Sứ đoàn Anh "ghé" Đà Nẵng

LÊ THÍ 13/11/2022 07:55

Cách đây gần 230 năm, sứ đoàn của Anh trên đường sang Trung Hoa đã “bất đắc dĩ” ghé vào Đà Nẵng.

Đại sứ George Macartney.
Đại sứ George Macartney.

Giữa sứ đoàn và triều đình Cảnh Thịnh (nhà Tây Sơn) có những quan hệ ngoại giao bước đầu khá thú vị. Giá ngày đó tạo được mối quan hệ giao thương với Anh biết đâu nước ta sẽ tránh được cuộc xâm lăng của người Pháp do sự “tranh chấp” giữa hai nước châu Âu này.

Sứ đoàn Macartney

Việc buôn bán với nước ngoài của Trung Hoa trong thế kỷ 18 được quy định bởi “Hệ thống Quảng Châu”. Hệ thống này đến thời Càn Long có những quy định rất nghiêm ngặt và luôn trong trạng thái cảnh giác, như tàu nước ngoài chỉ được giao thương ở Quảng Châu, người Trung Hoa không được dạy tiếng Trung cho thương nhân nước ngoài và thương nhân không được mang phụ nữ đến Trung Hoa.

Người Anh cảm thấy bị “câu thúc” bởi Hệ thống Quảng Châu, mặt khác để giải quyết tình trạng mất cân đối ngày càng tăng trong cán cân mậu dịch giữa hai nước và nhất là nhằm mở rộng công cuộc thương mại của mình, Thủ tướng Anh quyết định cử một sứ đoàn đến Trung Hoa gặp trực tiếp hoàng đế Càn Long để giải quyết tình trạng này, cụ thể là yêu cầu Trung Hoa mở thêm các cảng mới cho thương mại của Anh, cho thành lập đại sứ quán ở Bắc Kinh, nhượng một đảo nhỏ ven biển cho người Anh sử dụng, nới lỏng các hạn chế về thương mại.

Sứ đoàn do đại sứ Geoge Macartney dẫn đầu. Đoàn tùy tùng gần 100 người trong đó đặc biệt có một số nhà khoa học và ba linh mục Công giáo người Trung Hoa làm thông ngôn. Họ di chuyển trên ba chiếc tàu khởi hành ở cảng Portsmouth ngày 26/9/1792.

Khi đến vùng biển Indonesia vào khoảng tháng 3/1793 đoàn bắt đầu gặp sự cố. Lúc này nhiều thành viên trong sứ đoàn không chịu nổi cái nóng của vùng Xích đạo đang vào thời kỳ mặt trời lên thiên đỉnh, một số thành viên mắc bệnh sốt và kiết lỵ. Khi đến vùng biển nước ta thì gió mùa tây nam chưa hoạt động, dịch bệnh càng tăng nên sứ đoàn quyết định lên đất liền để tạm nghỉ.

Lúc đầu họ định dừng lại ở đảo Côn Lôn, nhưng khi những chiếc tàu to cập bến, dân trên đảo để lại một ít lương thực cùng mảnh giấy cầu xin “khách lạ” nhận chút của cải khiêm tốn và tha cho ngôi nhà của họ rồi bỏ chạy vào núi trốn biệt. Trước tình cảnh đó sứ đoàn phải nhổ neo lên đường và cập cảng Đà Nẵng, nơi mà họ đánh giá là “về mặt an toàn và thuận tiện ít có vịnh biển nào của phương Tây sánh được và vượt trội hơn nó” (Barrow, Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà, trang 23). Họ đến đây ngày 24/5, lưu lại đến 16/6 thì lên đường sang Trung Hoa.

Những quan hệ ngoại giao lý thú

Sau những e ngại ban đầu, mối quan hệ giữa sứ đoàn với người dân và chính quyền Đà Nẵng được cải thiện. Thủy thủ đoàn đã lên bờ ngắm cảnh và tìm hiểu. Nguồn cung cấp lương thực thực phẩm cho đoàn tàu ngày càng tốt hơn. Họ được chiêu đãi những bữa cơm công cộng còn các quan chức địa phương cũng thường xuyên đến thăm tàu (chủ yếu là để được uống các loại rượu mạnh).

Tin sứ đoàn Anh ghé Đà Nẵng được tấu trình về Huế, triều đình Cảnh Thịnh liền cử một đại thần vào Đà Nẵng để tìm hiểu. Vị đại thần này mang theo một bức thư của Cảnh Thịnh với lời lẽ rất “thân thiện”. Trong thư nhà vua mời viên chỉ huy ra thăm Phú Xuân. Nhà vua cũng gửi quà tặng sứ đoàn gồm “10 con nghé, 50 con lợn thiến, khoảng 300 con gà vịt cùng hoa quả, bí ngô, cà, hành và nhiều loại rau khác” (Sđd, trang 61). Viên chỉ huy gửi thư phúc đáp xin từ chối việc viếng thăm kinh đô do không có thời gian, kèm theo thư là quà tặng gồm: “Một đôi súng lục bằng đồng thau có lắp lưỡi lê lò xo, một thanh gươm có chuôi thép, nhiều tấm vải bông to và những tấm vải khổ rộng màu đỏ tươi” (Sđd trang 63).

Sau đó vua Cảnh Thịnh cũng gửi thêm lá thư thứ hai “với một vài đề nghị gián tiếp nhằm thiết lập mối giao dịch buôn bán giữa hai nước” (trang 63) và cũng không quên kèm theo quà tặng khá hậu: “một cặp ngà voi, 10 bao hạt tiêu và 3.000 bao gạo (mỗi bao nặng chừng 70 pound) tổng cộng khoảng 100 tấn” (trang 65).

Tổng trấn Quảng Nam cũng tổ chức một bữa tiệc chiêu đãi trọng thể với các món “thịt bò, thịt heo và cá thái ra từng miếng nhỏ trộn với rau, nấu thành canh và nước dùng với rất nhiều gia vị” (trang 61). Cuối tiệc được uống trà và đi xem hát. Vào ngày 4/6 viên chỉ huy có lên bờ và tham dự một bữa tiệc chiêu đãi khác.

Sứ đoàn cũng gây ra 3 “sự cố”, tuy hậu quả không nghiêm trọng nhưng đã làm sứt mẻ cái nhìn thiện cảm ban đầu. Một số thành viên trong đoàn đã làm một việc “thiếu thận trọng” là ra bờ biển trên vịnh Đà Nẵng để đo đạc tính toán làm cho viên quan cai quản nơi đây “bày tỏ sự không hài lòng” vì đã “xâm phạm chủ quyền đất nước”! Một sĩ quan của tàu Lion đã “đi thăm dò dòng sông dẫn đến Faifo” (sông Cổ Cò). Viên sĩ quan và các thủy thủ bị bắt giam vào một pháo đài. Chính quyền Quảng Nam đã “phàn nàn gay gắt” còn Đại sứ Anh thì giả vờ “không hề biết gì về sự việc”. Trong bữa tiệc ngày 4/6 sứ đoàn đã không theo các nghi thức ngoại giao được quy định, là họ sẽ bái lạy hương án biểu tượng cho nhà vua. Đây là một sai sót rất đáng quan ngại.

Tác phẩm quan trọng của ngành Việt Nam học

Bốn năm sau chuyến đi, John Barrow (1764 - 1848) - người tham gia sứ đoàn với tư cách là quản gia của Đại sứ Macartney đã viết một tập bút ký mang tính du ký - du khảo với tên A voyage to Cochinchina in the years 1792 and 1793: containing a general view of the valuable Cochinchina productions and the political importance of this flourishing Kingdom; and also of such European settlements as were visited on the voyage; with sketchs of the Manners, Character and Condition of their several inhabitants, to which in annexed an Account of a Journey made in the year 1801 and 1802 to the Residence of the Chief of the Booshuana nation…, gọi tắt là A voyage to Cochinchina (Một chuyến du hành đến Nam Hà). Quyển sách được xuất bản lần đầu vào năm 1806 ở Luân Đôn.

Trong sách có ba chương 9, 10, 11 nói về xứ Đàng Trong (nhưng chủ yếu về Quảng Nam) với khoảng 130 trang. Năm 2008, Nguyễn Thừa Hỷ đã trích 3 chương đó, dịch ra tiếng Việt và cho xuất bản với tiêu đề: Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793). Đây là tác phẩm quan trọng vì: “Các nhà dân tộc học lịch sử có thể thấy ở đây những kiến thức bổ ích về đời sống Việt truyền thống ở phần đất phía Nam, từ cách ăn uống, phục sức, nhà ở, đi lại, những nông sản, hải sản, nghề thủ công đến những phong tục tập quán tín ngưỡng, những điều mê tín dị đoan…” (Nguyễn Thừa Hỷ - Lời tựa bản dịch Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793), trang 12).

Đặc biệt trong sách Barrow đã cảnh báo âm mưu, sự dòm ngó của Pháp và phân tích những lợi ích nhiều mặt nếu Anh có được mối giao thương với khu vực này. Rất tiếc cả hai bên đều không lưu ý đến ý kiến của J. Barrow.

Với tác phẩm này, J Barrow cùng với Christophro Borri (tác giả “Xứ Đàng Trong” 1621) được xem là những người phương Tây đầu tiên của ngành Việt Nam học!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sứ đoàn Anh "ghé" Đà Nẵng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO