Làng, phố xứ Quảng luôn gắn với sông nước, nhưng không hẳn sông nước nào cũng lưu giữ đầy đủ trong ký ức đô thị. Nên phải đi tìm, phải khơi gợi lại…
Mới lùi, đã xa…
Hồi cuối tháng 2, cuộc triển lãm “Lênh đênh” kéo dài 9 ngày của nhóm trẻ “Đà Nẵng tui” đã khơi gợi ký ức về sông nước ven sông Hàn. Với sự hỗ trợ của Hội đồng Anh (British Council), nhóm bạn trẻ đã có đợt ra mắt thú vị bằng chính thế mạnh về công nghệ với sách pop-up, công nghệ thực tế ảo AR, ảnh toàn ký hologram, nghệ thuật vẽ tranh bằng điểm ảnh pixel art, ảnh xạ chiếu projection mapping…
Tưởng như mạch sống đã bị “ngắt quãng” kể từ ngày đôi bờ sông Hàn chỉnh trang, những dãy nhà chồ xập xệ biến mất, những làng chài cũng trở nên xa lạ trong các điểm đến của giới trẻ…
Nhưng tất cả bỗng dưng sống dậy. Đứng trước mô hình nhà chồ, một thuyết trình viên say sưa giới thiệu đây là kiểu nhà mà nhiều người dân Đà Nẵng từng cư ngụ dọc theo bờ sông Hàn trước năm 2000. “Trước năm 2000”, tức vừa mới lùi xa hơn 2 chục năm thôi, nhưng sao nghe cứ dằng dặc…
“Tính sông nước trong văn hóa truyền thống Đà Nẵng”, công trình của nhà nghiên cứu Phạm Thị Tú Trinh (Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng) được Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng giới thiệu, cũng đã nhắc nhớ về ký ức ấy.
Bắt nguồn từ hệ thống sông mẹ Quảng Nam, khi đi qua địa bàn thành phố hệ thống sông ngòi Đà Nẵng có các con sông tiêu biểu như Cẩm Lệ, Hàn, Cu Đê, Túy Loan, Yên… Trong số đó, theo bà Phạm Thị Tú Trinh, sông Hàn có vai trò quan trọng nhất đối với diện mạo thành phố Đà Nẵng.
“Những làng xã đầu tiên của Đà Nẵng cũng thành lập cạnh con sông này. Văn hóa sông nước Đà Nẵng cũng từ con sông này mà thành tạo” - bà Tú Trinh viết.
Rồi những làng chài xuất hiện ven sông Hàn. Những bãi lau sậy được khai quang. Những gò cát, cồn cát ven biển quy tụ dân lại thành làng (cồn Tràm/Nam Thọ, cồn Nhạn Xứ/Nại Hiên, cồn Bồi/An Hải). Rồi những dãy nhà chồ chen chúc ở bờ đông sông Hàn làm nơi trú ngụ mới, và phố xá mới dần thay thế…
Nhưng trong khi các nhà nghiên cứu vẫn chưa ngã ngũ về chuyện địa danh Mân Quan, Cổ Mân có nguồn gốc Chămpa hay Trung Hoa, gọi Bà Thân hay Hà Thân mới đúng…, thì hình ảnh nhà chồ bỗng dưng biến mất. Để đến một ngày, nhà chồ được “dựng” lại bằng mô hình nhỏ xíu cho các khán giả trẻ xúm xít xung quanh xem.
“Đi tìm thời gian đã mất”
Ngược về hướng bến bãi thượng lưu Quảng Nam, nhiều ký ức về tàu thuyền cũng đang khuất lấp theo thời gian. PGS-TS Nguyễn Văn Đăng (Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế) kể rằng, trong một đợt khảo sát điền dã vùng Gò Nổi, ông nhận thấy dấu tích của làng Hà Mật xưa, thuộc xã Điện Phong. Trước đền thờ Hà Mật là dòng sông Thu Bồn xưa, người dân địa phương quen gọi là sông Hà Mật, nay đã bồi lấp.
Làng Hà Mật gợi nhắc về một vùng đất sôi động, nơi từng có xưởng đóng tàu thời chúa Nguyễn. Trong công trình nghiên cứu về truyền thống đóng tàu thuyền của cư dân Quảng Nam, PGS-TS Nguyễn Văn Đăng liệt kê chi tiết những xưởng đóng tàu thuyền lớn ở Đàng Trong.
Ông dẫn tư liệu từ Thomas Bowyear, một nhân chứng người Anh đến Đàng Trong năm 1695, để ghi nhận xưởng đóng tàu Hà Mật từng có tới 4.000 thợ và đóng được những chiến thuyền trọng tải đến 400 tấn.
Mà không chỉ những xưởng đóng tàu thuyền lớn của nhà nước, như Hà Mật, mất dấu. Ngay đến các làng nghề ghe bầu xứ Quảng cũng mai một. Tư liệu hồi cố đầu thế kỷ 20 ghi nhận hàng trăm chiếc ghe ở các vạn ghe bầu Thanh Châu, Cẩm Phô (Hội An), Bàn Thạch, Duy Vinh, An Hòa (Duy Xuyên)… chở hàng đi khắp các cảng trong nước, theo gió mùa.
Các nhà nghiên cứu cho hay nhờ vào phương tiện này, sản phẩm làng gốm Thanh Hà được mang bán tận Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Ngãi; thậm chí gốm Nam Diêu, Thanh Hà còn theo các đoàn ghe bầu xuất sang nước ngoài. Những chiếc chiếu Bàn Thạch cũng thấy chở ra tận Quảng Trị…
Tại hệ thống Bảo tàng Hội An bây giờ, hình ảnh ghe bầu vẫn thoáng hiện. Ngoài hiện vật và mô tả về cấu tạo hệ thống lô lái (bộ phận chứa trục bánh lái) phát hiện ở xã Cẩm Thanh năm 1990, còn có mô hình thu nhỏ chiếc ghe bầu hoàn chỉnh do nghệ nhân Huỳnh Ri và nhóm thợ mộc Kim Bồng thực hiện với dòng chú thích: “Phương tiện vận tải và mậu dịch trên biển của người Việt ở Đàng Trong vào các thế kỷ trước”.
Vì là chuyện “của các thế kỷ trước”, nên dấu vết người và sông giờ chỉ còn đọng lại nơi các làng nghề truyền thống đang đỏ lửa, hoặc ở các sinh hoạt tâm linh ở miếu thờ vạn ghe bầu tại Cẩm Nam.
Chỉ chừng đó thôi, xem ra cũng làm ấm lòng những người quan tâm, nếu so sánh với một vệt di chỉ ở phía nam Tam Kỳ. Nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ, nhà ở đường Duy Tân (TP.Tam Kỳ) bây giờ, từng đưa tôi đi dọc các con đường chật hẹp, ẩm thấp ở khu vực mà ông cho là “di chỉ quan trọng” trong hành trình Nam tiến. Ở một không gian không quá rộng lớn của các phường Hòa Hương, Phước Hòa, lại thấy hiện diện cả miếu Thất phái tiền hiền, dinh Bà dinh Ông, khu phố người Hoa, bến chợ Vạn…
“Trong quá khứ, bến chợ Vạn này khá sôi động, ghe bầu từ Kỳ Hòa lên, từ Cù Lao Chàm vào. Trước năm 1960, tôi vẫn còn thấy những khu nhà phố sầm uất. Ở khu phố người Hoa, có 2 thương gia giàu nhất là chủ buôn cau, quế. Nhưng từ sau năm 1975, phố dần thưa thớt, kiến trúc cũ cũng không còn” - nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ nói.
Cụm di chỉ sông - phố ấy trước đây từng được đưa vào tour du lịch Tam Kỳ. May là còn những đường sưa vàng cách đó không xa về phía bờ sông Tam Kỳ giúp “níu” lại một hình bóng xưa. Để phố không mất hẳn dấu làng cũ. Để không có quá nhiều người phải “đi tìm thời gian đã mất” ngay khi chúng vẫn đang thấp thoáng đâu đó. Để đô thị không quá nghèo nàn một khi lỡ đánh mất ký ức…