Sống trong cát

SONG ANH 31/08/2014 09:23

Tôi về Bình Dương, xã ở “tận cùng vùng đất ven biển phía đông huyện Thăng Bình” trong những ngày ký ức về vùng “cát cháy” thức dậy…
Những ngày này, người dân xã Bình Dương như tất bật hơn với các chương trình kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng quê hương (5.9.1964 - 5.9.2014). Sâu thẳm trong ánh mắt người già nơi này, là ký ức về những cồn cát dài ven biển, với những người đồng đội trong kháng chiến “cháy ruột” hỏi nhau: “Bình Dương có còn tồn tại không?”. Hiển nhiên, Bình Dương “sống”, như một ngọn cờ vươn lên, bất chấp nắng gió, bom đạn.

Quê hương Bình Dương hôm nay. Ảnh: S.ANH
Quê hương Bình Dương hôm nay. Ảnh: S.ANH

Bình Dương - xã anh hùng với những con người anh hùng. Nếu ai từng đọc tiểu thuyết “Cát cháy” của nhà văn Nguyên Ngọc, hẳn sẽ ám ảnh một đội du kích mật xã Bình Dương gan dạ, bền bỉ thương khó đến kinh ngạc. Hay con người được phong là “một cuốn sử sống của Bình Dương” - cụ Hai Toán - Phan Thanh Toán, hay vợ chồng ông Phan Thanh Bốn và Nguyễn Thị Một - cặp vợ chồng vào loại “gan dạ nhất xã Bình Dương” thời chinh chiến… Bây giờ nhiều đoàn làm phim, nhà viết sử đến Bình Dương, điều đầu tiên đều tìm đến cụ Hai Toán, như để biết và hiểu rành rẽ hơn từng tấc đất, con người nơi đây. Cụ Toán năm nay gần 80 tuổi, đôi mắt sâu thăm thẳm cứ nhìn vào khoảng không trước mặt, như thể ở khoảng không ấy đang hiện lên từng trận phục kích, từng gương mặt đồng đội thân quen. Nhà văn Nguyên Ngọc viết về ông, rằng đây là “một con người từng trải, có thể nói có mặt với phong trào Bình Dương từ đầu đến cuối, từng là cơ sở bí mật thời 1954 - 1959, tham gia Đồng Khởi 1964, trải qua công tác trực tiếp ở xã thời chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, trưởng thành từ xã lên đến chính trị viên huyện đội rồi bí thư huyện ủy, lúc khó khăn ác liệt nhất, hồi 1970 cho đến 1973, lại thay mặt huyện về đứng chỉ đạo Bình Dương…”. Về hưu, không chọn chốn thành thị đông vui, ông quay về quê, dựng nhà ngay trên nổng cát quê hương, như cái suy nghĩ mộc mạc của ông “đất quê mình nghèo nhưng gắn bó, những gì sâu sắc máu thịt nhất trong cuộc đời đều ở đây”.

Người đàn ông hơn ba phần tư cuộc đời đi qua trong chiến chinh, bom đạn, bây giờ, giọng nói đã ngắt quãng ít nhiều, tai đã nặng, mắt đã trầm đục. Ông bảo rằng, người dân Bình Dương bây giờ “sướng” rồi, đường sá khang trang, màu xanh đã phủ cả dọc dài vùng ven biển… Và để quê hương có được tháng ngày như hôm nay, thế hệ cụ Toán phải đánh đổi rất nhiều. Những mất mát, hy sinh không đong đếm được. Một xã nhỏ chỉ toàn cát và cát, dân số những năm chiến tranh chưa đến 5.000 người, nhưng đi qua hết cuộc chiến, Bình Dương có tới 1.367 liệt sĩ và 272 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 80% dân số xã là nạn nhân chiến tranh. “Cuốn sử sống” Phan Thanh Toán vẫn không thôi nghĩ về những trận phục kích ác liệt, khi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết ngắn chưa đầy gang tay, khi Bình Dương - lúc ấy vẫn dấy lên ở lòng người khắp nơi một dấu hỏi lớn về sự tồn tại của vùng đất kỳ lạ. “Giải phóng năm 1964, nhưng sau Tết Mậu Thân, địch điên cuồng phản kích vào nông thôn. Nhất là năm 1971, vùng Đông này là cả vùng trắng, dân bị xúc hết vào các khu dồn, đất đai bị cày ủi… Nhưng người dân Bình Dương có một tinh thần thép. Những năm trước giải phóng, dân ở đây đã cực vô cùng. Vậy nên tinh thần quật khởi đấu tranh, chúng tôi dựng nên từ hoàn cảnh gian khó đó. Lớp nãy ngã xuống, lớp khác lại đứng lên, làm sao để Bình Dương tồn tại…”- cụ Toán nói.

Trong “Cát cháy”, tôi cứ mãi ám ảnh hình ảnh này của nhà văn Nguyên Ngọc, khi miêu tả về một đội du kích mật của Bình Dương: “Tất cả họ, không trừ một ai, đều long đong. Có đến gần một nửa không có chồng. Chiến tranh đi qua, và bỏ lại họ. Cuộc sống mới đi tới, và bỏ quên họ. Họ bị quá lứa. Người nào cũng thương tật, có người đến tàn phế, tuy nhìn bên ngoài hầu như không thể thấy dấu hiệu nào của vết thương cả: toàn nội thương, do bị tra tấn”. Chợ Lạc Câu, những ngày mùa màng, người ta vẫn thấy có một người phụ nữ tóc đã bạc như cước, những bước chân cứ lịu địu vào nhau, hai bàn tay cứ đơ cứng ra, không co giãn được. Người ấy là bà Trịnh Thị Huyền - Bí thư Chi bộ xã cuối cùng của Bình Dương thời chiến tranh, cũng là thời ác liệt nhất. Nhà có 4 người thì đã tới 3 người hy sinh, người mẹ được phong danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng cũng đã mất, vậy là trong căn nhà tình nghĩa nằm cuối nổng cát xóm mới, chỉ có một người phụ nữ lầm lụi vào ra. Ở một mình và hằng ngày lau chùi những tấm huy chương, bằng khen - như để nhớ lại những ngày ác liệt, như để mình - không lãng quên mình. Bà là người phụ nữ đã hơn một lần lập thế trận, làm binh vận, “cắn răng mà đứng lại” trụ bám giữ đất, giữ làng. Câu chuyện lịch sử quá dài để nhắc lại, và chừng như cũng không muốn nhắc đến một đội du kích mật chỉ toàn phụ nữ, bây giờ đã tuổi xế chiều, vẫn gặp nhau, chỉ để giúp nhau có những bữa cơm đông người, có tiếng cười.

Tưởng vùng đất bé nhỏ, nhưng sự tồn tại, khát vọng sống của con người thì mãnh liệt vô cùng. Hòa bình lập lại, Bình Dương - đúng như khởi thủy, phải làm lại từ đầu. Ông Võ Văn Trị, Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Dương, chia sẻ: “ Đất Bình Dương khô cằn nên tính cách con người ở đây cần cù, chịu thương khó. Sau chiến tranh, tiếp nối truyền thống cách mạng, tuổi trẻ quê hương quyết dựng lại màu xanh cho vùng đất ven biển, bằng cách phát động người dân trồng cây gây rừng, tính đến nay đã trồng được 9 triệu cây phi lao. Từ chỗ đổ nát, hoang tàn, tỷ lệ hộ đói từ 40 - 50%, năm 2013, Bình Dương chỉ còn 16% hộ nghèo, đời sống người dân nâng lên đáng kể. Ba vùng kinh tế gồm nông nghiệp trồng lúa nước, trồng cây ngắn ngày xuất khẩu và đánh bắt chế biến hải sản đã trở thành mũi nhọn kinh tế của cả xã”. Mỗi ngôi nhà với những cánh cổng treo biển hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, tưởng chừng những tấm biển kiểu này chỉ là một hình thức trang trí, nhưng nói như người nữ du kích thuở nào Phan Thị Minh, ấy là niềm trân trọng nên nhà nào ở Bình Dương, trước cổng đều có câu khẩu hiệu như vậy, như một cách để tri ân những người con anh dũng của quê hương, trân quý cái giá của hòa bình, độc lập.

Về Bình Dương những ngày này, nếu đến vào buổi trưa, khách lỡ đường sẽ được mời ăn giỗ - những đám giỗ chung của cả làng… Thời gian đã thay nước mắt đau thương bằng những nụ cười, nhưng ký ức - một khi đã in hằn thì sẽ không bao giờ bị lãng quên. Những người còn lại của đội nữ du kích mật ngày ấy hay cụ Hai Toán, ông Bốn… vẫn luôn là những “nhân vật lịch sử” nhắc nhớ người hôm nay về một thế hệ con dân Bình Dương anh dũng, gan lỳ. Những hy vọng về một vùng đất phía đông, vẫn tiếp tục được mở ra và nuôi dưỡng…

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sống trong cát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO