Bệnh sốt xuất huyết - gánh nặng y tế toàn cầu đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia.
Mỗi năm, thế giới ước tính có khoảng 50 triệu người nhiễm vi rút Dengue, gây ra bệnh sốt xuất huyết, làm tử vong 25 nghìn người, trong đó số trẻ em mắc bệnh chiếm 60-70%. Bệnh sốt xuất huyết Dengue không lây trực tiếp từ người sang người mà được truyền sang người qua muỗi đốt, nhưng lại là bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh nhất trên thế giới. Căn bệnh không chỉ ảnh hưởng đến chỉ số sức khỏe mà còn tác động đến phát triển kinh tế, xã hội của toàn cầu.
Nhân viên y tế Brazil đang khẩn cấp tham gia ngăn chặn dịch sốt xuất huyết. (Ảnh: ecovec) |
Các chuyên gia y tế thế giới đưa ra những nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết là vì tình trạng đô thị hóa ồ ạt, dân cư đông đúc, vệ sinh môi trường không đảm bảo, việc đi lại của con người, sự chủ quan trong phòng chống bệnh. Chính điều này tạo điều kiện cho muỗi sinh sản nhanh, truyền bệnh nhanh, lan rộng, diễn biến ngày càng phức tạp. Nhưng hiện nay, các nhà khoa học còn đặc biệt quan tâm tới sự thay đổi khí hậu toàn cầu, tạo điều kiện cho sự sinh sôi của muỗi.
Bệnh sốt xuất huyết những năm trước đây thường xảy ra chủ yếu vào mùa mưa hằng năm nhưng năm nay căn bệnh đã xuất hiện trái mùa. Trong đó, các tỉnh miền Nam nước ta đang khẩn cấp đối phó với xu hướng gia tăng rất nhanh của căn bệnh này. Hay như tại đất nước vùng Nam Mỹ - Brazil, Bộ Y tế nước này thống kê, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận khoảng 224 nghìn ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng đến 162% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến rất nhiều ca tử vong. Trong khi những năm trước, bệnh này thường đạt đỉnh khoảng vào tháng 5. Do đó, các quan chức y tế lo ngại, tình hình này khiến dịch bệnh diễn ra rất nghiêm trọng và phức tạp vào tháng tới.
Bộ trưởng Y tế Brazil Arthur Chioro nói, “thủ phạm” chính là do biến đổi khí hậu. Bởi cuộc khủng hoảng hay thiếu nước trầm trọng đang xảy ra nhiều nơi tại Brazil, nhiều người tích trữ nước nhưng không đảm bảo vệ sinh, lăn quăng xuất hiện rồi phát triển thành muỗi gây và truyền bệnh sốt rét. Ngoài ra, nhiều địa phương dường như đã “bỏ quên” cuộc chiến phòng ngừa căn bệnh này. Còn tại Nhật Bản vào tháng 9.2014, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi nước này xác nhận có hàng chục người ở thủ đô Tokyo mắc bệnh sốt xuất huyết. Đáng nói, đây là những ca bệnh sốt xuất huyết đầu tiên ở Nhật Bản kể từ năm 1945.
Tiến sĩ Shin Young-Soo, Giám đốc khu vực tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế thế giới cho biết, điều quan trọng mà chúng ta cần nhớ là chống lại sốt xuất huyết Dengue là trách nhiệm của tất cả mọi người, phải hợp tác, chứ không riêng ngành y. Căn bệnh là vấn đề liên quan đến môi trường, và điều đó có nghĩa là tất cả mọi người từ cấp trung ương đến hộ gia đình cần phải hành động để thanh toán sự hiện diện của muỗi, ngăn chặn sự xuất hiện của bệnh sốt xuất huyết, hiện chưa có vắc xin phòng ngừa.
QUỐC HƯNG