Sông Yên... chưa yên!

19/12/2012 09:43

Sông Yên, khu vực giáp ranh giữa xã Điện Tiến (Điện Bàn), xã Đại Hiệp (Đại Lộc) với các xã thuộc huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) luôn là “điểm nóng” của tình trạng khai thác cát trái phép. Dù địa phương đã tổ chức chốt chặn, canh gác nhưng sa tặc vẫn hoành hành…

Một bến bãi cát di động vẫn tồn tại ở thượng nguồn sông Yên.Ảnh: T.H
Một bến bãi cát di động vẫn tồn tại ở thượng nguồn sông Yên.Ảnh: T.H

Đe dọa đất canh tác

Nhiều năm nay, lòng sông Yên trở thành “mỏ cát” hấp dẫn đối với “sa tặc”. Lợi dụng vùng giáp ranh giữa xã Điện Tiến (Điện Bàn), xã Đại Hiệp (Đại Lộc) với các xã Hòa Tiến, Hòa Khương (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), các đối tượng khai thác cát dễ dàng di chuyển địa bàn để đối phó với lực lượng chức năng. Chính vì thế, chính quyền xã Điện Tiến phải cắt cử 4 cán bộ thường xuyên theo dõi, tuần tra, đẩy đuổi đối tượng ra khỏi địa bàn nhằm giữ cho dòng sông Yên được… yên! Thế nhưng, tình hình vẫn chưa được cải thiện triệt để. Những thửa ruộng màu mỡ ven sông của người dân đã, đang bị đe dọa nghiêm trọng do hệ lụy sạt lở từ nạn hút cát trộm.

Một đoạn bờ sông Yên bị khoét sâu hoắm do địa điểm hút cát chỉ còn cách nhà bà Hoàng Thị Nhượng (thôn Diêm Sơn, Điện Tiến) chừng hơn 20m. Theo bà Nhượng, trước đây lòng sông rất nông, hình thành bãi đất bồi thuận lợi cho người dân trồng rau màu, nhưng bây giờ nó bị băm nát, diện tích canh tác bị thu hẹp, ruộng sản xuất của người dân đã biến mất. “Có những đêm, lợi dụng lúc đoàn kiểm tra rút về, ghe hút cát đua nhau nổ máy bành bạch, làm bọn trẻ mất ngủ” - bà Nhượng bức xúc. Theo nhiều người dân xóm Bắc, xóm Tây (thôn Diêm Sơn), ban ngày con sông yên ắng nhưng từ 2 - 3 giờ sáng, có 5 - 7 ghe thuyền nổ máy hút cát. Trắng trợn hơn, dù tại đây thành lập tổ chốt chặn, kiểm soát khoáng sản nhưng đối tượng vẫn ngang nhiên hoạt động. Việc tồn tại công khai các bến bãi trên bờ sông, khiến người dân đặt nghi vấn có hay không có sự  “tiếp tay” của cán bộ?

Sông Yên... chưa yên!

Theo ông Đặng Hữu Lên, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của huyện đã phát hiện và xử lý 78 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, với tổng số tiền xử phạt hơn 348 triệu đồng. Tình trạng hút cát trái phép lòng sông đã diễn ra mọi lúc mọi nơi, hoạt động cả ngày lẫn đêm, trong khi nhiều nơi không đủ điều kiện về lực lượng, phương tiện và nguồn lực để có thể kiểm tra thường xuyên và liên tục được.

Đi dọc bờ sông Yên, khu vực giáp ranh giữa Điện Bàn - Hòa Vang, chúng tôi thấy các bến bãi cát với băng chuyền, thiết bị vận chuyển bằng máy móc hiện đại vẫn tồn tại. Trên sông có hơn chục phương tiện ghe thuyền neo đậu. Ông Đỗ Diên, Chủ tịch UBND xã Điện Tiến thông tin: Cách đây một tuần, lực lượng chức năng tịch thu 2 ghe đang hút cát trái phép, đối tượng không phải là người địa phương. Từ đầu năm đến nay, xã xử lý hơn 10 ghe thuyền hút cát trộm. Theo ông Diên, cái khó của địa phương là đối tượng hoạt động chủ yếu vào ban đêm, trong khi không phải lúc nào lực lượng chức năng cũng có mặt tại hiện trường. “Một bến bãi hiện còn hoạt động ở vùng giáp ranh chỉ cách Điện Tiến 10m thuộc địa phận xã Hòa Tiến (Hòa Vang). Người dân cứ nghĩ đó là bãi cát của xã Điện Tiến, nhưng thực ra đó là của xã Hòa Tiến (Hòa Vang) quản lý, khai thác. Chúng tôi mong lãnh đạo huyện Điện Bàn có cuộc họp cụ thể với lãnh đạo huyện Hòa Vang để xử lý cương quyết bãi cát trên. Trước đây, dọc bờ sông Yên có 2 bến bãi cát đóng trên địa bàn xã Điện Tiến, nhưng giờ đã xóa sổ hết rồi” - ông Diên khẳng định.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, ngay từ đầu năm, khi chính quyền huyện Hòa Vang siết chặt công tác quản lý, khai thác khoáng sản, hàng loạt bến bãi tiêu thụ cát bị “thổi còi”. Theo đó, một số bến cát của các ông Đặng Bảy (xã Hòa Tiến); Trần Thạnh, Trần Văn Thứ, Trần Bán (xã Hòa Khương)… đã bị xử phạt hành chính về hành vi vận chuyển cát không rõ nguồn gốc và tập kết cát trái phép. Khi người dân tiếp tục tỏ thái độ với nạn khai thác cát trái phép, chính quyền 3 huyện Đại Lộc, Điện Bàn và Hòa Vang đã có cuộc họp thống nhất chấm dứt hoạt động trái phép từ cuối tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, do quản lý lỏng lẻo, chế tài xử phạt chưa nghiêm, các bãi cát di động lại tái diễn. Một nguyên nhân khác là các địa phương vẫn chưa “ăn ý” trong khâu phối hợp, đẩy đuổi “sa tặc”.

Trong khi đó, chính quyền xã Điện Tiến cũng thừa nhận, vì không có mỏ cát nào được cấp phép trên địa bàn, trong khi nhu cầu vật liệu xây dựng của nhân dân lại rất cấp bách nên rất khó kiểm soát triệt để nạn khai thác cát trái phép. Người dân không thể đến tận Cầu Đỏ, hay Vĩnh Điện mua nên đành sử dụng cát không rõ nguồn gốc. Cũng theo lãnh đạo xã Điện Tiến, về lâu dài, không thể cấm mãi được, mà tỉnh, huyện cần tính toán cho phép vị trí, địa điểm khai thác cát phù hợp. Còn ông Phạm Ngọc Anh, Phó phòng Tài nguyên - môi trường huyện Điện Bàn khẳng định, với sự đầu tư lập trạm chốt chặn, tăng cường lực lượng, phân cấp mạnh cho chính quyền cấp xã, lòng sông Yên đã tạm ổn trong thời gian gần đây nhưng vẫn chưa thể nói là yên được. “Điều quan trọng là các địa phương vùng giáp ranh cần bàn bạc giải pháp khắc phục tình trạng khai thác trái phép, quy chế phối hợp và phân định trách nhiệm rõ ràng” - ông Anh nói.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sông Yên... chưa yên!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO