Bãi cát dài dưới chân những rặng dừa tự bao đời vẫn là “đường chân trời” của Tam Hải, giữa bốn bề sông bể chưa bao giờ vắng thưa tiếng sóng reo. Sẽ còn một hành trình dài để chưng cất cho ốc đảo hình bầu rượu này một thế mạnh kinh tế đặc biệt, nhưng đâu đó phía biển, đã thấy lấp lánh kỳ vọng của một cuộc trở mình…
Viên ngọc thô
Sóng miệt mài vỗ phía biển. Ba mặt còn lại của “bầu rượu” Tam Hải, sông vây lấy xã đảo, bằng những rặng dừa và một màu ngăn ngắt xanh của nước. Lúc đứng phía bờ bên kia chờ phà qua Tam Hải, nhìn về phía những rặng dừa vươn cao, chúng tôi cứ có cảm giác vô vàn những cánh tay đang vẫy gọi phía bên kia. Một vùng đất quá đẹp. Ai đó, nếu lần đầu đặt chân tới mảnh đất này, sẽ không thể không say trước thứ “men” huyền diệu là cảnh sắc, là trời nước hợp ca giữa tiếng gió xào xạc trên những rặng dừa. Sách sử gọi tên vùng đất này là “Trưởng nam của kỳ hóa”, gắn liền với nghĩa địa cá ông nổi tiếng khắp duyên hải miền Trung. Nhưng, nhiều hơn huyền tích mang tính tâm linh ấy, Tam Hải đã và sẽ được định danh trong quy hoạch phát triển với vùng sinh thái nước lợ, một rạn san hô đá ngầm có nhiều nguồn hải sản quý như tôm hùm, hải sâm... cùng với môi trường sinh thái và phong cảnh đặc sắc để xây dựng thành khu du lịch đẹp thuộc loại hiếm ở miền Trung.
Một góc xã đảo Tam Hải. |
Ông Trần Ngọc Hữu - Chủ tịch UBND xã Tam Hải kể rằng các nhà đầu tư du lịch từng đặt chân đến đảo đều… khen nức nở, đồng thời khẳng định nếu được đầu tư bài bản, đây sẽ là một trong những vùng du lịch biển tiềm năng nhất miền Trung. Chiến lược phát triển của đất này cũng nhắm vào du lịch, UBND tỉnh cũng từng có chủ trương giải tỏa trắng xã đảo này cho một dự án tỷ đô. “Dù dự án không triển khai như dự định nhưng công bằng mà nói, tiềm năng lớn nhất của Tam Hải vẫn là du lịch. Chỉ có điều, đó chỉ là một viên ngọc thô, cần phải đặt vào tay một người thợ giỏi, mới thực sự đánh thức được giá trị, xứng tầm với tiềm năng của đất này” - ông Hữu bộc bạch.
Mùa nào Tam Hải cũng đón khách “phượt” ghé chân, chí ít đó cũng là một trong những minh chứng cho lời tâm sự của ông Chủ tịch xã. Bàn Than trở thành một địa danh quen thuộc trên các diễn đàn du lịch. Một số tour lớn nhỏ đã đến với vùng đất này, nhất là khi có 2 khu resort được đầu tư xây dựng. Nhưng Tam Hải vẫn còn “thô ráp”, bởi những khó khăn hiện hữu về hạ tầng, về dịch vụ. Rồi ô nhiễm, thứ nguy cơ ghê gớm nhất đang giết dần giết mòn những bãi biển, những rặng dừa. Tam Hải bao nhiêu năm nay như là túi rác, rác từ phía trên tấp xuống, rác từ dưới biển dội lên, rồi rác tại chỗ không biết đem đi đâu, cứ thế ngập dần trên đảo. “Đất chật, thiếu quy hoạch, xây cái nhà máy thu gom mà đặt đâu cũng đụng chạm tới quyền lợi của dân. Nên khi được công nhận là xã đảo, dân đảo ít nhiều cũng có quyền nghĩ tới chuyện quy hoạch, rồi đầu tư hạ tầng, có giải pháp xử lý cho cái chuyện môi trường, rác thải. Đó, trông chờ lắm chớ không phải giỡn đâu” - ông Phạm Công Danh, nguyên Bí thư xã Tam Hải, nay đã tám mươi hai tuổi, nói với chúng tôi như thế.
Bến phà Tam Hải - Tam Hòa, một trong hai cửa ngõ để đến được xã đảo Tam Hải. Ảnh: PHƯƠNG GIANG |
Bình minh từ phía biển
Khi du lịch vẫn còn là giấc mơ, dân đảo sống bằng một “bầu sữa” khác, là biển. Hơn 400 phương tiện, với tổng công suất gần 20.000CV, ngày đêm hoạt động trên các vùng biển, ra tới tận Hoàng Sa, Trường Sa, mang về gần 2.000 tấn thủy hải sản hàng năm, xấp xỉ hơn 28 tỷ đồng. Nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là tôm thẻ chân trắng mỗi năm cũng đem về cho dân đảo 87 tỷ đồng, kèm theo hoạt động của các ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ như làm nước đá, nước mắm, dịch vụ hậu cần…
Xây dựng đề án phát triển tổng thể xã đảo Tam Hải Cùng với xã đảo Tân Hiệp (TP.Hội An), Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận Tam Hải là xã đảo, căn cứ theo các tiêu chí, quy định công nhận xã đảo hiện hành. UBND huyện Núi Thành cũng đã có chủ trương xây dựng đề án phát triển kinh tế - xã hội tổng thể cho xã đảo giai đoạn 2016 - 2020, trong đó cần xác định các dự án đầu tư trọng điểm trên đảo từ nay đến năm 2020 để xin bố trí vốn đầu tư. Hiện tại, xã đảo này được tổ chức khảo sát, triển khai lập quy hoạch chung (tỷ lệ 1/5000), từng bước có hướng đầu tư thích hợp trong tương lai. |
Ngư dân Tam Hải vươn khơi bằng những con tàu cải hoán, đóng mới, có thể đánh bắt từ vài chục ngày đến hàng tháng trời. Biển, bầu sữa vĩ đại ấy, trở thành thứ trực tiếp nuôi sống hơn 80% dân đảo. “Biến đổi khí hậu khiến cá tôm ít dần, ngư dân bám biển còn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm khó lường. Nhưng đó là nghiệp của cha ông bao đời rồi, mình sống khỏe, sống tốt cũng nhờ biển. Ngư dân giờ còn được hỗ trợ, quan tâm nhiều hơn so với trước, từ chuyện thuốc men, đau ốm tới trang bị liên lạc điện đài, bảo vệ, cứu nạn khi gặp bất trắc. Còn tàu, còn sức thì còn đi” - ông Phạm Thành Nam, chủ tàu cá QNa-91097 tâm sự. Đã gắn bó với biển suốt hàng chục năm, từng dạn dày với quá nhiều sóng gió, những chuyến biển của ông Nam và hàng trăm ngư dân Tam Hải bây giờ còn là hành trình giữ lấy từng tấc chủ quyền Tổ quốc ngoài khơi. Thật may, trong hành trình ấy, đã có thêm bàn tay của rất nhiều người trẻ Tam Hải hôm nay. Họ, sẽ là lớp người kế cận để những con tàu tiếp tục hướng về phía biển…
Những con đường bê tông trên xã đảo len lỏi dưới bóng dừa xanh. Vẫn là một Tam Hải ban sơ với nghĩa địa cá ông, với đôi giếng cổ và tấm lòng hồn hậu của người dân đảo. Khó khăn chưa dứt, khi biển vẫn ầm ào xâm thực phía cửa Lở, ô nhiễm môi trường đang còn là thách thức, nhưng Tam Hải bây giờ đã có quyền nghĩ về một bình minh khác. Một bình minh của khát vọng biển, của những hoài vọng du lịch cho mảnh đất hình bầu rượu đắm say trước biển, từ bây giờ…
PHƯƠNG GIANG - ALĂNG NGƯỚC