Sông thiêng

PHẠM XUÂN HÙNG 11/02/2021 05:22

(Xuân Tân Sửu) - Tôi từng không ít lần ngồi bên bờ sông Thu Bồn xứ Quảng để ngẫm ngợi về câu ca “Bao giờ cầu Mống gãy đôi. Sông Thu hết nước em mới thôi thương chàng”. Sông Thu qua bao đời người vẫn ăm ắp nước miệt mài xuôi về cửa Đại. Nhưng trong sâu thẳm, câu ca trên vẫn gợi cho tôi những suy nghĩ.

Cuối nguồn sông mẹ Thu Bồn. ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Cuối nguồn sông mẹ Thu Bồn. ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Mãi về sau, khi nhiều lần thực hiện các tập phim tài liệu về xứ Quảng tôi mới nhận ra ý nghĩa đích thực: Sông Thu không bao giờ mất đi, không bao giờ cạn nước bởi nó là Sông Mẹ, là trục văn hóa của miền quê “chưa mưa đà thấm/rượu Hồng đào chưa nhấm đà say”.

Trục văn hóa ấy có từ rất sớm, trước cả những cuộc di dân của người Đại Việt mà bằng chứng là một Mỹ Sơn kiệt tác kiến trúc nghệ thuật tôn giáo nằm ở phía thượng nguồn sông Thu. Rồi tiếp tới là dinh trấn Thanh Chiêm của các chúa Nguyễn dẫn đến việc hình thành Hội An phố thương cảng sầm uất nơi cuối nguồn.

1. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ rõ, lịch sử các nền văn minh đều bắt nguồn từ những dòng sông. Đó là những vấn đề văn hóa lớn lao, còn với riêng tôi chỉ nghĩ đơn giản, rằng mỗi dòng sông đều có những tính cách riêng tạo dấu ấn tâm hồn cho con người ở đó. Và với mỗi người ai cũng có một dòng Sông Thiêng chảy trong tâm thức, trở thành nỗi nhớ, nỗi ám ảnh khôn nguôi dù có phải tha hương cuối đất cùng trời.

Tôi may mắn làm nghề xê dịch nên bước chân đã chạm đến mạch nguồn của hàng trăm con sông lớn nhỏ trên đất nước Việt Nam. Từ những dòng sông Tây Bắc đỏ quạch phù sa nuôi nấng cả nền văn minh Sông Hồng đến những dòng sông cồn cào, réo rắt ở khúc ruột miền Trung gập ghềnh, từ những dòng sông mênh mang con nước, rập rờn lục bình, điên điển của miền Tây đến những dòng sông chảy ngược man dại giữa đại ngàn Tây Nguyên. Mỗi dòng sông một dáng hình, mỗi đời sông một tính nết và thậm chí mỗi đoạn sông là một cảm giác như chính con người, lúc buồn lúc vui, lúc hiền hòa lúc giận dữ, lúc bình thản lúc muộn phiền…

2. Thời đi học, là gắn bó với sông Hương. Đã có quá nhiều nhà văn tự cổ chí kim viết về dòng sông thơ mộng này và có những trang viết xuất sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường đến nay khó có người cầm bút vượt qua (Ai đã đặt tên cho dòng sông). Tôi cũng nhiều lần ngồi ở quán cà phê Lộng Gió và suy nghĩ tại sao Nguyễn Hoàng, người dành phần lớn cuộc đời ở Ái Tử (Quảng Trị) lại chọn vùng đất bên dòng sông này làm kinh đô? Dĩ nhiên, các nhà nghiên cứu lịch sử có nhiều cách trả lời và cách trả lời nào cũng có tính hợp lý.

Lẽ thường, đất Quảng Nam với vị trí trung độ của cả nước nếu chọn làm đất đóng đô cho xứ Đàng Trong (kể cả sau này khi giang sơn thống nhất) sẽ hợp lý hơn. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, để đối phó với Chúa Trịnh đang rình rập từ phương bắc, các chúa Nguyễn đã chọn xứ Huế làm kinh đô. Tôi không phản đối ý kiến này nhưng theo tôi còn có thêm những lý do khác kèm theo chẳng hạn về phong thủy, văn hóa, khí hậu, thổ nhưỡng…

Không phải ngày xưa mà đến tận bây giờ, ở nhiều quốc gia, trung tâm chính trị cũng thường là trung tâm văn hóa và không nhất thiết phải là trung tâm kinh tế. Nhưng thôi, dù bởi lý do gì thì xứ Huế cũng đã là cố đô và trong tôi sông Hương vẫn là danh giang đệ nhất ở miền Trung. 

Cao nguyên M’Nông ở phía nam Tây Nguyên, cách đây chừng hơn ba thập niên, khi lần đầu đặt chân đến tôi đã từng kinh  ngạc trước sự hùng vĩ của dòng Serepók. Con sông dữ dội nhất cao nguyên này là hợp lưu của hai con sông Krông Nô và Krông Ana tức sông Chồng (sông Đực) và sông Vợ (sông Cái). Suốt chiều dài con sông có những thác nước rợn ngợp như Dray Nur, Dray Sap, Bảy Nhánh nhưng cũng có những đoạn sông hiền hòa ngang qua Krông Năng, Buôn Đôn, Buôn Trấp, Lăk…

Tôi cũng từng tự hỏi sao con sông chảy ngược này (chảy từ đông sang tây, sang Biển Hồ của nước bạn Campuchia trước khi quay trở về đất Mẹ ở đồng bằng sông Cửu Long) lại có thể thống nhất các tính cách khác nhau? Rồi sau nhiều lần đến đây, đọc thêm tài liệu tôi hình dung đó chính là sự hợp lẫn giữa ước muốn ở lại với núi rừng đồng thời khát khao tìm kiếm, trải nghiệm đời sống ở những miền đất mới. Phần nào đó, Serepók cũng như người M’Nông, Ê Đê ở sơn nguyên này, gắn bó với rừng nhưng cũng đầy sợ hãi khi bị rừng mê hoặc. Điều mà Jacques Dournes trong tác phẩm Forêt, Femme, Folie (Rừng, Đàn bà, Điên loạn) đã nhận xét về cái gốc của người Tây Nguyên bản địa, đó là sự giằng xé giữa hoang dã và văn minh. Mất rừng cộng đồng sẽ nhanh chóng bị tan rã, nhưng đi sâu vào rừng họ sẽ bị rừng nuốt chửng, trở nên tăm tối và mê muội.

Lại có lần nào đó trong chuyến lang thang miền Tây với nhà thơ Trần Tuấn, cả hai đã từng bần thần trước cái mênh mang của sông Tiền, sông Hậu. Trời ơi là nước, nước như chẳng thấy bờ, dập dềnh theo đuôi những chiếc xà lan, tắc ráng… là đám lục bình như những vườn rau xanh khổng lồ.

Một đêm, tôi và Tuấn đã uống rượu suông bên bờ sông Gành Hào của xứ Bạc Liêu để lúc thấm say cả hai cùng nghêu ngao câu hát “Qua Gành Hào nhớ điệu Hoài lang” của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: “Bạc Liêu ơi, có nhớ chăng ai. Thuở ấy thanh xuân, trăng Gành Hào tròn như chiếc gương. Giờ tóc pha sương qua Gành Hào tiễn một vầng trăng”.

Rồi đêm sau nữa, ở Phú Quốc tôi và Tuấn vứt xe máy bên vệ đường, uống rượu bên bờ sông Dương Đông cùng cô bạn mới quen. Để rồi khi thấy chúng tôi say quá, cô bạn mới quen chợt như thương người thương mình mà cất tiếng hát: “Chồng gần không lấy em lấy chồng xa. Giờ đây nhớ mẹ thương cha. Còn đâu mà thong thả đi về nhà thăm. Xa xăm nơi chốn bưng biền. Ăn bông điên điển, nghiêng mình nhớ đất quê. Chồng xa em khó mà về…” (Bông điên điển - Hà Phương) . Hai câu cuối bài hát, cô bạn xuống xề rặt giọng miền Tây: “Hò ơi, chồng xa em khó mà dzề. Hò ơi, chồng xa em khó mà dzề..” làm cả Tuấn và tôi bật khóc.

3. Nhưng có lẽ sông thiêng của mỗi phận người, tôi nghĩ đó là dòng sông quê, nơi tắm gội và ôm ấp tuổi thơ. Xứ gió lào, cát trắng ở vĩ tuyến 17 quê tôi có nhiều sông, ít nhất là hai con sông được người ta biết đến vì quá nổi tiếng: sông Hiền Lương và sông Thạch Hãn.

Riêng vùng Cam Lộ tôi ở thì Hiếu giang là con sông đã từng được nhắc đến trong cổ sử. Với riêng tôi đó là dòng sông của tuổi trẻ mơ mộng sống “đời xà rê” (xà rê là dụng cụ bắt cá độc nhất vùng Cam Lộ thượng), của những nghịch ngợm thời trẻ trâu và cả tình yêu non dại nói theo cách nói của cố nhà thơ Tạ Nghi Lễ mà tôi đã đánh rơi trên quãng sông nào đó của thời thơ ấu.

Rồi đôi khi nhớ lại, thời sinh viên, cùng cô bạn gái sau này duyên phận cột nhau, bên bờ sông Thu Bồn thuở ấy tôi đã từng xao xuyến viết tặng dòng sông quê của xứ Quảng và cũng để tặng dòng Hiếu giang nơi tôi lớn lên: “…Nghe từ xa vắng tháng năm/Lãng du qua những dòng sông quê người/Chiều nay chợt khóc chợt cười/Sông quê vẫn cứ một đời sông xưa/ Ước gì trời nắng chợt mưa/Ước gì tôi chợt mình vừa thơ ngây/Bàn chân dẫm ngọn cỏ may/Tôi con thuyền lá chở ngày sang đêm/Lạy sông rửa hộ ưu phiền/Tôi xưa nào biết kim tiền là chi/Tóc xanh nay đã quá thì/Ngày sau tóc bạc cũng vì sông quê…”.

Bài thơ ấy viết đã cách nay hơn 30 năm. Và tôi bây giờ tóc đã bạc trắng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sông thiêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO