Vì một số nơi thiếu chặt chẽ trong quản lý hiện trạng đất đai, chồng chéo quy hoạch sử dụng đất, lúng túng khi thực hiện Luật Đất đai hiện hành... nên xảy ra tình trạng ì ạch trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt bìa đỏ). Hệ lụy là người dân chịu thiệt quyền lợi suốt thời gian dài.
Người dân khu tái định cư xã Tam Phú hơn 10 năm nay mòn mỏi chờ được cấp bìa đỏ. Ảnh: TRẦN HỮU |
Ngóng... bìa đỏ
Hơn 10 năm nay, chưa có một hộ dân tái định cư nào trên địa bàn xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) trong dự án đưa dân ra khỏi vùng ngập lụt được Nhà nước công nhận quyền sở hữu sử dụng đất. Khắc phục các vướng mắc về hồ sơ pháp lý của lịch sử để lại đến nay gần như còn dở dang. Dự án do Chi cục Định canh định cư thuộc Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư khiến người dân thua thiệt đã đành, còn xảy ra nhiều trường hợp người dân bị thu hồi đất, Nhà nước bố trí “đất đổi đất” nhưng hiện vẫn sốt ruột chờ bìa đỏ. Năm 2011, gia đình ông Trương Công Tuấn (thôn Phú Bình, xã Tam Phú) bị thu hồi hơn 1.000m2 đất (đã được cấp bìa đỏ) để triển khai dự án xây dựng khu dân cư bộ đội. Gia đình ông được đổi 2 lô đất tái định cư (mỗi lô có diện tích 200m2). Ông Tuấn phân trần: “Tôi và con tôi mua đất của Nhà nước và xây nhà kiên cố 5 năm rồi sao vẫn chưa được chính quyền cấp lại bìa đỏ. Gia đình muốn thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng để phát triển sản xuất cũng không được. Trách nhiệm cấp sổ đỏ là của Nhà nước chứ phải dân đâu”. Tìm hiểu thực tế, chúng tôi biết khu đất ở dân cư này có gần 100 hộ “treo” bìa đỏ. Lý giải về khu tái định cư “trắng” bìa đỏ, chính quyền xã Tam Phú cũng như TP.Tam Kỳ cho rằng, lỗi thuộc về chủ đầu tư trước đây không có hồ sơ quyết định thu hồi đất, giao đất, nhiều trường hợp bố trí sai đối tượng, vượt quá hạn mức sử dụng đất...
Năm 2015, cả tỉnh kê khai đăng ký và cấp được 12.738 bìa đỏ với diện tích 2.963ha. Trong đó, cấp cho tổ chức 3.246 bìa đỏ với diện tích 1.560ha; cấp 9.492 bìa đỏ cho hộ gia đình, cá nhân với 1.402ha. Tính đến nay, toàn tỉnh đã kê khai đăng ký và cấp được 756.234 bìa đỏ với 441.447ha (đạt tỷ lệ 97,31% so với tổng diện tích các loại đất cần cấp theo hiện trạng). Triển khai Thông báo Kết luận số 61/TB-UBND ngày 23.2.2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu về gấp rút giải quyết tồn đọng trong quản lý đất đai ở vùng đông TP.Tam Kỳ, giữa tháng 3, Sở Tài nguyên - môi trường, lãnh đạo TP.Tam Kỳ đã họp bàn. Qua đó, thống nhất yêu cầu các địa phương kiện toàn ngay hội đồng tư vấn cấp xã, mỗi tuần phải ưu tiên họp một lần giải quyết đất đai, đảm bảo thông qua ít nhất 150 hồ sơ ứ đọng. Hiện nay, ngành chức năng địa phương thông báo thực hiện công tác kê khai đăng ký, thời gian hoàn thành việc kê khai đăng ký chậm nhất đến 30.4.2016. |
Được biết, tiến độ cấp bìa đỏ (đặc biệt loại đất ở nông thôn và đất trồng cây lâu năm) ở vùng đông TP.Tam Kỳ rất chậm do hiện nay Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai quản lý diện tích khá lớn, trong khi đó quy hoạch về sử dụng đất ở khu vực này chồng lấn lên nhau. Báo cáo mới nhất của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Sở Tài nguyên - môi trường cho thấy, đến cuối năm 2015 chính quyền TP.Tam Kỳ cấp 7.474 bìa đỏ cho các xã, phường trực thuộc. Trong đó, xã Tam Phú mới có 231 bìa đỏ, xã Tam Thăng 1.216 bìa đỏ, An Phú 2.778 bìa đỏ. Tiến độ cấp bìa đỏ gặp trục trặc từ công đoạn đo đạc và kê khai đăng ký. Sự phối hợp giữa đơn vị thi công và chính quyền cơ sở thiếu chặt chẽ. Hồ sơ chưa tổ chức họp tại hội đồng tư vấn cấp xã tồn đọng nhiều; TP.Tam Kỳ chỉ họp xét duyệt được hơn 64%.
Bao giờ gỡ hết khó khăn?
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các địa phương thừa nhận, vướng mắc phổ biến trong cấp bìa đỏ là chính quyền cơ sở quản lý hồ sơ địa chính còn lỏng lẻo, lờ mờ xác định nguồn gốc đất. Nhu cầu sử dụng đất vào mở rộng các khu dân cư đô thị, công nghiệp, du lịch, dịch vụ (tập trung ở các thành phố, khu đô thị mới, khu kinh tế…) rất lớn, nhưng đất đai luôn biến động, nhiều địa phương không có kinh phí để đo vẽ, bổ sung, chỉnh lý kịp thời. Các trường hợp chưa được cấp thường thiếu giấy tờ hợp lệ về đất. Tồn tại ở nhiều xã, phường là có nhiều loại đất không xác định được nguồn gốc, phát sinh phức tạp, đất sản xuất nông nghiệp nằm xen lẫn với đất công ích (đất 5%). Thủ tục cải cách hành chính trong việc cấp bìa đỏ tại các địa phương chưa đảm bảo theo quy định, chậm bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với hướng dẫn. Tại các huyện miền núi, trung du... công tác cấp bìa đỏ còn gặp trở ngại do chính quyền tắc trách. Ông Bùi Xuân Vinh - Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Đại Lộc thừa nhận, một số diện tích rừng trồng hiện do hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định không tranh chấp nhưng diện tích lại nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ và các dự án trồng rừng trước đây như chương trình 327, 661. Không cắm mốc thực địa, không có ranh giới cụ thể từng thửa đất cũng gây khó khăn trong quản lý tại địa phương. Trong khi đó, tại vùng đông có ít nhất 1.000ha đất rừng phòng hộ quy hoạch chồng lấn lên diện tích của Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai.
Ông Lưu Văn Ba - Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh cho rằng, trên địa bàn tỉnh nhiều trường hợp chưa đăng ký, hầu hết rơi vào các khu vực miền núi, người sử dụng đất chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số hoặc một số trường hợp vắng chủ, người sử dụng đất đã bỏ đi nơi khác. Còn lập sổ địa chính điện tử chậm thực hiện vì chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. “Cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính là công việc được thực hiện thường xuyên ở 3 cấp chính quyền (tỉnh, huyện và xã) nhưng một số địa phương đã có nhiều biến động lớn do thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Kinh phí dành cho công tác đo đạc, chỉnh lý biến động đất đai còn nhiều hạn chế, nên triển khai không kịp thời, đồng bộ” - ông Ba giải thích thêm.
TRẦN HỮU