Nhận diện đúng thực trạng, quyết liệt loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, từng bước đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải, xem lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững… là những biện pháp hữu hiệu để “cứu” môi trường hiện nay.
|
Diễu hành tuyên truyền bảo vệ môi trường tại TP.Tam Kỳ.Ảnh: H.PHÚC |
Đầu tư đồng bộ
Từ nền kinh tế với xuất phát điểm thấp, trước đây vì muốn kêu gọi đầu tư, Quảng Nam đưa ra nhiều chính sách thu hút thông thoáng, thậm chí dễ dãi “bỏ qua” các quy định nghiêm ngặt của pháp luật về BVMT. Theo quy định, lẽ ra phải tiến hành đầu tư cùng một lúc, thì việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải thường được đầu tư sau khi các dự án, nhà máy đi vào sản xuất. Trong số 7 khu công nghiệp (KCN) hoạt động trên địa bàn tỉnh, chỉ có KCN Điện Nam – Điện Ngọc và KCN Bắc Chu Lai đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Nhiều cơ sở sản xuất, y tế dù trang bị hệ thống xử lý nước thải, chất thải nhưng do vận hành khá tốn kém nên không ít nơi “ngại” hoạt động, lợi dụng cơ quan chức năng quản lý lỏng lẻo, lén lút xả thải trực tiếp ra môi trường. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu, cụm công nghiệp bây giờ là hệ lụy của thời kỳ phát triển quá “nóng” các dự án…
Theo Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam cần 1.107.657 tỷ đồng để BVMT. Trong đó, việc xử lý nước thải công nghiệp cần tới 276.814 tỷ đồng. Mục tiêu là đến năm 2020, đất nước sẽ cơ bản kiểm soát được hơn 90% nguồn thải ô nhiễm phát sinh từ các KCN và trên 30% nguồn thải ô nhiễm phát sinh từ các cụm công nghiệp. |
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường Dương Chí Công, chúng ta đã sai lầm khi chưa nhận thức đầy đủ sự sống còn của môi trường. Vì vậy, trước mắt là không phát triển các cụm công nghiệp tràn lan, dự án sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, chỉ ưu tiên đầu tư KCN, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đồng thời, xử lý dứt điểm những cơ sở không tuân thủ quy định về môi trường. “Có tình trạng nhiều doanh nghiệp trốn tránh trách nhiệm BVMT, các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ thì “lách luật” không cam kết BVMT. Các văn bản pháp luật, quy chuẩn về đảm bảo môi trường thay đổi liên tục, gây khó khăn cho ngành chức năng” - ông Công nhìn nhận. Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên – môi trường) cho biết, để giảm chi phí cho sản xuất, không ít doanh nghiệp không đầu tư hoặc đầu tư hệ thống xử lý chất thải theo kiểu đối phó. Tại nhiều KCN, dù có hệ thống xử lý nước thải thông thường, song một số cơ sở không tiến hành đấu nối vào hệ thống mà vận hành hệ thống xử lý nước thải riêng dẫn đến khó kiểm soát. “Theo tôi, cần phải lắp đặt các trạm quan trắc tự động tại các KCN để kịp thời phát hiện sai phạm. Hệ thống quan trắc sẽ giúp ban quản lý KCN nắm được thông số về mức độ ô nhiễm từ nước thải, chất lượng nước, tình hình thu gom, xử lý chất thải rắn…” - TS. Tùng đề nghị.
Khắc phục lỗ hổng
Ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho người dân thời gian qua là ở các cơ sở y tế. Thực tế, các bệnh viện đang chịu tải một khối lượng lớn chất thải rắn sinh hoạt, nguy hại, nước thải sinh hoạt, nước thải y tế và các thành phần khí thải, chất phóng xạ khác... có tính độc hại cao với môi trường. Ngành y tế xác định lộ trình năm 2012 - 2015, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền, Trung tâm Da liễu, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện Phú Ninh, Thăng Bình, Duy Xuyên… sẽ được đầu tư 100% hệ thống xử lý nước thải theo quy chuẩn kỹ thuật nước thải y tế (QCVN 28: 2010/BTNMT); hoàn thiện quy trình thu gom, phân loại rác thải nguồn để chuyển đến các lò đốt rác tại chỗ theo khu vực đồng bằng và miền núi. Giai đoạn này, tiếp tục hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải các KCN Điện Nam - Điện Ngọc, Tam Hiệp, Bắc Chu Lai, Đông Quế Sơn. Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh bãi chôn lấp Tam Xuân, Đại Hiệp, Tam Nghĩa; xử lý bãi chôn lấp chất thải rắn Hội An. Ngoài ra, cải tạo môi trường ở một số đoạn sông, ao hồ bị ô nhiễm như sông Bàn Thạch, Trường Giang... Đến năm 2020, sẽ chấm dứt tình trạng các bệnh viện “trắng” về hệ thống xử lý chất thải.
Song hành với kế hoạch hoàn thiện hệ thống xử lý môi trường theo lộ trình, các cơ quan chức năng cũng cần có chế tài xử lý mạnh với các cơ sở bất chấp quy định về BVMT. Năm 2013, lực lượng cảnh sát môi trường đã chủ động lên kế hoạch, mở nhiều đợt kiểm tra, đấu tranh phòng chống tội phạm trên lĩnh vực môi trường. Theo Thượng tá Nguyễn Đình Hùng – Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh), những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường đã đưa vào “tầm ngắm” của các trinh sát. Doanh nghiệp nào bị phát hiện có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng sẽ cương quyết đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ không đơn thuần chỉ phạt hành chính.
Về những giải pháp khắc phục, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh, quan điểm nhất quán của tỉnh là từ chối dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm cao. Trước mắt, triển khai thực hiện đề án Giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện cảnh quan môi trường đô thị Tam Kỳ, Hội An và các khu vực trọng điểm khác; xây dựng và đẩy mạnh hoạt động Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, khu vực mũi An Hòa, Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Tập trung kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng xử lý môi trường tại các KCN, đặc biệt ưu tiên cho KCN Tam Hiệp và Bắc Chu Lai. Với các cụm công nghiệp hiện hữu sẽ đưa các cơ sở sản xuất nhỏ vào để tiết kiệm chi phí trong xây dựng cơ sở hạ tầng và dễ quản lý công tác BVMT. Cạnh đó, chọn lựa các ngành nghề ít có chất thải vào đầu tư. “Điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 sẽ xem trọng lĩnh vực BVMT, tính toán kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Muốn vậy, các địa phương phải xã hội hóa việc thu gom và xử lý chất thải rắn tại các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư và các làng nghề. Ngoài ra, các huyện ven biển cần tăng cường nhân lực quản lý môi trường hiệu quả nhất” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nói.
HỮU PHÚC