(QNO) - Thời gian gần đây, những kẻ lừa đảo sử dụng công nghệ deepfake không chỉ tạo khuôn mặt mà còn tạo giọng nói giống người thân quen để yêu cầu chuyển tiền. Nhiều nạn nhân đã sập bẫy với số tiền lớn.
Giăng bẫy tinh vi
Một người đàn ông gọi đến bà Ruth Card với giọng nói nghe giống cháu trai Brandon của bà, rằng anh ta đang ở trong tù, không có ví hay điện thoại di động và cần tiền để được tại ngoại.
Bà Ruth Card (73 tuổi) cùng chồng - ông Greg Grace (75 tuổi) vội đến ngân hàng ở Regina, tỉnh Saskatchewan (Canada) để rút khoảng 2.207 USD chuyển cho người gọi mà bà nghĩ là cháu trai của bà.
Nhưng ngân hàng tại đó kịp thời ngăn chặn vụ chuyển tiền trên và cho bà Ruth Card biết bà là nạn nhân của tội phạm lừa đảo vì người gọi đến không phải cháu trai của bà mà sử dụng AI để giả giọng như vậy.
Nhưng không phải ai cũng may mắn như vợ chồng bà Ruth Card.
Vào năm 2019, một công ty năng lượng bị lừa 243 nghìn USD khi bọn tội phạm mô phỏng giọng nói ông chủ công ty mẹ, ra lệnh cho một nhân viên chuyển tiền cho một nhà cung cấp.
Thống kê từ Cục Điều tra liên bang (Mỹ), chỉ trong năm 2022, số tiền các cá nhân bị lừa đảo chiếm đoạt qua mạng tại Mỹ hơn 10 tỷ USD, gần gấp đôi so với năm 2021. Riêng số tiền bị lừa bằng ghép giọng khoảng 11 triệu USD.
Kẻ lừa đảo chỉ cần một đoạn âm thanh ngắn về giọng nói người thân quen của bạn, có thể dễ dàng truy cập trực tuyến nếu giọng nói đó từng đăng âm thanh hoặc video lên mạng, như qua Facebook, Zalo, TikTok, sau đó đưa đoạn âm thanh đó vào một chương trình nhân bản giọng nói do AI cung cấp.
Hai chuyên gia bảo mật Matthew và Christopher Schwartz của Học viện Công nghệ Rochester (Mỹ) cho biết cho biết, với những tiến bộ không ngừng trong thuật toán học sâu, cải tiếng kỹ thuật và chỉnh sửa âm thanh khiến cho chất lượng các giọng nói được tạo bởi máy tính ngày càng khó phân biệt với giọng người thật.
Cảnh giác hành vi lừa đảo
Trước tiên, theo các chuyên gia, nếu nhận được cuộc gọi hoảng hốt từ người thân quen, điều đầu tiên mọi người cần làm là cố gắng giữ bình tĩnh.
Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) khuyến cáo, đừng tin ngay vào giọng nói hay hình ảnh khuôn mặt, đôi khi rất chập chờn. Mọi người nên gác máy ngay lập tức và sau đó cố gắng liên lạc với người gọi đến qua số điện thoại mà bạn biết là của họ. Nếu không thể liên lạc, hãy cố gắng liên hệ với người thân, bạn bè để xác minh.
Ngoài ra, có một số dấu nhiệu nhất định mà mọi người có thể chú ý trong suốt cuộc gọi. Nếu có lời đề cập bất cứ điều gì về chuyển tiền, gửi tiền điện tử hoặc thậm chí chỉ mua thẻ quà tặng hay cung cấp số thẻ và mã PIN ngân hàng, thì đó là những dấu hiệu cảnh báo lừa đảo đảo.
Hãy thử hỏi người gọi một câu hỏi cá nhân mà chỉ người thân của bạn mới biết câu trả lời, đơn giản như hỏi họ tên thú cưng, thành viên gia đình hoặc thông tin cá nhân khác của bạn... hoặc có thể kiểm tra vị trí của người thân để xem vị trí đó có khớp với nơi cuộc gọi nói hay không.
Nên cẩn thận với thông tin nhận dạng cá nhân, như số an sinh xã hội, địa chỉ nhà riêng, ngày sinh, số điện thoại, tên đệm và thậm chí cả tên của con cái và thú cưng để tránh để tội phạm khai thác...