Từ nhiều năm nay, các con sông Tiên, Bồng Miêu, Quế Phương… ở nhiều thời điểm, vị trí khác nhau qua quan trắc có dấu hiệu bị ô nhiễm nặng. “Sát thủ” tàn phá môi trường không chỉ là giới thổ phỉ mà có cả “lá bùa” giấy phép khai thác vàng bị lợi dụng.
|
Bên trong khu vực bãi chứa quặng của doanh nghiệp. Ảnh: HỮU PHÚC |
Bất an...
Từ nhiều năm nay, khi mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, Phú Ninh) thuộc Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu đóng cửa mỏ để thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, thì quanh khu vực rộng hàng chục héc ta này trở thành “đại bản doanh” cho giới khai thác vàng trái phép. Lực lượng công an ráo riết ra quân truy quét, tuy tình hình khai thác vàng trái phép không còn nóng bỏng như trước đây nhưng vẫn dai dẳng. Dọc đường dẫn vào trung tâm xã không khó bắt gặp người dân vận chuyển bao tải quặng bằng xe máy. Các dụng cụ tuyển lọc, đào đãi vàng còn chứa trong nhà dân. Thời gian qua, các con sông nằm sát bãi vàng thổ phỉ như Bồng Miêu, Tiên Phước, sông Trạm, Quế Phương… đã đổi màu đục ngầu, nguồn nước có thời điểm bị ô nhiễm vì các chất hóa học. Đây là hậu quả của việc “vàng tặc” dùng chất độc cyanua cho quy trình tuyển vàng. Cá chết, nguồn thủy sinh có dấu hiệu cạn kiệt, người dân địa phương lo lắng về chất lượng nguồn nước sinh hoạt. Vùng giáp ranh xã Tam Lãnh (Phú Ninh) và Tiên Lập (Tiên Phước) trở thành điểm đến của nạn đào bới lòng đất lấy quặng vàng. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã yêu cầu chính quyền các địa phương, Công an tỉnh tiếp tục chỉ đạo Công an huyện Phú Ninh, Tiên Phước tăng cường tuyên truyền và truy quét, kiểm tra xử lý đối tượng khai thác khoáng sản trái phép khu vực giáp ranh này.
Nỗi bất an của người dân địa phương như tăng lên khi mấy ngày qua, sự cố vỡ đập chứa quặng của Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghệ 6666. Gặp cán bộ của đoàn công tác hay phóng viên, người dân thôn Trà Sung (xã Tam Lãnh) đều kéo đến bày tỏ bức xúc của mình. Quặng thải trong ao chứa của công ty luôn ở trạng thái đầy, nguy cơ dễ tràn nước thải ra suối, khu dân cư khi có mưa lớn là điều khó tránh khỏi. Ông Trần Quốc Danh - Trưởng phòng TN&MT huyện Phú Ninh có mặt tại khu vực bãi chứa thải của công ty cho hay, báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường cho dự án xử lý quặng đuôi khá bài bản, nhưng quá trình thực hiện thì ngược lại. Nhiều hạng mục công ty phát sinh nhưng chẳng báo cáo gì với cấp có thẩm quyền. Sở TN&MT nhận định, sau khi Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu dừng hoạt động khai thác vàng cho đến nay, vấn đề môi trường diễn biến phức tạp, đặc biệt là việc khai thác vàng trái phép, cùng với việc hoạt động của Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666 tại khu vực chưa đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, dẫn đến tình trạng ô nhiễm, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư khu vực.
Cần xử lý kiên quyết
Các mẫu nước thải do Cục Môi trường miền Trung và Tây Nguyên (thuộc Bộ TN&MT) lấy từ khu vực bãi chứa quặng chưa có kết quả, nhưng báo cáo ban đầu của các ngành chức năng đều cho thấy, Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghệ 6666 vẫn duy trì hoạt động sản xuất, dù trước đó Bộ TN&MT, UBND tỉnh đã yêu cầu đơn vị dừng hoạt động, khắc phục các tồn tại, thiếu sót trong công tác bảo vệ môi trường.
Hệ thống chế biến quặng đuôi của Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghệ 6666. Ảnh: TRẦN HỮU |
Báo cáo của Sở TN&MT viện dẫn thông tin cung cấp của Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh có nêu, ngày 9.3.2018, Tổ công tác của Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh tiến hành kiểm tra hoạt động của Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666 tại thôn Bồng Miêu (xã Tam Lãnh) với kết quả như sau: công ty đang có hoạt động vận chuyển, chế biến quặng thải từ đập thải số 3 của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu. Theo trình bày của công ty thì doanh nghiệp tiếp tục đi vào hoạt động tận thu, vận chuyển, chế biến khoáng sản từ quặng thải của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu từ ngày 3.3.2018. Doanh nghiệp sử dụng 1 máy bơm để bơm quặng thải từ đập số 3 về trạm trung chuyển, sau đó sử dụng 2 máy bơm để bơm quặng lên nhà máy tuyển nổi để tuyển quặng. Tại nhà máy tuyển nổi có 16 bể khuấy để tuyển nổi phần quặng có chứa quặng (chì), phần thải ra được dẫn về đập thải. Sản phẩm quặng chì hiện có tại nhà máy khoảng 10m3; hóa chất sử dụng tuyển nổi gồm có H2O2 và dầu thông. Khối lượng quặng thải tập kết tại đập thải của công ty khoảng 1.000m3. Ngoài ra, có một tổ công nhân đang tiến hành ngâm ủ quặng tại 5 bể (mỗi bể có chứa 15m3 quặng) để tuyển lấy vàng. Khu vực bãi đập thải do công ty tự xây dựng từ cuối năm 2017 có lót bạt chống thấm để chứa quặng thải từ quá trình tuyển nổi quặng. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện tại trạm trung chuyển quặng của công ty có phát sinh nước thải ra khu vực suối Trang và tổ công tác tiến hành lấy một mẫu nước thải này để phân tích, đánh giá.
Về sai phạm của Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666, ý kiến của Sở TN&MT có nhiều điểm tương đồng với UBND huyện Phú Ninh. Trong đó, điểm mấu chốt là công ty không thực hiện đúng các yêu cầu của UBND tỉnh tại Công văn số 5897/UBND-KTN ngày 30.10.2017. Cụ thể, không thực hiện việc dừng toàn bộ hoạt động khai thác, sử dụng quặng tại các bãi thải mỏ vàng Bồng Miêu và hoạt động vận chuyển, tuyển, chế biến quặng đuôi tại bãi thải mỏ vàng Bồng Miêu, xưởng chế biến tận thu kim loại vàng, chì ở khu vực suối Trang và xưởng chế biến tận thu kim loại vàng ở khu vực Hố Lò 5 để xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường. Việc công ty sử dụng biện pháp phá bờ đập để kéo xe gây ra hiện tượng nước từ trong đập thải chảy ra sông là không đúng quy định về bảo vệ môi trường, gây bức xúc trong cộng đồng nhân dân. Ông Bùi Văn Ba - Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT) cho hay, Bộ TN&MT đang xây dựng đề án đóng mỏ vàng Bồng Miêu nhưng đến nay vẫn chưa phê duyệt. Khi nào phê duyệt đề án đóng cửa mỏ, bước tiếp theo là thi công đề án cải tạo, phục hồi môi trường, cuối cùng bàn giao về địa phương quản lý.
Nhiều năm qua, UBND tỉnh phát đi thông điệp rõ ràng trong bảo vệ môi trường bằng việc tuyên chiến với “vàng tặc”, kể cả cứng rắn đình chỉ hoạt động của Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghệ 6666. Và với những sai phạm xảy ra ở “miền đất vàng” này, người dân đang chờ đợi một cách xử lý kiên quyết để bảo vệ môi trường tại địa phương.
Chưa xác định nguyên nhân gây cá chết ở sông Bồng Miêu Về nguyên nhân gây cá chết, theo Sở TN&MT, tại khu vực suối Trang chảy ra sông Bồng Miêu có nhiều nguồn thải, trong đó bao gồm các hoạt động khai thác vàng trái phép và có cả nước thải của Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666. Do vị trí có cá chết (theo báo cáo của Đồn Công an xã Tam Lãnh) cách điểm bờ hồ bị vỡ khoảng 1km nên chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây cá chết trên sông là vì nước thải của công ty gây ra. Trong một diễn biến khác, ngày 19.3, ông Trương Quốc Sỹ - Giám đốc Công ty CP Tập đoàn khoáng sản công nghiệp 6666 ký tờ trình gửi cơ quan truyền thông và báo chí để “giải trình” thêm một số thông tin. Nội dung văn bản cho rằng, Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu hết hạn giấy phép khai thác, Công ty CP Tập đoàn khoáng sản 6666 cũng đang tạm dừng hoạt động để chờ Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu hoàn thành thủ tục đóng cửa mỏ, thì công ty 6666 mới hoạt động trở lại. Chiều 16.3, công ty đã đưa một xe múc đất vào khu vực đập bãi thải để san gạt bờ đập, mục đích trồng cây bảo vệ thân đập. Trong quá trình san lấp, xe múc bị sa lầy nên đơn vị cho một chiếc xe khác vào kéo lên. Lúc này, do xe bị lún sâu nên đơn vị có hạ một đoạn bờ đê và nước có tràn ra ngoài khoảng 5 - 10m3. Đây là nước mưa lâu ngày đọng lại tại đập bãi thải; lâu nay công ty đã tạm ngưng hoạt động nên không phải nước độc thải ra từ khâu sản xuất. Theo nội dung tờ trình, từ ngày được cấp phép hoạt động tại bãi vàng Bồng Miêu, công ty luôn tuân thủ theo các quy định của pháp luật, vì đơn vị đã bỏ ra số tiền rất lớn đến gần 62 tỷ đồng để đầu tư. Đơn vị đang tạm ngừng hoạt động, dẫn đến tình trạng trang thiết bị bị hoen gỉ, hư hỏng, nợ lương công nhân, nên rất mong sự giúp đỡ của UBND tỉnh, các sở, ban ngành cùng các cơ quan báo chí. |
TRẦN HỮU