Mười tháng đầu năm 2013, chủ quán An Sơn chỉ tiêu thụ mỗi tháng trên dưới 20m3 nước máy của sinh hoạt của Công ty Cấp thoát nước TP. Tam Kỳ. Nhưng tháng 11 vừa qua, “khổ chủ” nhận hóa đơn thanh toán tiền hơn 100m3.
Hóa đơn tiêu thụ nước của cơ sở kinh doanh ăn uống An Sơn, số 38 đường Tôn Đức Thắng, TP.Tam Kỳ trong tháng 11 tăng gấp 5 lần so với các tháng bình thường.Ảnh: B.H |
Bà Nguyễn Thị Sen, chủ quán An Sơn (số 38 Tôn Đức Thắng, TP. Tam Kỳ, thuê lại mặt bằng của ông Dương Quế) cho biết, bà mở quán kinh doanh hơn 2 năm nay, ngoài việc hợp đồng với Công ty Cấp thoát nước TP. Tam Kỳ để sử dụng nước máy, bà còn sử dụng nước giếng bơm. Mười tháng qua, bình quân mỗi tháng cơ sở kinh doanh ăn uống của bà sử dụng trên dưới 20m3 nước với tiền thanh toán dao động 120 nghìn đồng. Đùng một cái, tháng 11 vừa qua, bà Sen nhận hóa đơn thanh toán tiền nước lên đến hơn 920.000đ (tương đương 104m3). Choáng váng trước sự tăng vọt số mét khối nước sử dụng và số tiền phải thanh toán, gia đình bà Sen đã đến Công ty Cấp thoát nước TP. Tam Kỳ để tìm hiểu nguyên do, song nhiều lần đều không gặp được lãnh đạo công ty, nhân viên kỹ thuật thì giải thích thiếu thuyết phục.
Ông Võ Văn Tuấn (chồng bà Sen) bức xúc: “Vì cứ tưởng do sự cố kỹ thuật của đồng hồ đo nước, hoặc đường ống bị rò rỉ, tôi thử móc đất lên xem, nhưng chẳng có dấu hiệu nào cho thấy hư hỏng cả. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước máy của quán tôi không tăng, thậm chí doanh thu buôn bán thấp hơn mọi tháng trước. Quán tôi chỉ bắc duy nhất đường ống nước máy, còn lại sử dụng hệ thống giếng bơm”. Ông Tuấn cũng cho biết thêm, 4 - 5 tháng nay, nhân viên công ty không hề đến ghi chữ số đồng hồ nước.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hóa đơn tiền nước tăng vọt lên gấp nhiều lần tại ở cơ sở kinh doanh An Sơn của bà Sen cũng thường xảy ra đối với các gia đình, đơn vị sử dụng nước máy trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Ngoài lý do khách quan do đường ống rò rỉ, hư hỏng, còn có sự thiếu trách nhiệm của nhân viên đo chỉ số đồng hồ nước. Không ít nhân viên có thói quen áng chừng, chỉ căn cứ vào chữ số đồng hồ cũ của tháng trước rồi tiếp tục ghi vào hóa đơn tháng sau mà không xem con số thực tế trên đồng hồ nước. Đến cuối năm bàn giao sổ sách, kiểm tra thực tế đồng hồ, mới choáng váng trước số mét khối nước tiêu thụ của “khổ chủ” đội lên bất thường.
Ông Bùi Tấn Thiệp - Giám đốc Công ty Cấp thoát nước TP.Tam Kỳ cho biết: “Khi có ý kiến của khách hàng, chúng tôi sẽ chỉ đạo nhân viên đến kiểm tra, nếu có sự cố lập tức sẽ khắc phục hậu quả”. Chúng tôi hỏi: “Nếu lỗi thuộc về công ty thì công ty có chia sẻ thiệt thòi với khách hàng không?”. Ông Thiệp cho rằng, điều đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đơn cử như khách hàng phản ảnh nhiều lần mà nhân viên ngành nước không đến sửa chữa, thì công ty sẽ tính toán lại. “Cơ bản là khách hàng phải chịu trách nhiệm rủi ro vì chúng tôi là doanh nghiệp mà” - ông Thiệp nói. Rõ ràng, cách giải thích của người đứng đầu ngành cấp thoát nước TP.Tam Kỳ là không thỏa đáng và thiếu thuyết phục.
BÍCH HẠNH