Sophia, Harmony - người máy, máy người...

TƯỜNG MINH 19/08/2018 01:48

Rùng mình và… háo hức, là cảm giác khi đọc những dòng tin về một người Mỹ tên Brick Dollbanger, vừa trở thành người đầu tiên trên thế giới sở hữu một con búp bê thế hệ mới tên là Harmony, có thể đạt… cực khoái khi quan hệ tình dục.

“Nàng” Sophia - Robot trong trang phục áo dài Việt Nam. Ảnh: VNN
“Nàng” Sophia - Robot trong trang phục áo dài Việt Nam. Ảnh: VNN

“Nếu quan hệ tình dục với một người phụ nữ thực sự là 10 điểm, thì một con búp bê tình dục là 8 điểm”, ông Brick Dollbanger nói. Harmony là một búp bê tình dục có kích thước như người thật được điều khiển thông qua một ứng dụng, có thể được gắn vào bên trong cơ thể. Con búp bê nhớ món ăn, phim, nhạc yêu thích của chủ sở hữu và thậm chí là sinh nhật của đối tác.

Mười năm trước, ông Brick Dollbanger, 60 tuổi, có hai con một trai, một gái đã từ bỏ cuộc hôn nhân của mình. Sau nhiều năm ly hôn, ông Brick Dollbanger tìm thấy thú vui mới với những con búp bê tình dục. Brick Dollbanger rất hài lòng với búp bê tình dục Harmony, thậm chí ông tin rằng ông và Harmony có thể phát triển một mối quan hệ yêu thương lâu dài. Ông Brick Dollbanger nói với tờ Daily Star: “Tôi sở hữu một chiếc tàu hộ tống năm 1980 tuyệt đẹp, sau này là một chiếc xe tuyệt đẹp. Nhưng tôi sẽ nói với bạn điều gì, tôi chưa bao giờ có nhiều thú vị với chiếc xe đó so với những con búp bê tình dục. Đó là một công nghệ hấp dẫn. Tôi tin rằng đó là công nghệ của tương lai. Nó sẽ bắt đầu cuộc cách mạng tình dục silicon của thế kỷ 21”.

Nhớ hôm nọ “nàng” Sophia - Robot có quyền con người đầu tiên trên thế giới đến Việt Nam trong tà áo dài trắng muốt ở một diễn đàn kinh tế cấp cao. Không chỉ nói câu “xin chào” bằng tiếng Việt, Sophia còn khuyến nghị cả chính sách cho Chính phủ Việt Nam. “Tôi là người đại diện cho kỷ nguyên 4.0”, Sophia nói và cho rằng Việt Nam cần có sáng tạo về công nghiệp để phát triển nhanh hơn. Theo cô, Chính phủ Việt Nam đã đi đúng hướng. Tuy nhiên, công nghệ sáng tạo ở các quốc gia như Việt Nam cần khuôn khổ chính sách. Chính phủ cần chú trọng khu vực tư nhân, các tổ chức như UNDP, các tổ chức cộng đồng… đảm bảo cho công nghệ như thế này mang lại lợi ích cho mọi người. Sophia nói rằng để sống sót trong cách mạng 4.0, con người cần trang bị những kỹ năng cần thiết để hòa nhập. Hay, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp là xu hướng rất tuyệt vời, giúp đón đầu trong tương lai. Người trẻ phải sẵn sàng với thách thức, nếu họ bị bỏ lại phía sau, sẽ không đạt được kết quả đáng mong đợi.  

Sau những Harmony của tình dục silicon và Sophia có thể khuyến nghị chính sách cho cả một chính phủ, tương lai rất gần tiếp theo đây, chúng ta sẽ được chứng kiến những người máy gần như có mặt ở hầu hết lĩnh vực trong đời sống con người. Kể cả những chuyện tưởng không thể như trợ giúp những người bại liệt để họ có thể đi lại được hay đi bộ trên đường phố với chúng ta, làm việc ở phòng bên cạnh hoặc đưa bố mẹ già của chúng ta đi dạo rồi giúp họ ăn tối…

Điều này không xảy ra hôm nay và cũng sẽ không xảy ra ngay ngày mai, nhưng rồi sẽ xảy ra trong tương lai không xa. Theo một báo cáo tại diễn đàn kinh tế cấp cao vừa được tổ chức tại Hà Nội có sự tham gia của “nàng” Sophia, hiện hầu hết nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực robot đều đến từ các công ty lớn (như Google, Toyota và Honda), nhưng vốn đầu tư mạo hiểm vào robot cũng đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Lượng tài chính đầu tư đã tăng gấp đôi chỉ trong ba năm, từ 160 triệu USD vào năm 2011 lên thành 341 triệu vào năm 2014. Trong năm đầu tiên đầu tư, Grishin Robotics, một quỹ đầu tư ươm mầm trị giá 25 triệu USD đã phải đánh giá hơn 600 doanh nghiệp khởi nghiệp trước khi rút lại còn 8 doanh nghiệp như hiện nay trong danh mục đầu tư của họ. Singulariteam, một quỹ đầu tư mạo hiểm mới của Israel cũng đã nhanh chóng huy động được hai nguồn quỹ, trị giá 100 triệu USD mỗi nguồn, để đầu tư vào các robot thời kỳ đầu và trí thông minh nhân tạo. Sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư là rất rõ: thị trường cho người tiêu dùng robot dự báo có thể đạt đến con số 390 tỷ USD vào năm 2017 và các robot công nghiệp sẽ đạt 40 tỷ USD vào năm 2020.

Thật ra thì thuật ngữ “robot” ra đời trong một vở kịch vào năm 1920 có tên là “Rossum’s Universal Robots”, tác giả là nhà văn Karel Čapek chuyên viết truyện khoa học viễn tưởng, người Cộng hòa Czech. Nhưng cái tên này lại phản bội nguồn gốc lịch sử sâu xa của nó. Về mặt từ nguyên, “robot” là kết hợp của hai từ có nguồn gốc từ ngôn ngữ Czech: “rabota” (công việc bắt buộc) và “robotnik” (nô lệ), để mô tả, trong quan niệm của Čapek, một tầng lớp “người nhân tạo” mới được tạo ra để phục vụ con người.

Robot thực chất là sự kết hợp của hai xu hướng lâu dài: sự tiến bộ của công nghệ để làm thay công việc của chúng ta và việc sử dụng một tầng lớp phục vụ nhằm cung cấp lao động giá rẻ cho các tầng lớp cao hơn của xã hội. Trong cái nhìn đó, robot là dấu hiệu của tiến bộ công nghệ nhưng đồng thời cũng là một phiên bản cập nhật của lao động nô lệ mà con người đã từng khai thác người khác trong những thế kỷ qua.

Nhưng nếu được cập nhật đến một mức nào đó như các “nàng” Sophia hay Harmony, thì sự khác biệt giữa con người và máy móc có thể đã bắt đầu trở nên mờ nhạt đi. Rồi đến một lúc nào đó, chúng ta còn không phân biệt được quanh mình đâu là người máy, đâu là máy người nữa. Và biết đâu đó, đến lúc một hệ thống “máy người” tự nhận thức sẽ quyết định phát động cuộc chiến với con người như trong loạt phim “Kẻ hủy diệt”…

Thế giới đã và đang đi rất xa, xa đến mức đáng sợ. Còn chúng ta?

Cứ nhớ mãi lời cô bạn hôm nọ may mắn được chứng kiến “nàng” Sophia khuyến nghị chính sách cho Chính phủ Việt Nam rồi viết trên Facebook của mình: “Sophia trong tà áo dài Việt Nam. Nàng, khá duyên dáng, nhưng cơ miệng hơi cứng, và phía sau có vẻ nhiều dây nhợ. Những người support nhắc nhở, cẩn thận khi chụp ảnh nàng, từ phía sau. Nói như một diễn giả mình nghe trên Ted, robot trí tuệ nhân tạo gì không đáng sợ đâu, rút dây là hết”.

TƯỜNG MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sophia, Harmony - người máy, máy người...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO