Với tinh thần người lính, dù là thế hệ nào và đang ở giai đoạn nào, họ đều chung ý chí, quyết tâm xây dựng quê hương, cống hiến sức mình cho cộng đồng.
Dân quân A Nông tham gia giúp nhân dân thôn Arui (xã Dang) di dời nhà cửa về nơi ở mới trước mùa mưa bão. Ảnh: ĐÌNH HIỆP |
XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Ông Arất Bhúi - Trưởng ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) xã A Nông, huyện Tây Giang chia sẻ, nhận thức rõ tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, những năm qua Ban CHQS xã đã xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch để chung tay cùng chính quyền, nhân dân địa phương tạo dựng diện mạo nông thôn vùng biên nhiều khởi sắc. Xác định việc lực lượng vũ trang tham gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ vẻ vang nhưng cũng hết sức nặng nề, Ban CHQS xã luôn suy nghĩ, trăn trở tìm cách làm hay, cách làm mới để phát huy sức mạnh tập thể, ý thức tổ chức kỷ luật của lực lượng vũ trang địa phương.
Từ năm 2013 đến nay, lực lượng vũ trang xã A Nông đã huy động hàng nghìn ngày công của cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia xây dựng, củng cố đường giao thông nông thôn, khai hoang ruộng lúa, san lấp mặt bằng các thôn, bản tái định cư mới theo quy hoạch. Bằng các nguồn tiết kiệm được, lực lượng vũ trang xã cũng đã đóng góp hơn 40 triệu đồng xây dựng công trình dân sinh trên địa bàn. Mới đây, gia đình chị Alăng Thị Avăng, ở thôn Arớt, được lực lượng dân quân xã giúp be lại bờ ruộng bị sạt lở do mưa lớn. “Có bộ đội về giúp sửa lại cái bờ ruộng, mình vui lắm. Mấy hôm trước các anh cũng về thôn giúp dân mình gặt lúa. Bộ đội mình nhiệt tình lắm. Nhiều năm nay các anh đã giúp bà con khai hoang lúa nước, trồng cao su, trồng cây keo, dân làng mình mang ơn các anh rất nhiều!” - chị Avăng chia sẻ.
Nói về việc giúp dân khai hoang làm kinh tế, như chia sẻ của chị Avăng, ông Arất Bhúi cho biết, để góp phần thực hiện chương trình nông thôn mới, bên cạnh việc tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, lực lượng vũ trang xã còn tích cực vận động, hướng dẫn người dân địa phương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần tăng thu nhập. Nổi bật như mô hình trồng cây cao su, keo lai; trồng lúa nước, trồng cây dược liệu. Mỗi năm, lực lượng dân quân xã giúp người dân hơn 1.000 ngày công chăm sóc cây cao su, keo lai; tham gia dọn dẹp môi trường, thu gom rác thải các loại; bám sát vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa mới, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, không di cư tự do, phá rừng làm rẫy… Thực hiện chủ trương sắp xếp dân cư của tỉnh, dân quân xã còn tham gia giúp nhân dân địa phương và các xã lân cận di dời nhà cửa về nơi ở mới trước mùa mưa bão.
Ông Edêl Bốn - Chủ tịch UBND xã A Nông nhìn nhận, phong trào “Lực lượng vũ trang chung sức xây dựng nông thôn mới” của xã những năm qua đạt nhiều kết quả tích cực, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Lực lượng vũ trang xã nhiều năm liền được Đảng ủy, chính quyền xã, Ban CHQS huyện tặng giấy khen; đặc biệt, năm 2018 được Bộ CHQS tỉnh tặng bằng khen về phong trào Thi đua Quyết thắng giai đoạn 2013 - 2018. “Những việc làm của lực lượng vũ trang xã A Nông đã góp phần củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, nêu cao tinh thần đoàn kết quân - dân, qua đó góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận lòng dân ngày càng vững chắc trên địa bàn miền núi Tây Giang” - ông Edêl Bốn nói.
ĐÌNH HIỆP
GIÚP NHAU THOÁT NGHÈO
Phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo là nét nổi bật trong các hoạt động của Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Quế Sơn. Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Quế Sơn cho hay, trong năm 2018, Hội CCB huyện đã vận động hội viên tự nguyện đóng góp kinh phí mua 5 con bò giống, 500 con gà thả vườn, 4 con heo giống để tặng gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Hội còn tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế từ kênh Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ đến nay hơn 50 tỷ đồng, đồng thời xây dựng được 214 tổ “Góp vốn quay vòng” với tổng số tiền hơn 7,6 tỷ đồng cho hội viên vay không lãi suất.
Hội Cựu chiến binh Quế Sơn hỗ trợ bò giống mở thêm sinh kế giúp gia đình hội viên có điều kiện thoát nghèo. Ảnh: T.L |
“Từ phong trào giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, hội viên CCB huyện đã xây dựng được hơn 300 mô hình chăn nuôi, kinh tế vườn, dịch vụ vận chuyển hàng hóa… đạt hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn ngày càng xuất hiện nhiều hội viên đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp; đặc biệt là sự hỗ trợ của đồng đội đã tạo động lực cho nhiều hội viên quyết tâm vươn lên thoát nghèo” - ông Dũng chia sẻ. Như trường hợp CCB Lê Ngọc Lẫm ở thôn Phước Phú Đông (xã Phú Thọ; trở về từ chiến trường K) lâu nay gặp không ít khó khăn khi vợ chồng phải chăm lo cho 2 đứa con bị bệnh tật. Sau khi tìm hiểu hoàn cảnh, đầu năm 2018, từ nguồn kinh phí vận động hội viên đóng góp, Hội CCB xã Phú Thọ hỗ trợ ông Lẫm con bò giống với trị giá 12 triệu đồng. Có thêm sinh kế mới, vợ chồng ông Lẫm đầu tư xây dựng chuồng trại và cải tạo đất trồng cỏ, dây khoai lang để cung cấp nguồn thức ăn cho bò. Đến nay, bò nhà ông Lẫm đã đẻ được bê con. “Trong lúc quá khó khăn, được hội viên CCB xã hỗ trợ con bò giống, gia đình tôi rất mừng. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc, nhân đàn bò lên để vươn lên thoát nghèo” - ông Lẫm bộc bạch.
Ông Lưu Văn Hạ - Chủ tịch Hội CCB huyện Quế Sơn còn cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, Hội CCB các cấp trên địa bàn đã vận động cán bộ, hội viên và các nhà hảo tâm trao 266 suất quà, 14 xe đạp, 4 sổ tiết kiệm (tổng số tiền gần 120 triệu đồng) hỗ trợ hội viên và con em CCB, cựu quân nhân có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời hỗ trợ một hội viên ở xã Quế Phú số tiền 45 triệu đồng để cải thiện nhà ở; nhận đỡ đầu 19 học sinh là con CCB, cựu quân nhân vượt khó học giỏi với mức mỗi quý 300 nghìn đồng/trường hợp. “Hội CCB huyện Quế Sơn hiện có 2.827 hội viên, trong đó chỉ còn 6 hộ hội viên nghèo; tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm đến 82,7%. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ từ phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” - ông Hạ nói.
MAI LINH - DUY THÁI
GIỮ BÌNH YÊN QUÊ HƯƠNG
Tại TP.Hội An, ngoài giúp nhau làm kinh tế, một trong những hoạt động nổi bật của cựu chiến binh (CCB), cựu quân nhân địa phương là tham gia giữ vững an ninh trật tự địa bàn. Ông Lê Tây - Chủ tịch Hội CCB xã Cẩm Thanh cho biết, cán bộ, hội viên CCB xã thường xuyên phối hợp cùng các lực lượng tổ chức tuần tra, canh gác; duy trì 8 tổ nhắn tin về an ninh trật tự trong CCB, cựu quân nhân. “Từ năm 2012 Hội CCB xã đã đăng ký đảm nhận tiêu chí nông thôn mới về an ninh trật tự và môi trường. Trong năm 2018, chúng tôi tiếp tục phối hợp để nâng chất lượng các tiêu chí này đồng thời tham gia vận động nhân dân thôn Thanh Nhì tích cực xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu” - ông Lê Tây nói.
Cựu chiến binh phường Cẩm An (TP. HộiAn) tham gia tuần tra giữ gìn an ninh trật tự. Ảnh: MINH VŨ |
Tương tự, tại phường Cẩm An, nét nổi bật năm 2018 trong hoạt động của hội CCB là tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo vệ môi trường. Cùng với việc vận động nhân dân tham gia thực hiện phong trào, CCB phường đã phối hợp với công an, phường đội, bộ đội biên phòng làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Ông Lê Chớ - Chủ tịch Hội CCB phường Cẩm An cho hay, địa phương ra mắt đội xung kích CCB - cựu quân nhân với 12 thành viên tham gia phối hợp tuần tra, canh gác, nắm chắc tình hình trong các ngày lễ, tết và khu vực bãi tắm An Bàng. Trong quá trình tuần tra, các lực lượng đã phát hiện 1 trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy, 1 trường hợp đổ rác thải công nghiệp không đúng nơi quy định. Hội viên CCB phường còn tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường, xây dựng và tự quản các tuyến đường văn minh; vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa…, từ đó không ngừng nâng cao vai trò, uy tín của lực lượng CCB, cựu quân nhân trong cộng đồng dân cư.
Ông Trương Thanh Xuân - Chủ tịch Hội CCB TP.Hội An chia sẻ, năm 2018 các cấp hội CCB trên địa bàn gặt hái được nhiều kết quả trong phong trào công tác hội, nổi bật là mô hình bảo vệ an ninh trật tự, tham gia phối hợp tuần tra tại địa bàn dân cư; duy trì 77 tổ nhắn tin của CCB, cựu quân nhân, kịp thời cung cấp cho ngành chức năng nhiều nguồn tin có giá trị phòng chống, ngăn ngừa tội phạm.
PHAN SƠN
TẤM LÒNG CHIẾN SĨ
Bằng các hoạt động thiện nguyện hướng về cộng đồng, các chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng mỗi người dân xứ Quảng. Hơi ấm tấm lòng chiến sĩ được nhóm lên, tạo động lực giúp bà con vươn lên trong cuộc sống.
Vì trẻ vùng cao
Từ số tiền tích góp qua các lần thu gom ve chai, sách báo cũ và rửa xe trong đơn vị, đều đặn hàng tháng, các chiến sĩ Chi đoàn Cơ quan Quân sự huyện Nam Giang tổ chức thăm và trao quà động viên hai em Nguyễn Thị Thanh và Bh’nướch Thị Hiền, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS liên xã Cà Dy - Ta Bhing. Đây là những học sinh được đơn vị nhận đỡ đầu, giúp các em có thêm điều kiện tiếp tục nỗ lực trong học tập. Bí thư Chi đoàn Cơ quan Quân sự huyện Nam Giang - Đại úy Hiền Văn Thìn cho biết, từ thực tế khó khăn của học sinh địa phương, nhất là những hoàn cảnh mồ côi, chi đoàn đã trực tiếp tham mưu xây dựng mô hình “cặp lá yêu thương”, vận động chiến sĩ đơn vị gây quỹ hỗ trợ giúp các em có điều kiện đến trường học tập. Sau nhiều năm triển khai, mô hình luôn nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía cán bộ, chiến sĩ đơn vị. “Do nguồn quỹ hạn hẹp, trước mắt chi đoàn chỉ nhận đỡ đầu 2 em với mức hỗ trợ mỗi tháng 200 nghìn đồng/trường hợp” - Đại úy Hiền Văn Thìn chia sẻ.
Mô hình “cặp lá yêu thương” của Chi đoàn Cơ quan Quân sự huyện Nam Giang là một trong rất nhiều chương trình thiện nguyện hướng về trẻ em vùng cao được thực hiện bởi các chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh trong những năm qua. Tại Tây Giang, thông qua kết nối với các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh, hàng năm Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện phối hợp mang đến đồng bào và học sinh các xã biên giới hàng trăm suất quà ý nghĩa. Từ quần áo, chăn màn, dụng cụ học tập, cho đến nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống,… được các chiến sĩ trao tận tay đồng bào khiến nhiều người cảm động. Đại úy Briu Na - Trợ lý Chính trị Ban CHQS huyện Tây Giang chia sẻ, bên cạnh vận động nguồn hỗ trợ từ mạnh thường quân, các cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn trích ngày lương để xây dựng khu vui chơi cho trẻ mẫu giáo tại Trường Mầm non A Tiêng; phối hợp thực hiện nhiều đợt tuyên truyền pháp luật, vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường; cũng như khám và phổ biến Luật Nghĩa vụ quân sự cho học sinh THPT đang theo học tại địa phương.
Chia sẻ với cộng đồng
Đóng chân tại xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ), nhiều năm qua Trường Quân sự địa phương tỉnh luôn được đánh giá là một trong những đơn vị tích cực với các chương trình thiện nguyện hướng về cộng đồng. Thông qua công tác dân vận và phong trào xung kích vì người nghèo, cán bộ, chiến sĩ, học viên nhà trường đã thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho các hộ khó khăn trên địa bàn. Đại tá Nguyễn Nho Cương - Chính ủy Trường Quân sự địa phương tỉnh cho biết, năm 2017 từ nguồn kinh phí đóng góp hơn 90 triệu đồng của cán bộ, chiến sĩ, học viên nhà trường, đơn vị đã hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình ông Nguyễn Nguyên Sa (trú tại thôn Phú Đông, xã Tam Phú). Ông Sa là con trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Phiến, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Trước đó, đơn vị cũng đã phối hợp với Trung đoàn 885 và Tiểu đoàn 70 hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho một gia đình chính sách tại xã Tiên Phong (huyện Tiên Phước). “Song song với công tác đền ơn đáp nghĩa, chúng tôi thường xuyên bám sát địa bàn, kịp thời hỗ trợ nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã Tam Phú có điều kiện phát triển kinh tế, thông qua các mô hình chăn nuôi. Từ mô hình này, bước đầu đã có một số hộ thoát nghèo, như hộ chị Trương Thị Quý ở thôn Phú Thạnh, Hồ Thị Minh và Trương Công Vĩnh ở thôn Phú Bình…” - Đại tá Nguyễn Nho Cương cho biết thêm.
Đại tá Nguyễn Hữu Thức - Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho hay, nhằm chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào biên giới, những năm qua, bên cạnh kịp thời ứng cứu người gặp nạn trong thiên tai bão lũ, cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh còn tích cực trong các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng và các chương trình an sinh xã hội ý nghĩa khác. Mới đây nhất, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ Quốc phòng, Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức khánh thành, bàn giao và đưa vào sử dụng điểm trường tiểu học làng Khe Chữ (thuộc Trường Tiểu học xã Trà Vân, huyện Nam Trà My). Ngôi trường có tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng, được thiết kế đảm bảo kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu học tập của hơn 50 học sinh đồng bào Ca Dong.
ĐĂNG NGUYÊN
Đại úy Mạc Văn Xuân (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội tham gia công tác rà phá bom mìn. Ảnh: Đ.N |
NGƯỜI CON CỦA BẢN LÀNG
Ở Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Tây Giang, nhiều người nhắc đến Trợ lý tác chiến của đơn vị - Đại úy Mạc Văn Xuân như một “thần tượng” trong công việc lẫn cuộc sống quân ngũ. Bởi trải qua nhiều cương vị công tác, Đại úy Mạc Văn Xuân luôn cho thấy khả năng chịu khó của bản thân, tích cực tìm tòi nghiên cứu các tài liệu và tham gia năng nổ trong các hoạt động phong trào của đơn vị. Đại úy Mạc Văn Xuân chia sẻ, năm 2014 anh được cấp trên điều động nhận công tác ở Ban CHQS huyện Tây Giang sau một thời gian công tác ở Bộ CHQS tỉnh. Lần đầu tiên tiếp cận công việc với cán bộ và đồng bào Cơ Tu, lúc đầu anh khá bỡ ngỡ khi bất đồng ngôn ngữ và chưa quen với nếp sống, phong tục tập quán của đồng bào. Nhưng với tinh thần chịu khó, ham học hỏi, dần dà anh cũng tự khắc phục được khó khăn, thông qua việc tự học tiếng Cơ Tu và bỏ thời gian tìm hiểu phong tục tập quán đồng bào. Kiên trì bám sát địa bàn và tạo mối quan hệ gần gũi với quần chúng nhân dân địa phương, chỉ trong thời gian ngắn, Đại úy Mạc Văn Xuân đã trở thành “người con của bản”, được bà con tin yêu, mến trọng.
Với những nỗ lực của bản thân, liên tục từ năm 2011 đến nay, Đại úy Mạc Văn Xuân luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được các cấp biểu dương, khen thưởng và duy trì danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”. Năm 2016, Đại úy Mạc Văn Xuân vinh dự được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn.
ĐĂNG NGUYÊN