Những dòng sông khô cạn lại bị nạn đào đãi vàng gây ô nhiễm... Những nguồn nước bẩn đục bởi rác thải, chất thải độc... Trong khi đó, những lỗ hổng trong quản lý nhà nước đã bộc lộ, lực lượng chức năng chậm vào cuộc, khiến cho công tác bảo vệ môi trường thêm khó khăn.
Khai thác vàng trái phép khu vực thượng nguồn gây ô nhiễm nặng nguồn nước. Ảnh: H.PHÚC |
BÀI 1: HỦY DIỆT NGUỒN NƯỚC
Tình trạng phá rừng, tận thu vàng trái phép xả thải trực tiếp ra sông phía thượng nguồn làm nguồn nước nhiễm chất độc hại; ở hạ du người dân phải sống chung với nguồn nước “bẩn”.
Thượng nguồn: Sông “chết”
Vào đầu tháng 7, nhưng nhiều khúc sông Đắc Mi, sông Bung, Nước Mỹ (những nhánh nằm trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn) khô khốc, lởm chởm đá. Từ Bến Giằng (Nam Giang) ngược lên sông Bung - nơi đang triển khai nhà máy thủy điện Sông Bung 4 dễ dàng nhìn thấy nhiều con sông bị biến dạng. Lòng sông Bung, đoạn dưới đập dâng nhà máy thủy điện thuộc địa phận thôn Vinh (xã Tà Pơơ, Nam Giang) nham nhở bởi tình trạng đào đãi vàng sa khoáng. Lợi dụng mùa khô, nước rút, dòng người khắp nơi lũ lượt kéo về làm thuê cho các chủ bãi tận thu vàng dưới lòng sông. Một dãy núi sừng sững che chắn cho sông cũng bị xe cơ giới lén lút ngoạm sâu để lấy quặng vàng. Đất, đá, cả cây rừng trên cao đổ xuống khiến dòng sông cuồn cuộn đỏ, ngổn ngang như vào mùa nước lũ. Từ thân đập nhà máy thủy điện Sông Bung 4, nhìn qua bờ kia sông thấy rõ mồn một con đường mở trái phép chạy dọc theo sông kéo dài hàng cây số.
Nếu nguồn nước sông Bung đổi màu do hứng đất, đá, hóa chất độc hại thì con sông Nước Mỹ (đoạn xã Cà Dy, Nam Giang) và thôn Lao Đu (xã Phước Xuân, Phước Sơn) gần như đã “chết” hoàn toàn. Từ ngày thủy điện Đắc Mi 4 ngăn dòng, một số khúc sông trơ đáy vô tình thành mỏ vàng cho các “trùm thổ phỉ” tổ chức thuê người khai thác. Trước đây, khi các dự án thủy điện chưa vào. Núi rừng xứ Quảng đã có bước chân rầm rập của giới “tăm” vàng. Vì lòng sông sâu, núi non hiểm trở, các phương tiện, máy móc khó di chuyển vào được nên mức độ tàn phá chưa nghiêm trọng. Thế nhưng từ ngày thủy điện xuất hiện, hình thái dòng chảy của các con sông thay đổi bất thường. Rừng bị biến mất kéo theo sự ra đi của nhiều loài động, thực vật quý hiếm vốn làm nên quần thể đa dạng sinh học ở dãy Trường Sơn. Chủ tịch UBND xã Phước Xuân - ông Nguyễn Chí Sâm ngậm ngùi: “Lúc trước, nước sông dồi dào là nguồn sống cho đồng bào đánh bắt thủy sản, nay nó tăm hơi hết rồi. Sông cạn còn mở đường giúp lâm tặc vào triệt hạ rừng và phu vàng đổ về không thể kiểm soát được”.
Một chuyên gia trong mạng lưới sông ngòi Việt Nam khẳng định, do các nhà làm thủy điện tính toán đem cái lợi về cho mình mà hậu họa về môi trường rất khó lường trước. Trong thủy điện, nước của dòng chính bị chuyển qua nơi khác do nhà máy thiết kế những hầm ống xuyên qua núi dẫn nước với cường độ mạnh để tạo ra nguồn điện năng nên sẽ tạo ra một số dòng sông chết. Mặt khác, Sở Tài nguyên - môi trường cảnh báo, nước thải, chất thải (có sử dụng chất độc cyanua, thủy ngân) từ các điểm khai thác vàng ở thượng nguồn sông chính là thủ phạm biến nguồn nước ngọt một số nơi thành nước độc, giết chết sông ngòi cũng như sự tồn tại của các loài thủy sinh. Chưa có thống kê đầy đủ nào về mức độ tàn phá môi trường ở khu vực đầu nguồn sông nhưng sự thật là đang có nhiều dòng sông chết mòn, biến dạng.
Hạ lưu: gánh hậu quả
Kết quả phân tích nguồn nước tại điểm Giao Thủy thuộc sông Thu Bồn, sông Bến Giằng (đoạn cầu Bến Giằng) của cơ quan chức năng cho thấy, hàm lượng chất rắn lơ lửng trong nước (SS) luôn ở mức cao. Đây là hậu quả của nạn khai thác khoáng sản khu vực đầu nguồn, thi công xây dựng thủy điện, đường giao thông... Điều này gây khó khăn cho các công trình xử lý nước sinh hoạt ở vùng hạ lưu. Ngoài ra, hiện toàn tỉnh có 7 KCN, 26 CCN và hàng trăm cơ sở sản xuất. Lượng nước thải của các KCN khoảng 10.000m3/ngày. KCN Điện Nam - Điện Ngọc có nhà máy xử lý nước thải tập trung đã đưa vào hoạt động, giảm áp lực xả ra môi trường chưa qua xử lý, nhưng nhiều chỉ số quan trắc vẫn vượt gấp nhiều lần cho phép so với tiêu chuẩn đảm bảo môi trường quốc gia.
Một số dòng sông ở miền núi khô khốc, tạo điều kiện cho đối tượng khai thác vàng cày nát. Trong ảnh: Lòng sông Bung, đoạn qua xã Tà Pơơ, huyện Nam Giang. |
Nhánh sông Hoài chảy qua trung tâm đô thị cổ Hội An là nơi tiếp nhận nguồn nước thải của chợ Hội An, nước thải sinh hoạt, nước thải bệnh viện, nhà hàng, khách sạn... nên ô nhiễm nặng. Kết quả quan trắc gần đây cho thấy nồng độ SS, NH4-N, Coliform tại sông này đã vượt quá giới hạn cho phép. Nghịch lý ở chỗ, phần lớn các con sông lớn đều trở thành “túi” chứa chất thải, nước thải khổng lồ nhưng các nhà máy xử lý nước sinh hoạt cho người dân đều lấy nguồn nước từ các con sông. Hậu quả nhãn tiền là chất lượng nguồn nước càng tồi tệ. Trong khi đó, nguồn nước sông Trường Giang bị ô nhiễm nghiêm trọng ngoài sự xâm nhập mặn của nước biển còn do phong trào nuôi tôm nước lợ không tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường nghiêm ngặt. Liên tiếp những vụ mùa vừa qua, tại các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành… nghề nuôi tôm đều thất bát vì dịch bệnh, mà thủ phạm chính được xác định là chất lượng nguồn nước suy giảm. Chất thải nuôi thủy sản có chứa hàm lượng các chất ô nhiễm hữu cơ cao, gây ô nhiêm nguồn nước, tiềm ẩn nguy cơ gây dịch bệnh, làm giảm năng suất các vụ nuôi tôm. Nguồn nước sông Trường Giang, đoạn qua các xã Bình Nam, Bình Sa (Thăng Bình) hai năm trở lại đây được xem là “đáy” ô nhiễm, ngành chức năng cảnh báo nông dân không được tiếp tục “đánh bạc” với con tôm nếu không kiểm soát tốt nguồn nước...
HỮU PHÚC