(QNO) - Startup sách nói Fonos vừa gọi vốn thành công 1,1 triệu USD qua 2 vòng tài trợ hạt giống, do AngelCentral Syndicate có trụ sở tại Singapore dẫn đầu.
Các nhà đầu tư khác tham gia vòng này là HustleFund và iSeed, cùng với các nhà đầu tư thiên thần nổi bật trong nước như Thái Vân Linh, một nhà nổi tiếng trong chương trình truyền hình Shark Tank Việt Nam.
Fonos sẽ sử dụng nguồn vốn mới để mở rộng nội dung thư viện với các sản phẩm và dịch vụ như sách nói, tóm tắt sách, thiền có hướng dẫn và tham gia vào các loại nội dung âm thanh và văn bản mới.
Nhà đầu tư thiên thần (tiếng Anh: Angel Investor) thường là những cá nhân giàu có cung cấp vốn cho các công ty khởi nghiệp, thường là bằng tiền của chính bản thân họ.
Được thành lập vào năm 2020 bởi Oscar Jesionek và Xuan Nguyen, Fonos đã từng bước ghi tên mình vào không gian sách nói tại Việt Nam với các bản ghi âm tiêu chuẩn, do những người kể chuyện chuyên nghiệp thực hiện.
Startup này sản xuất các bản tóm tắt sách ngắn trong 10-15 phút, thiền có hướng dẫn, tin tức và các tùy chọn đọc ngoại tuyến. Fonos phát triển sách nói thành nhiều thể loại, từ tiểu thuyết, kinh điển, kinh tế đến khởi nghiệp... Trong số này, sách phi hư cấu là "ăn khách" nhất.
Tài trợ hạt giống (Seed Capital) là loại hình huy động dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trên thị trường, huy động thông qua những cá nhân, gia đình, người thân, bạn bè, các nhà đầu tư cá nhân. Thông thường, các nhà đầu tư cá nhân sẽ tập trung đầu tư vào giai đoạn đầu của quá trình khởi nghiệp để phát triển ý tưởng cho một doanh nghiệp hoặc một sản phẩm mới. Nguồn vốn này thường chỉ đủ để trang trải chi phí ban đầu cho đến khi có thể đề xuất ý tưởng kinh doanh cho nhà đầu tư mạo hiểm.
Nói về tầm nhìn của "siêu ứng dụng" này, nhà sáng lập kiêm CEO Jesionek bộc bạch: "Chúng tôi muốn có thứ gì đó tuyệt vời cho người nghe trong mọi tình huống. Chúng tôi đang lắng nghe những gì người dùng nói để phát triển nội dung thư viện cho phù hợp".
Jelinek cho biết, việc chuyển đổi sang nội dung âm thanh có trả phí hiện nay là một lợi ích cho ngành truyền thông ở Việt Nam, vì các công ty như Fonos có thể tái đầu tư vào các sản phẩm của họ.
Ông cho rằng, thế hệ trẻ Việt Nam có nhu cầu với nội dung âm thanh chất lượng cao, có thể nghe khi đang di chuyển chẳng hạn.
Nhà sáng lập nói thêm rằng: "Mọi người thường nghĩ rằng người Việt Nam sẽ không trả tiền cho nội dung số. Nhưng chúng tôi là một ví dụ. Và điều nói trên là không đúng".
Startup Fonos tuyên bố độc quyền sách nói cho hàng trăm cuốn sách bán chạy nhất của các tác giả Việt Nam và quốc tế. Công ty cũng đã hợp tác với nhiều nhà xuất bản sách hàng đầu trong nước như NXB Trẻ, Alphabooks, Thái Hà Books, Nhã Nam, Đông Á.
Bất chấp việc Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, Fonos ghi nhận tăng trưởng doanh thu hàng tháng tăng gấp 5 lần so với đầu năm. Cơ sở người dùng hoạt động hàng tháng của ứng dụng cũng tăng vọt lên hơn 80.000 chỉ trong tháng 8.
Thị trường nội dung âm thanh ở Đông Nam Á đã trở nên náo nhiệt hơn trong những năm gần đây. Không chỉ những người chơi nổi bật như Spotify và Apple Podcasts, mà ngay cả những startup như Clubhouse, cũng đang giúp các doanh nghiệp địa phương kiếm tiền.
“Họ cũng có một số nhược điểm. Ví dụ, họ thiếu nội dung địa phương”, CEO Jesionek nói. “Nếu bạn sử dụng Apple và Spotify, loại nội dung địa phương duy nhất mà họ có là podcast và chúng không phải là độc quyền. Vì vậy, chúng tôi không cạnh tranh về cùng một loại nội dung”.
Với dân số hơn 90 triệu người, cùng với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh nằm trong top 10 toàn cầu, Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất cho nội dung số trên thiết bị di động.
Dữ liệu eMarketer 2019 về lượng người nghe âm thanh kỹ thuật số và sử dụng trợ lý giọng nói cho thấy, cơ sở người nghe âm thanh kỹ thuật số vượt hơn 300 triệu người ở khắp các quốc gia, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Vì vậy, ngoài Việt Nam, Fonos đang chú ý đến các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á.
Jesionek chia sẻ: “Chúng tôi đang quan sát các thị trường, nhưng trong ngắn hạn, chúng tôi không lên kế hoạch để vươn ra quốc tế ngay bây giờ. Chúng tôi nhận thấy rằng, Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển".