Sống ở đời, chỉ mong khỏe óc…

MỘC MIÊN 28/01/2019 07:41

Người cháu cất tiếng kêu: “Cô ở mô rồi? Bà làm chi dưới nớ?”. “Tao có làm chi mô, mấy bữa ni đau chân quá không đi mô hết”. Hiện ra ở cửa thông nhà trên và bếp, một người đàn bà mà nghe giọng nói và tướng vóc, cứ ngỡ đâu 80 tuổi.

“Cô đau cái chi? Có đau chi không?”. Lại người cháu thứ hai hỏi dồn. Họ ở Đà Nẵng, thỉnh thoảng về thăm bà. Băng những cánh đồng, thọc sâu vào trong xóm bên kia cầu Quảng Huế, nhà cửa vườn tược của xã  Đại An  như nối dài biếc xanh của sông Vu Gia.  Đường làng đủ để cho trí tưởng tượng những khúc êm đềm lách mình theo cánh gió len lỏi tìm ra sông ra đồng.  “Đau, ai đưa bà đi?’. “Tau kêu xe ôm ra bệnh viện, họ hỏi  đau cái chi, tau  nói đau tổng  quát, khám xong họ nói không có chi hết. Nói bậy, đau thấy mẹ mà nói không có chi”. Tôi ngạc nhiên trước lối dùng từ có vẻ… cà phê vỉa hè của dân chuyên ngồi quán, lại bật ra từ miệng bà già, mà bước qua 2019, tính theo tuổi mụ là 102 tuổi. “Răng bà đi cà nhắc?”. “Tau bước không ngó, trật cái chân ở bậc thềm”. Bà tên là Nguyễn Thị Ngọc.  Bà nói không ngừng về chuyện dở dang hôn nhân của đứa cháu nội, lời lẽ buồn xót như thấy đời người toàn chuyện nổi nênh sao đến sớm với người trẻ. Bà có 1 con gái, 3 con trai, trong đó, ba người đang định cư tại Mỹ, người còn lại ở Vũng Tàu. “Bà ở một mình, ai nấu cho ăn?” - tôi hỏi . “Tự nấu”. Lại nói ... chắc bắp. “Mua đồ ăn ở mô?”. “Ui, bán đầy, sáng ra xe chở đồ ăn đi qua đi lại, từ xôi mì tới cá thịt”. “Bà hay ăn cái chi?”. “Ưng chi ăn nấy, ăn tuốt”. Tiếng cười hà hà nghe đã đời, nghĩ cảnh bao người chưa chạm cửa 70 tuổi đã phải kiêng hết thứ này qua thức nọ. Cháu bà kể, có bữa bà thèm thịt gà, thế là chụp một con, cái kho mặn, cái nấu cháo, trong ngày đó bà... tất toán luôn con gà.

Bà Nguyễn Thị Ngọc  và chứng nhận của Chủ tịch nước trao. Ảnh: MỘC MIÊN
Bà Nguyễn Thị Ngọc và chứng nhận của Chủ tịch nước trao. Ảnh: MỘC MIÊN

Giọng  bà sang sảng, không dứt. Cứ chiếu theo âm vực vang và sâu mà luận, thì rõ sức khỏe còn ngon lắm đây. “Bà kể chuyện đi Mỹ nghe chơi?”. Số  là 20 năm trước, một thân một mình, bà đi Mỹ thăm con cháu.  Bà nhìn tôi trầm ngâm chút xíu rồi cất giọng, kể tắt ngang: “Chi có, hắn đi làm, mình ở nhà, thôi về, theo chi cho khổ”. “Răng bà không ở lại luôn?”. “Không tự do! Qua nớ, ăn uống thua bên mình, đồ bỏ tủ lạnh, ăn lạt nhách. Đi chợ mua đồ, mình không được trả, ưng mua chi thì lấy bỏ vào xe đẩy, qua cửa đưa cái card trả tiền. Tau không dám ra đường, đi cà quớ, lạc, cảnh sát bắt liền. Tau thấy có ông, ngó vắng không có ai, đái bậy, răng hay thiệt, cảnh sát ở mô không biết tới phạt, thiệt tài. Rồi mấy đứa đi du học, qua ăn cắp, họ đuổi đầu ngay, để xấu xã hội họ”. “Con cháu đông, răng bà không ở với đứa mô?’. “Tụi hắn đi làm ăn hết. Ừ, đông cho lắm, rồi ở một mình, chết không ai biết được, thôi cứ sống”. “Bà sợ chết không?”. “Có chi mà sợ. Tau theo thiên chúa, chết xác, nhưng hồn còn sống, có đứa nói bà khỏi lo, bà có chỗ chôn gần chỗ ni, khỏe re mà. Tau dặn đứa cháu, là tau có chết, không làm đình đình đám chi, không nhổ lông, vặn cổ gà vịt chi hết, cứ xuống chợ, mua sắm về đãi người ta. Chết rồi, kẻ thắp hương, người thắp đèn, phiền phức”. Bà quay sang người cháu: “Cả năm ni tau không đi đám cưới đám giỗ mô hết”. “Răng rứa?”. “Thôi, lại mắc nợ miệng, tau một mình, lỡ chết đi, người ta có đám tiệc, ai đi thay cho tau? Đừng phiền ai hết. Sống hay chết cũng rứa thôi, đừng nghĩ chi hết, sống ít sống nhiều, lâu hay may, cũng rứa thôi, cứ nghĩ cứ làm cái chi cho khỏe óc là được”.

 Nghĩ và sống như thế, hình như chỉ còn lại ở lớp như bà, chứ tôi để ý ngày càng rơi rụng tinh thần vô úy trước cái chết, thay vào đó là nỗi tham luyến ngổn ngang. Biết làm sao, xã hội nó lái mình. Tôi ngó cái nhà cứng cáp, nghĩ nó sẽ càng vắng hơn khi ngày nào đó bà đi xa. “Bà mà chết, nhà ni cho ai?”. “Không cho đứa mô hết, bởi đứa có đứa không, giành giựt mệt lắm”. Rồi bà kể, có sào ruộng cho đứa cháu thuê làm, nó hứa mỗi năm đưa 600 ngàn đồng, nhưng  mấy năm rồi không thấy đồng xu ke mô. “Họ nói răng không trả?’. “Hắn nói cho đứa khác thuê, kêu tau đòi thằng nớ. Tau nói mi nói hay hè, tau cho mi thuê chứ hắn mô... Rồi hắn nói ấm ớ hội tề loanh quanh...”. Quả thực, tôi kinh ngạc trước cụm “ấm ớ hội tề”, nghĩ bà già lý luận kinh quá. Người cháu bật cười: “Chồng bả trước đây là chức sắc đó, nhưng thua bả món nói năng”. “Ông chết năm mô bà hè?”. Bà cười như có lỗi: “Để tau nhớ, mùng 7 tháng Chạp...”.

Nói rồi bà đứng lên. “Ê, chuối chín tùm lum ngoài vườn, bay ra đốn mỗi đứa một buồng về ăn”. Người cháu loay hoay ra sau vườn tìm sợi dây thép để theo khung chứng nhận trăm tuổi do Chủ tịch nước Trần Đại  Quang ký. Bà ngó theo cười: “Thép mô ngoài nớ, mi đi tìm dây chuối hả?”. Nói rồi bà như rơi vào tự sự, rằng chuối chín tùm lum mà rẻ rề, nải có 5 ngàn, phải chờ gần tết, ra giêng mới có giá. “Ừ thì mình bà, khỏe thì tự làm, mệt thì kêu người ta, vườn tược để hoang răng được...”. Chuối, đu đủ, thơm, gà, một tay bà lo hết. Nghĩ mà thương nhưng phục sát đất. Qua tuổi bách niên rồi mà trí óc, đi đứng như người còn trẻ. “Hồi đó cách đây 5 năm, bả nói năm Ngọ, giờ ngọ là tau chết, nếu không thì 12 năm nữa...”. Cháu bà thêm cho tôi chi tiết này. Bà nghe được, bèn cười, rằng lo chi chuyện chết. “Mi lên bên hè trên, chỗ nớ có buồng chuối chín bói rồi nớ, bay cột cho kỹ, đi ngó trước ngó sau hỉ”…

MỘC MIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sống ở đời, chỉ mong khỏe óc…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO