Sông Vĩnh Điện qua Mộc bản triều Nguyễn

THƠM QUANG 09/10/2016 09:53

Sông Vĩnh Điện ngày nay là con sông nối từ sông Thu Bồn chảy ra địa phận TP.Đà Nẵng qua huyện Hòa Vang, quận Ngũ Hành Sơn và quận Cẩm Lệ, hợp lưu với sông Cẩm Lệ ở phường Hòa Cường Nam thuộc quận Hải Châu để tạo thành sông Hàn. Quá trình khơi đào con sông này được ghi chép khá rõ ràng trong các Mộc bản triều Nguyễn.

Một khúc sông Vĩnh Điện. Ảnh: Internet
Một khúc sông Vĩnh Điện. Ảnh: Internet

Theo tư liệu lịch sử, vào năm 1824, sau khi kết thúc việc đào sông Vĩnh Tế, vua Minh Mạng ra chỉ dụ cho tỉnh Quảng Nam đào sông Vĩnh Điện. Trong Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 26, mặt khắc 1, 2 có chép: “Đào sông Vĩnh Điện ở Quảng Nam. Xứ ấy có con sông nhỏ, từ xã Cẩm Sa (dài hơn 1.640 trượng), đường nước nông hẹp, sai Cai bạ Lê Đại Cương đốc suất 3.000 dân trong hạt để đào cho rộng ra. Đào hơn 2 tháng thì xong. Cho tên là sông Vĩnh Điện. Cầu sông ấy cũng gọi là cầu Vĩnh Điện”.

Mộc bản triều Nguyễn là những bản gỗ khắc bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra thành sách, được dùng phổ biến trong thời kỳ phong kiến. Đây là loại hình tài liệu có giá trị về nhiều mặt, đặc biệt về nội dung ghi chép, phản ánh lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ. Dưới triều Nguyễn, tài liệu Mộc bản được xem như quốc bảo. Mỗi bộ sách khi biên soạn xong đều được dâng lên vua ngự lãm, sau đó mới được đem đi khắc in. Do vậy, Mộc bản triều Nguyễn là nguồn sử liệu gốc và có giá trị pháp lý cao. Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại Đà Lạt đang bảo quản 34.619 tấm Mộc bản triều Nguyễn, đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Trong quá trình làm việc, để động viên khuyến khích tinh thần cho dân công, vua Minh Mạng đã chỉ dụ: “Người làm việc được hậu cấp tiền gạo. Mỗi người mỗi tháng được cấp 3 quan tiền và 1 phương gạo”. Có thể vì chính sách ưu đãi đó mà trong vòng 2 tháng, đoạn sông khoảng 16 dặm (độ 7km) thông từ Câu Nhi đến xã Cẩm Sa thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành. Sau khi đào xong, vua Minh Mạng tiếp tục ban thưởng hậu đãi cho những người có liên quan: “Ban thưởng cho Lê Đại Cương 80 quan tiền, 2 tấm sa, 1 thứ kỷ lục, từ chuyên biện trở xuống thưởng tiền theo thứ bậc khác nhau”.

Nhưng chỉ sau 2 năm (1825), vua đi tuần Quảng Nam, xét thấy quy mô của dòng sông còn nông và hẹp, chưa đáp ứng được tình hình thực tiễn của địa phương, vua Minh Mạng đã bảo bầy tôi rằng: “Trước kia đào khai sông ấy, hạn bề ngang trên bờ là 5 trượng, dòng nước rộng 3 trượng 4 thước, nay mới hơn một năm mà đã sạt lở, chỗ rộng chẳng quá 2 trượng, chỗ hẹp chỉ hơn 10 thước; lại hai bờ cao quá, đứng dựng như vách thì thế nước chảy mau, sạt lở càng nhiều, của nhà nước và công của dân, cả hai đều uổng phí, cái tội của Đổng lý Lê Đại Cương nói sao cho xiết. Bọn giám tu và chuyên biện đều giao xuống cho bộ Lại và bộ Binh bàn xử”.

Sau khi trở lại kinh, vua Minh Mạng lập tức xuống dụ cho khơi đào lại dòng sông Vĩnh Điện. Nếu như lần khơi sông đầu, nhà vua huy động 3.000 sức dân. Thì lần này Thế tổ Nhân hoàng đế đã điều đến 8.000 dân phu tỉnh Quảng Nam, chia làm hai ban ra sức làm việc. Phó đô thống chế Trương Văn Minh được giao trọng trách đôn đốc công việc. Trước khi Trương Văn Minh lên đường vào Quảng Nam thực hiện nhiệm vụ, vua Minh Mạng bảo rằng: “Đây là công việc trọng yếu về vận tải đường sông ở phía Nam kinh kỳ, trước kia người thừa biện không biết làm cho nên, nay bất đắc dĩ phải đào vét thêm, mong lợi cho dân, chẳng phải muốn làm nhọc dân đâu. Khanh đến Quảng Nam, nên triệu các phụ lão lấy ý ấy bảo cho họ biết, khiến họ báo lại cho con em vui vẻ đến làm!”.

Mộc bản và bản dập bìa sách Đại Nam thực lục tiền biên.
Mộc bản và bản dập bìa sách Đại Nam thực lục tiền biên.

Trương Văn Minh đến xem xét hình thế dòng sông, từ chỗ cầu nhỏ Giao Thủy đến cửa sông, mặt đất làng Câu An là chỗ chảy vào sông cái, nên đất xã Câu An có nhiều chỗ khuất khúc, bên cửa sông lại có một dải cát ngầm, nước xuống thì phơi ra. Ông bèn tâu xin đào cửa sông mới ở phía dưới cửa sông cũ hơn 40 trượng, tiếp ngay sông cái khiến cho thế nước chảy rót vào, để khỏi lo bồi lấp, mà từ đó đến Giao Thủy đường lại hơi gần (từ cửa cũ đến Giao Thủy dài hơn 850 trượng, từ cửa mới đến Giao Thủy dài chỉ có 560 trượng). Vua chuẩn theo lời xin.

Công việc khơi đào lại dòng sông Vĩnh Điện sau 2 tháng thì hoàn thành. Vua sai đem bò rượu khao thưởng. Riêng Trương Văn Minh được thưởng 2 thứ kỷ lục, 50 lạng bạc và 2 tấm sa, 1 tấm đoạn. Cho các quan văn võ theo làm mỗi người 1 thứ kỷ lục.

Có thể nói, việc đào sông Vĩnh Điện được xem là thành tựu nổi bật trong công tác trị thủy của tỉnh Quảng Nam dưới triều vua Minh Mạng. Bản thân vua Minh Mạng cũng tỏ ra tự hào về thành tựu này khi vào năm 1837, vua Minh Mạng đã ra lệnh cho khắc hình tượng sông Vĩnh Điện vào trong Dụ đỉnh cùng với các hình tượng khác như: sấm, cửa biển Đà Nẵng, cửa quan Hải Vân, sông Vệ Giang, con vẹt, con dê, con hến, cá lành canh, hoa dâm bụt, quả lê, đậu trắng, lá dầu, cây thông, cây tử tô, thuyền ô và dao phác.

Ngày nay, đứng trên cầu Vĩnh Điện nhìn suốt về cuối nguồn, ta sẽ thấy hình dáng một dòng sông, thơ mộng, đôi bờ xanh ngắt tre xanh, khó ai tưởng tượng được con sông đó tốn rất nhiều công sức của quân dân và vua quan triều Nguyễn một thời.

THƠM QUANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sông Vĩnh Điện qua Mộc bản triều Nguyễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO