Sông Trà vượt khó xây dựng nông thôn mới

MAI NHI - TÂM ĐAN 08/12/2022 05:41

Những năm qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng xã miền núi Sông Trà (Hiệp Đức) vẫn nỗ lực triển khai hiệu quả mô hình nông thôn mới.

Địa phương mong cấp trên quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng tại Cụm công nghiệp Sông Trà để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Ảnh: N.Đ
Địa phương mong cấp trên quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng tại Cụm công nghiệp Sông Trà để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Ảnh: N.Đ

Nâng cao thu nhập người dân

Xã Sông Trà hiện có 668 hộ dân với 2.700 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 51%.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Sông Trà cho hay, năm 2020 khi bắt tay thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM), thu nhập bình quân đầu người của địa phương chỉ đạt 25 triệu đồng và tỷ lệ hộ nghèo chiếm 21%.

Thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các hội đoàn thể của xã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế nhằm nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống.

“Trên địa bàn xã có 24ha đất lúa. Nhờ ngành chuyên môn và chính quyền các cấp thường xuyên tập huấn chuyển giao những gói kỹ thuật canh tác tiên tiến, hỗ trợ nông dân giống mới có chất lượng nên năng suất lúa tăng lên đáng kể. Năng suất lúa bình quân của xã hiện đạt từ 48 - 51 tạ/ha” - ông Sơn nói.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, để đảm bảo cán đích NTM vào năm 2025 theo đúng lộ trình đặt ra, trong 3 năm tới xã Sông Trà cần 17 tỷ đồng cho việc xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Nguồn kinh phí trên chủ yếu đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, sân vận động xã, mở rộng và nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, lắp đặt hệ thống truyền thanh kỹ thuật số, thi công các công trình nước sinh hoạt và điện chiếu sáng...

Tính đến thời điểm này, Sông Trà có 1.000ha rừng keo nguyên liệu, hằng năm người dân khai thác bán ra thị trường 200 - 250ha và thu về 12 - 15 tỷ đồng.

Toàn xã còn có 300ha cao su đại điền của Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam; bên cạnh đó là 45ha cao su tiểu điền do người dân đầu tư trồng, mỗi năm 1ha cho giá trị 130 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết, ngoài nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam, Công ty TNHH MTV Hào Hưng Hiệp Đức chuyên chế biến những sản phẩm từ gỗ rừng trồng, Công ty TNHH MTV Đức Uyên chuyên sản xuất và cung ứng các loại giống cây trồng thì hiện nay Sông Trà có 38 cơ sở buôn bán, sản xuất tiểu thủ công nghiệp với các ngành như gò hàn, cơ khí, mộc dân dụng, may mặc... Số doanh nghiệp và cơ sở sản xuất - kinh doanh vừa nêu giải quyết việc làm cho 560 lao động nông thôn.

Nhiều lao động nông thôn ở xã Sông Trà có việc làm ổn định tại nhà máy chế biến mủ cao su Hiệp Đức. Ảnh: N.Đ
Nhiều lao động nông thôn ở xã Sông Trà có việc làm ổn định tại nhà máy chế biến mủ cao su Hiệp Đức. Ảnh: N.Đ

“Nhờ lĩnh vực kinh tế chuyển biến mạnh mẽ nên thời gian qua đời sống người dân Sông Trà cải thiện đáng kể. Ước tính, năm 2022 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt khoảng 32 triệu đồng, tăng 7 triệu đồng so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm 9,05%, giảm 11,95% so với cách đây 2 năm” - ông Sơn nói.

Cần trợ lực để về đích

Từ năm 2018 đến nay, nhờ nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép nhiều kênh vốn, Sông Trà đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp.

Ngoài 7km đường quốc lộ 14E, 8km đường Đông Trường Sơn, 2km đường ĐH đi qua địa bàn, thời gian qua xã đã kiên cố hóa 4km trong số hơn 5km đường liên thôn và ngõ xóm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Trong 4 năm qua, địa phương cũng chi 900 triệu đồng xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt, đến nay hơn 2/3 dân số được sử dụng ổn định nguồn nước hợp vệ sinh.

Trên địa bàn xã có 3 ngôi trường, gồm Mẫu giáo Họa My (phân hiệu Sông Trà), Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, Phổ thông dân tộc nội trú THCS Hiệp Đức; trong đó Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Năm 2021, Trạm Y tế xã Sông Trà cũng được xây dựng kiên cố với quy mô 2 tầng, nguồn nhân lực và trang thiết bị đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.

Ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết, sau 2 năm triển khai, đến nay xã đã hoàn thành 14/19 tiêu chí NTM. Mục tiêu đặt ra là từ nay đến năm 2025, Sông Trà phấn đấu thực hiện hoàn thành 5 tiêu chí còn lại để đạt chuẩn xã NTM. Với đặc thù xã miền núi còn nhiều khó khăn, trên hành trình về đích NTM, địa phương cần sự trợ lực từ nhiều phía.

“Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao, chúng tôi mong muốn thời gian tới các cấp, ngành quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng tại Cụm công nghiệp Sông Trà và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Đối với lĩnh vực nông - lâm nghiệp, cần tích cực hỗ trợ nông dân chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng - con vật nuôi, đặc biệt là xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và ổn định đầu ra sản phẩm” - ông Sơn nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sông Trà vượt khó xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO