Start-up và bài toán quản trị chi phí

QUỐC TUẤN - ANH ĐÔNG 25/05/2020 09:54

Quản trị chi phí là một trong những yếu tố cơ bản làm đòn bẩy đưa các dự án start-up vươn mình thành doanh nghiệp có chỗ đứng trên thị trường. Tuy vậy, phần lớn người trẻ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh còn mơ hồ với khái niệm này.

Phần lớn start-up trên địa bàn tỉnh rất cần được đào tạo về quản trị chi phí doanh nghiệp. Ảnh: T.Đ
Phần lớn start-up trên địa bàn tỉnh rất cần được đào tạo về quản trị chi phí doanh nghiệp. Ảnh: T.Đ

Loay hoay quản trị chi phí

Quản trị chi phí là quá trình phân tích các thông tin cần thiết cho công việc quản trị của một doanh nghiệp gồm cả thông tin tài chính (chi phí, doanh thu) và phi tài chính (năng suất, chất lượng, các yếu tố khác) và điều này đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các quyết định quản trị để có thể cung cấp cho khách hàng những sản phẩm/dịch vụ có chất lượng tốt nhất với chi phí thấp nhất.

Là một đơn vị khởi nghiệp đã bước đầu định hình được thương hiệu và sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, tuy nhiên anh Phạm Phú Hiển - Giám đốc Công ty TNHH TM-DV Phú Hiển Lighting (TP.Tam Kỳ) thừa nhận kiến thức về quản trị của mình còn quá nhỏ bé so với ý tưởng, chiến lược phát triển của đơn vị trong thời gian đến. “Về việc xây dựng sản phẩm phù hợp cho từng vùng miền, phân khúc thị trường, thời gian qua đơn vị làm tương đối ổn. Điều cần nhất mà tôi quả thực rất muốn được chia sẻ chính là năng lực quản trị tài chính, quản trị rủi ro” - anh Hiển nói.

Có chung mối quan tâm về kỹ năng quản trị chi phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp, anh Lê Hữu Thái - thành viên Câu lạc bộ Khởi nghiệp sáng tạo Tam Kỳ chia sẻ: “Tôi đang ấp ủ một số ý tưởng độc đáo liên quan đến cây quế - một loài thực vật đặc trưng bản địa của Quảng Nam, nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc quản trị nên băn khoăn lớn nhất vẫn nằm ở việc điều phối chi phí sử dụng công nghệ làm sao cho ra sản phẩm tốt nhất mà giá bán lại phải chăng nhất để cạnh tranh phục vụ người tiêu dùng”. Một thanh niên khác, quê ở huyện Duy Xuyên bộc bạch: “Tôi khởi nghiệp nông nghiệp từ năm 2012 với ý tưởng xây dựng trang trại kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Nhưng sau 8 năm vẫn đang loay hoay với việc xoay xở kinh phí bù đắp chi phí bỏ ra trong khi dự án ì ạch tại chỗ”.

Tựu trung, phần nhiều start-up rất quan tâm đến việc kêu gọi vốn, sử dụng dòng tiền hợp lý trong khi số ít start-up khác bước đầu đã đạt được một số thành tựu khởi sắc thì lại mong muốn được bổ sung kỹ năng quản trị chi phí một cách bài bản để hướng đến trở thành một doanh nghiệp lớn mạnh trên thị trường.

Phải tính toán được giá thành kế hoạch

Theo nhiều chuyên gia khởi nghiệp, hầu hết doanh nghiệp muốn duy trì, phát triển đều phải thực hiện tái cấu trúc 5 năm/lần hoặc 10 năm/lần. Với các doanh nghiệp khởi nghiệp, các yếu tố quyết định đến việc thành công bao gồm: thương hiệu, vốn, lòng trung thành và nhất là hệ thống thông tin quản trị. Ông Lê Thanh Thiết - Giám đốc Công ty CP Wifur, thành viên Hội Doanh nhân Quảng Nam phía Nam gợi mở: “Có bao nhiêu dự án khởi nghiệp ở địa phương thiết lập kế hoạch kinh doanh bài bản trước khi bắt đầu? Thực tế có rất ít và nhiều bạn trẻ hầu như còn xa lạ với khái niệm này, khởi nghiệp vô cùng chông gai nên trước khi bắt đầu chúng ta phải được đào tạo để giảm thiểu rủi ro chứ không thể “nhảy vào” làm theo bản năng được”.

Chia sẻ với tâm tư của start-up trong vấn đề quản trị chi phí khi khởi nghiệp, ông Lê Thanh Thiết cho rằng: “Có rất nhiều loại chi phí mà các start-up quan tâm khi nhắc đến quản trị nhưng có hai thứ họ thường bỏ qua chính là sức khỏe và thời gian. Đây là những yếu tố không lấy lại được một khi đánh mất. Khi khởi nghiệp đừng quá quan tâm đến gọi vốn, chấp nhận vốn ít cũng được bởi một khi không đủ năng lực để sử dụng vốn đã kêu gọi sẽ dẫn đến nợ và trở thành áp lực cho bản thân”. Trên thực tế, có rất ít nhà đầu tư thiên thần “cho không” vốn để start-up phát triển dự án, một khi không sử dụng đúng, hiệu quả vốn theo lộ trình đã thỏa thuận lúc gọi vốn thì các nhà đầu tư cũng thường dừng lại việc hợp tác. Thực trạng càng khiến năng lực quản trị chi phí cần thiết hơn bao giờ hết với những người khởi nghiệp.

Theo ông Trần Vũ Lê – Chủ tịch HĐQT nội thất Lê Trần, Chủ tịch Hội Doanh nhân Quảng Nam phía Nam, không có phương pháp quản trị tốt nhất cho doanh nghiệp mà chỉ có phương pháp quản trị phù hợp nhất với từng trường hợp cụ thể. “Muốn quản trị chi phí nhất thiết phải có giá thành kế hoạch. Khi doanh nghiệp xây dựng được giá thành kế hoạch thì mới báo giá, định giá; lập ngân sách; mua vật tư hợp lý; so sánh giá thực tế (để kiểm soát chi phí)... từ đó tính được sản lượng hòa vốn và quyết định giá bán sản phẩm” - ông Trần Vũ Lê phân tích.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Start-up và bài toán quản trị chi phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO