Sớt chia nỗi đau da cam

VINH ANH 11/12/2014 08:59

Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực làm tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)…

Nhà nhân ái do đoàn Hội đồng Hòa bình và hữu nghị Nhật - Việt tỉnh Saitama hỗ trợ anh Huỳnh Văn Yên (xã Tam Anh Bắc, Núi Thành; gia đình nạn nhân chất độc da cam). Ảnh: V.ANH
Nhà nhân ái do đoàn Hội đồng Hòa bình và hữu nghị Nhật - Việt tỉnh Saitama hỗ trợ anh Huỳnh Văn Yên (xã Tam Anh Bắc, Núi Thành; gia đình nạn nhân chất độc da cam). Ảnh: V.ANH

Hướng về cơ sở

Quế Sơn là huyện trung du miền núi, có một dãy núi trùng điệp nối liền nhau, giáp với 3 huyện Duy Xuyên, Nông Sơn và Hiệp Đức. Trong chống Mỹ, đây là điều kiện thuận lợi cho quân và dân địa phương trụ bám chống giặc. Cũng bởi vậy, nơi đây trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của quân thù. Địch dùng đủ các loại đạn bom bắn phá vùng giải phóng gây thiệt hại nặng nề về người và của. Nguy hiểm hơn, kẻ thù đã dùng loại chất độc hóa học da cam có chứa hàm lượng dioxin cực độc rải xuống vùng cách mạng nhằm hủy diệt màu xanh cây cối để phát hiện lực lượng và căn cứ cách mạng, triệt hại nguồn sản xuất và ngăn cách vùng giải phóng với vùng chiếm đóng.

Ông Phạm Văn Lộc - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Quế Sơn chia sẻ, chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, cùng với thời gian, mọi nỗi đau rồi cũng dần đi vào lãng quên, duy chỉ có nỗi đau mà hàng chục năm sau mới thấy ngày càng trầm trọng, đó là nỗi đau da cam. Chất độc hóa học rải xuống núi rừng Quảng Nam thời chiến đã làm cho hàng nghìn người nhiễm độc, dần dần phát sinh ra những căn bệnh hiểm nghèo. Nguy hiểm hơn, nó đã di truyền sang con cháu người bị nhiễm độc khiến thế hệ sinh sau phải mang dị tật, dị hình, mù lòa, câm điếc… Có gia đình đến 3 - 4 nạn nhân bị nhiễm chất độc hóa học. Từ những thực tế đó đã đặt ra trách nhiệm của xã hội nhằm giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm CĐDC. Cuối năm 2006, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Quế Sơn được thành lập, trở thành cầu nối góp phần xoa dịu nỗi đau, giảm bớt một phần khó khăn đối với nạn nhân  CĐDC và gia đình họ. “Khi tổ chức hội được thành lập đã trở thành sợi dây kết nối những mảnh đời bất hạnh với các nhà hảo tâm. Đồng thời hội tổ chức tuyên truyền cho mọi người thấy rõ tác hại của CĐDC gây ra, qua đó vận động mọi nguồn lực để cùng chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC vượt khó vươn lên hòa nhập với cộng đồng” - ông Lộc nói.

Một vấn đề đặt ra không riêng gì đối với Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Quế Sơn, đó là hoạt động hội ngày một khó khăn, nhất là nguồn lực vận động. Trước tình hình đó, Quế Sơn đã khắc phục khó khăn bằng cách hướng các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC về cơ sở xã, thị trấn. Bởi đây là nơi quản lý trực tiếp các nạn nhân, gần gũi với nhân dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh nên dễ quan hệ, có điều kiện vận động quỹ chăm sóc giúp đỡ nạn nhân. Một số cơ sở đã làm tốt trong công tác vận động giúp đỡ nạn nhân da cam như xã Phú Thọ đã mời Đoàn Ca kịch Quảng Nam về diễn, phát động toàn dân, các cơ quan, doanh nghiệp ủng hộ được 35 triệu đồng. Hay như Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin thị trấn Đông Phú đã phối hợp với Hội Khuyến học huyện tổ chức đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” đã quyên góp được 30 triệu đồng; xã Quế Châu và Quế Hiệp thống nhất trong toàn bộ nhân dân vận động 10 nghìn đồng/hộ/năm để giúp đỡ cho nạn nhân da cam…

Lòng tin và chỗ dựa

Từng là căn cứ địa cách mạng của tỉnh, huyện Tiên Phước cũng là địa bàn trọng điểm chịu sự đánh phá ác liệt của Mỹ - ngụy trong kháng chiến. Trong đó có việc rải chất độc hóa học, nhất là giai đoạn 1963 - 1971 để lại nhiều hậu quả nặng nề. Theo Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin huyện Tiên Phước, tính đến nay toàn huyện có 5.727 đối tượng chính sách (chiếm 7,7% dân số), trong đó có khoảng 2.200 người bị nhiễm và phơi nhiễm CĐDC. Theo phân loại đối tượng bị nhiễm CĐDC, có hơn 570 người hoạt động kháng chiến và 130 người là con cháu của họ, 1.500 người là dân trụ bám và các đối tượng khác. Trong số này, nhiều gia đình có 2 - 3 nạn nhân, có những cặp vợ chồng sinh ra 7 người con thì 5 người mang dị dạng, dị tật, mắc bệnh hiểm nghèo… Đa số nạn nhân và gia đình họ gặp khó khăn về nhà ở cũng như cuộc sống hàng ngày. Với tinh thần “Hãy đến với các nạn nhân CĐDC, đến với những người nghèo nhất trong những người nghèo, đau khổ nhất trong những người đau khổ”, năm 2007 được sự hướng dẫn của tỉnh hội, Hội Nạn nhân CĐDC huyện Tiên Phước được thành lập (2007), qua đó phần nào đáp ứng được vấn đề chăm sóc, giúp đỡ cho những nạn nhân da cam trong toàn huyện. Đến nay, toàn huyện cũng đã xây dựng được 12/15 tổ chức hội cơ sở.

Trong công tác vận động, giúp đỡ nạn nhân CĐDC, dù gặp nhiều khó khăn do huyện còn nghèo, kinh tế chậm phát triển nhưng các cấp hội đã có nhiều nỗ lực, không tự ái, nản chí mà bằng tình cảm, tích cực thuyết phục các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài huyện hỗ trợ với tổng số tiền 750 triệu đồng. Từ nguồn kinh phí trên, Hội Nạn nhân CĐDC huyện Tiên Phước đã hỗ trợ xây mới 12 nhà nhân ái, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, trợ cấp khó khăn cho hàng chục hộ; hằng năm tổ chức tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Ngày vì nạn nhân CĐDC Việt Nam. Đến nay, nhiều hộ nạn nhân CĐDC đã có nhà ở ổn định, cuộc sống từng bước được cải thiện, đặc biệt đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước của địa phương. Ông Đoàn Dân - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC huyện Tiên Phước cho biết: “Việc làm của hội trong những năm qua tuy còn nhỏ bé, nhưng đã thể hiện được lòng tin, chỗ dựa cho các nạn nhân và góp phần cùng với địa phương chăm lo, giúp đỡ nạn nhân CĐDC có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.

VINH ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sớt chia nỗi đau da cam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO