Tập tản văn “Những hạt bùn vạn dặm” của tác giả Lê Quang Trạng viết về miền Tây Nam Bộ mở ra trước mắt người đọc tứ bề sông nước mênh mông.
Sông và cảm thức đồng bằng xuyên suốt trong tập sách không chỉ là sợi dây ký ức “như máu thịt” của người con quê xứ, mà còn là dòng sữa mát lành nuôi dưỡng cả một đời hào sảng, ung dung.
Sinh ra và lớn lên cùng sông nước, ruộng đồng, chân bám đất đồng bằng mà vững chãi, tâm hồn dựa vào cây lúa cọng rơm mà trưởng thành, ký ức được sông bồi tụ thành một dòng nhớ dạt dào để sau này có đi tứ xứ thì cái gốc gác chân quê vẫn hiển hiện trong người.
Lê Quang Trạng sinh năm 1996 ở huyện cù lao Chợ Mới – An Giang. Những bước chân của anh đã vượt ra khỏi con kinh Đòn Dông thân thuộc trước nhà. Anh đi khắp miền Tây Nam Bộ, xuôi cùng những con sông với phù sa muôn ngả để khám phá mọi ngóc ngách của xứ “trên cơm dưới cá”.
Lê Quang Trạng đi để được thả mình vào đời sống vừa đạm bạc nhọc nhằn vừa hào sảng nghĩa tình của bao lớp con cháu ngàn đời của lưu dân chọn miền sông nước ruộng đồng mênh mông làm chỗ dừng chân. Những con sông lớn nhỏ tự nhiên chảy vào trang viết đầy ắp, từ con kinh nhỏ, đến những con sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, sông dữ Vàm Nao…
Anh “đi dọc triền sông, từ thượng nguồn về hạ lưu, nhận ra lòng mình bỗng bồi tụ lại”. “Như mạch nguồn sữa ngọt cho con, dòng sông hiện thân một bà mẹ miền quê lúc nào cũng âm thầm, ân cần và giàu lòng bao dung rộng mở”. Sông cũng mang bao nhiêu bí ẩn trong lòng mà chưa ai giải mã nổi.
“Khi chưa thể giải mã một cách thấu đáo về sông, người ta thường nhuộm những lý lẽ ấy vào câu chuyện mang màu huyền thoại”. Huyền thoại của sông, có khi gắn liền với những phong tục thờ cúng của những người hành nghề “Bà Cậu”. Những nhánh sông chảy từ Mê Kông rộng lớn, đổ về Cửu Long lại thêm huyền bí.
Đời sống của người gắn liền với sông cũng là gắn liền với những niềm tin tâm linh, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, lấy nhân nghĩa ra mà đối đãi với người, với thiên nhiên. Sông đã ở trong mỗi người miền Tây, gần như không thể tách rời. “Nói về sông là một hành trình dài, mà ký ức mỗi người đều gắn liền với một đoạn của dòng sông” (Sữa sông).
“Với những người con vùng sông nước đi xa, nỗi nhớ quê hương đầu tiên không phải là hình ảnh góc bếp, sân vườn mà thường là ký ức về mùa nước nổi” (Tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ). Nỗi nhớ ấy còn trải mênh mông trên những cánh đồng. “Sự bất tận của những cánh đồng mãi đến sau này vẫn chưa bao giờ ngớt đi trong nỗi nhớ của anh” (Những cánh đồng của riêng tôi).
Những cánh đồng ấy đâu chỉ có lúa gạo, rạ rơm, khói đốt đồng hay những mùa cá tôm tràn trề. Những cánh đồng sau vụ lúa còn là nơi nuôi dưỡng những bầy vịt chạy đồng. Là nơi chốn nương nhờ cho cuộc đời rày đây mai đó của những người nuôi vịt.
“Đêm, nghe mưa gió, sương đêm rơi lộp độp, vịt nhảy ổ kêu ầm ĩ hay ễnh ương gọi nhau rền vang trên mặt ruộng, vậy mà lại ngủ ngon lành” (Những mùa vịt chạy đồng).
Cảm thức đồng bằng hiện lên rõ ràng qua những mái nhà lá đơn sơ, nền đất vảy rồng đặc trưng của miền Tây. Những mái nhà lá bình dị nhưng lúc nào cũng cất dư ra một hàng ba phía trước để đón chân khách lỡ đường, người lạ mỏi chân hay bất chợt gặp mưa thì có nơi để trú.
Người đồng bằng lấy tấm lòng thơm thảo ra đãi đằng nhau không toan tính. Người đồng bằng trọng lễ nghĩa, trọng ân tình, những việc cúng lễ, giỗ quảy luôn được ưu tiên nhắc nhớ con cháu thực thi cho tròn vẹn.
Nguồn cội, gốc rễ, họ hàng, dòng tộc… nhờ những lễ lạt này mà nối dài sợi dây, níu lòng người quay về quê hương xứ sở dẫu có đi vạn dặm. Tập tản văn như một lời tâm tình, nhắc nhớ mà Lê Quang Trạng gửi gắm đến độc giả qua từng câu chữ được chắt lọc, gần gũi, thân thương.
Tập tản văn “Những hạt bùn vạn dặm” được Chibooks và Nhà xuất bản Lao Động phát hành năm 2023.