn Thị Vân (thôn Tân An, xã Đại Lãnh) cho biết, khoảng 1 giờ 30 phút ngày 2.10 nước lũ bắt đầu dâng, chỉ khoảng 30 phút sau đó nước đã tràn vào nhà. “Sống ở vùng lũ lâu nay nhưng thấy lũ là người dân lại lo sợ. Nước lũ lên rất nhanh không kịp trở tay nên nhiều hộ phải bỏ những vật dụng không cần thiết để chạy lũ. Khổ thiệt chú nghe, mới đó, bùn non còn chưa kịp khô trong nhà thì nay đã phải gánh chịu một trận lũ khác.” - chị Vân nói.

Lũ lớn về trong 2 ngày vừa qua khiến xã Đại Hưng, Đại Lãnh chìm trong biển nước, có nơi nước vào gần nửa nhà, người dân phải sơ tán lên những vùng cao hơn. Giao thông nơi đây cũng bị chia cắt. Để đi qua những đoạn đường bị ngập lụt, người dân phải sử dụng ghe thuyền. Anh Trần Văn Thái, khách đi thuyền qua địa phận xã Đại Lãnh để thăm người thân, nói: “Dù biết là không an toàn, nhưng giờ còn có cách nào khác đâu. Với lại, lâu nay cứ đến lũ là người dân nơi đây phải đi bằng thuyền, riết rồi cũng quen, hoàn cảnh bắt buộc vậy mà”.

Ám ảnh

Những năm gần đây, việc thủy điện xả lũ gây ngập trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân. Ông Lê Tấn Vinh (thôn Tân An, xã Đại Lãnh) nói: “Năm 2009, thủy điện xả lũ, nước lên nhanh, trong chớp mắt nhà cửa đã bị ngập sâu trong nước. Giờ lại nghe thông tin là thủy điện tiếp tục xả lũ, dân sợ lắm. Nhiều người đã dọn nhà cửa, lùa trâu bò lên núi để ở. Nỗi ám ảnh từ năm 2009 vẫn còn đó, không chạy chỉ sợ không giữ được tính mạng”. Còn bà Trương Thị Thu Nguyệt có nhà bị ngập sâu trong nước, phải ở tạm nhờ người khác, vẫn chưa hết hoang mang. “Nước lên nhanh lắm. Có kịp di chuyển đồ đạc chi mô. Nghe tới thủy điện xả lũ là kinh”.

Địa phận xã Đại Hưng, Đại Lãnh được coi là nơi rốn lũ của huyện Đại Lộc, bởi đây là nơi đầu tiên phải gánh chịu hậu quả của lũ lụt, cũng là nơi nước còn đóng lại lâu nhất trên địa bàn. Trong đợt ngập lũ vừa qua nhiều hộ ở đây phải sống cảnh ăn nhờ ở đậu bởi nhà của họ đã ngập chìm trong biển nước. Như hộ chị Trần Thị Hữu (thôn Tân An, xã Đại Lãnh) là một trong những gia đình có hoàn cảnh bi thương nhất. Gia đình chị có 4 người phải chen chúc trong ngôi nhà vỏn vẹn 4m2. Nhìn ngôi nhà như căn chòi của mình đã bị ngập đến nóc, chị Hữu nói trong nước mắt: “Gọi là nhà nhưng thực chất chỉ bằng cái chòi. Mỗi lần mưa gió là cả 4 người co cụm về một chỗ. Chỉ trong nửa tháng cả nhà đã phải chịu cảnh ăn nhờ ở đậu nhà hàng xóm. Nước lũ nhấn chìm tất cả rồi…”. Chị Hữu có chồng là anh Nguyễn Văn Hai, anh Hai bị cụt mất một chân, lại bị tai biến, 6 năm nay chỉ nằm một chỗ. Người con gái của chị lại bị bệnh thần kinh mãn tính, thường xuyên lên cơn co giật. Tất cả gánh nặng gia đình đều đổ dồn lên đôi vai của chị Hữu. “Chẳng được học hành gì nên giờ cứ ai kêu gì làm nấy thôi, không có nghề nghiệp gì ổn định. Ước mong lớn nhất bây giờ là có được căn nhà nhỏ, miễn là đừng bị lụt gây ngập như bây giờ. Như vậy là đã thỏa mãn lắm rồi. Có đói thì đi làm thuê làm mướn kiếm ăn còn được, chứ nhà mà ngập thì khổ lắm…” - chị Hữu tâm sự. Trong những ngày này, khi căn nhà nhỏ của chị ngập chìm trong nước lũ, cả gia đình đang sống bằng sự cưu mang của hàng xóm. “Chúng tôi ở đây ai cũng biết hoàn cảnh khó khăn của chị Hữu nên mỗi người một tay, có gì giúp nấy. Sống với nhau bằng cái tình thôi chú ạ, nhất là trong những lúc bão lũ hoành hành như lúc này…” - ông Lê Tấn Vinh (thôn Tân An, Đại Lãnh) nói.

NGUYỄN DƯƠNG - NGUYÊN ĐOAN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sống nơi ngập lụt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO