Ngày càng xuất hiện nhiều sản phẩm lưu niệm được các bạn trẻ làm từ vật liệu phế thải, hướng tới cuộc sống xanh, thân thiện môi trường.
SOI Handmade được nhiều du khách khi ghé Hội An biết đến với các sản phẩm thủ công xinh xắn làm từ vải vụn. Thành lập năm 2013, các sản phẩm ban đầu của SOI chủ yếu được làm từ giấy, như hoa giấy, thú bông và các sản phẩm vẽ tay trên vải lụa.
Tuy vậy, theo chị Trần Thị Kim Soi (người sáng lập SOI Handmade), bước ngoặc tạo nên “thương hiệu” SOI là năm 2017 khi chị vô tình bắt gặp các bao vải vụn xả thẳng ra môi trường từ các xưởng may quanh khu vực Hội An và ý tưởng hồi sinh vật liệu này bắt đầu.
Ban đầu sản phẩm của SOI chủ yếu là những kẹp tóc, buộc tóc, bông tai được làm từ các mảnh vải cotton nhỏ, tuy nhiên ngày càng có nhiều mảnh vải lớn, chất liệu khác nhau được chị Soi thu gom, vậy là xuất hiện thêm những sản phẩm lớn, có giá trị như khăn turban, túi vải, kể cả những mẫu áo quần…
Tại khu xưởng nhỏ đặt ở phường Điện Nam Đông (Điện Bàn), vợ chồng chị Soi hàng ngày lên ý tưởng và tỉ mẩn chọn vải, lắp ghép may vá để tạo ra những vật dụng tái chế xinh xắn từ vải vụn.
Ngoài bán trực tuyến trên mạng, sản phẩm SOI Handmade hiện được phân phối theo hình thức bán lẻ trực tiếp cũng như ký gửi tại các điểm du lịch, khách sạn ở Hội An. Dù doanh thu không nhiều, nhưng với chị Soi chỉ cần thỏa mãn đam mê, đặc biệt lan tỏa được thông điệp về môi trường chính là niềm hạnh phúc.
“Vì là vải tái chế nên đa phần sản phẩm có giá khá thấp để ai cũng có thể dễ dàng mua. Mục tiêu quan trọng nhất của tôi là muốn thông qua việc sử dụng những sản phẩm của mình sẽ truyền cảm hứng về việc gìn giữ môi trường” - chị Soi chia sẻ.
Không chỉ hoạt động kinh doanh, chị Soi cũng đang tạo lập và chia sẻ các kỹ thuật tái chế đến nhiều người bằng các workshop tại nhiều sự kiện nhằm truyền tải thông điệp về bảo vệ môi trường đến cộng đồng, nhất là các bạn trẻ.
The Timeless được biết đến như một tổ chức hoạt động vì môi trường phi lợi nhuận nhằm kết nối cộng đồng, do những bạn trẻ Công ty TNHH Du lịch TMDV Hội An Express thực hiện.
Đều đặn hai tuần một lần (vào chiều thứ Bảy) nhân viên công ty với sự tham gia của các đơn vị du lịch, học sinh, sinh viên và du khách bắt tay cùng sáng tạo ra khoảng 200 túi xách từ giấy tái chế phát đến các tiểu thương Hội An, qua đó tạo lập hình ảnh đẹp về một Hội An xanh, thân thiện không túi nylon.
Theo bà Phạm Quế Anh - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch TMDV Hội An Express, gấp túi xách giấy chỉ là một trong số nhiều hoạt động vì môi trường và hướng về cộng đồng mà đơn vị thực hiện lâu nay. Ngoài ra, có thể kể đến một số chương trình, hoạt động được tổ chức thường xuyên như: “Làm sạch bờ sông Hoài (Hội An)”, “Ngày cắt tóc cho người già neo đơn”, “Áo ấm vùng cao”…
Xây dựng lối sống xanh, biến rác thải thành sản phẩm tiện ích, có giá trị đã và đang trở thành xu hướng của nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp du lịch tại Hội An những năm gần đây.
Nổi bật, có thể kể đến Lê Ngọc Thuận - chủ nhà hàng Deckhouse với các sản phẩm điêu khắc gỗ từ củi lụt có giá bán hàng chục triệu đồng hay biến thức ăn thừa, vỏ trái cây thành phân vi sinh, dầu thừa thành xà phòng của một số khách sạn, cơ sở lưu trú tại Hội An…
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định, du lịch xanh, lối sống xanh đang là mục tiêu hướng tới để Quảng Nam xây dựng thành công điểm đến xanh. Vì vậy, tỉnh luôn khuyến khích các sản phẩm cụ thể, thiết thực được tái chế từ những vật liệu bỏ đi nhằm không chỉ đa dạng vật phẩm lưu niệm, lan tỏa thông điệp về lối sống xanh mà còn nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.
Sắp đến, Sở VH-TT&DL sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ đối với các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp tham gia phát triển sản phẩm du lịch xanh, hoặc mở các điểm du lịch xanh nhằm phát huy giá trị bản địa, bảo vệ môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững.