Sử dụng công nghệ để cứu hộ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ

AN TRƯƠNG 11/02/2023 10:17

(QNO) - Hàng nghìn kỹ sư công nghệ thông tin đã cùng nhau xây dựng các ứng dụng giúp công tác cứu hộ thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria diễn ra hiệu quả hơn.

Hơn 11.000 người được cho là đã thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7,8 độ xảy ra vào đầu giờ sáng ngày 6/2 và một cơn dư chấn 7,5 độ vài giờ sau đó. Ảnh: Getty Images.
Lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm nạn nhân trong vụ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty Images

Huy động sức mạnh cộng đồng

Furkan Kilic và Eser Özvataf thức dậy ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào sáng 6/2 với tin tức về trận động đất đã khiến các khu vực rộng lớn ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Tây Syria trở thành đống đổ nát. Kilic nói với trang tin Wired: “Chúng tôi rất đau lòng trước những gì đang xảy ra ở đất nước mình”.

Cặp đôi ngay lập tức bắt tay vào thực hiện một dự án để hỗ trợ công tác cứu hộ. Kilic là nhà sáng lập còn Özvataf là giám đốc công nghệ của công ty khởi nghiệp phần mềm Datapad. Cả hai đều là thành viên nổi tiếng trong giới công nghệ Thổ Nhĩ Kỳ với gần 30 năm kinh nghiệm.

Họ bắt đầu huy động các đồng nghiệp qua Twitter và chỉ trong vài giờ, họ đã cùng nhau tập hợp một nhóm phản ứng nhanh, được gọi đơn giản là “Earthquake Help Project” (Dự án trợ giúp động đất - PV), sử dụng công nghệ để giúp đỡ các tổ chức phi chính phủ và các đội cứu hộ trên mặt đất.

Đến ngày 7/2, họ đã có 15 nghìn kỹ thuật viên, nhà thiết kế, quản lý dự án và những người khác từ khắp nơi trên thế giới tham gia xây dựng các ứng dụng, bao gồm cả ứng dụng giúp xác định vị trí người gặp nạn và phân phát viện trợ khi cần thiết.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng trong khi các dịch vụ địa phương nỗ lực phục hồi sau thảm kịch. Lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm những người sống sót dưới các tòa nhà bị sập, nhưng việc tìm kiếm đã bị cản trở bởi tuyết, mưa và cái lạnh khắc nghiệt.

Một trong những công cụ đầu tiên của Earthquake Help Project là một ứng dụng quét mạng xã hội để tìm các cuộc gọi yêu cầu trợ giúp rồi định vị vị trí các cuộc gọi đó, hiển thị chúng trên bản đồ nhiệt để những người ứng cứu có thể biết người cần trợ giúp đang ở đâu.

Nhóm cũng đã xây dựng các cổng thông tin và ứng dụng đối chiếu các đề nghị hỗ trợ, thu thập thông tin về những việc cần làm và người cần liên hệ, đồng thời cho phép mọi người báo cáo xem họ có an toàn hay cần trợ giúp hay không.

Tất cả dự án đều là mã nguồn mở và các nhà phát triển đang phải đổi mới để làm cho các công cụ của họ nhẹ nhất có thể do kết nối internet đã bị gián đoạn ở các khu vực bị ảnh hưởng. Kilic cho biết: “Chúng tôi đang sử dụng HTML thuần túy trong một số dự án của mình để tăng tốc thời gian tải trang”.

Dự án hiện chỉ tập trung vào Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Kilic và những người bạn đang cố gắng tìm cách kết nối với các tổ chức phi chính phủ của Syria và đang tìm kiếm các tình nguyện viên có thể giúp “bản địa hóa” các dự án sang tiếng Ả Rập.

Cho đến nay, các ứng dụng đã nhận được hơn 100 nghìn lượt truy cập và phản hồi rất đáng khích lệ. “Chúng tôi nhận được thông báo rằng mọi người đang được tìm thấy trong đống đổ nát và được cứu sống nhờ những ứng dụng này. Đây là tác động thực sự mà chúng tôi đã hy vọng” - Kilic mừng rỡ.

Cứu hộ truyền thống dần lạc hậu

Công nghệ mã nguồn mở đã trở thành một đặc điểm của ứng phó thảm họa trong hai thập kỷ qua. Các tình nguyện viên công nghệ thông tin ở Sri Lanka đã sử dụng phần mềm mã nguồn mở để điều phối các nỗ lực cứu trợ sau trận động đất và sóng thần ở Ấn Độ Dương.

Vào năm 2010, các tình nguyện viên trực tuyến đã sử dụng phần mềm lập bản đồ đám đông để ghi các nhu cầu theo thời gian thực lên các bản đồ công cộng trong trận động đất ở Haiti, một phần sử dụng công nghệ được phát triển ở Kenya để lập bản đồ các vụ bạo lực sau bầu cử năm 2007. Các công cụ tương tự đã được sử dụng ở Mỹ vào năm 2007 ứng phó với cơn bão Sandy năm 2012.

Bộ Công an Việt Nam cũng đã cử 24 chiến sĩ lên đường tham gia cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ với nhiều trang thiết bị hiện đại. Ảnh: Báo Thanh Niên.
Bộ Công an Việt Nam đã cử 24 chiến sĩ lên đường tham gia cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ với nhiều trang thiết bị hiện đại. Ảnh: Báo Thanh Niên

Năm 2015, hơn 3.000 tình nguyện viên kỹ thuật số đã sử dụng phần mềm nguồn mở để tạo bản đồ về các cộng đồng bị ảnh hưởng sau trận động đất lớn ở Nepal. Hội Chữ thập đỏ Mỹ và Chính phủ Nepal đã sử dụng rộng rãi thông tin này trong các hoạt động cứu trợ.

Amanda Levinson - người đồng sáng lập NeedsList, một công ty phần mềm ứng phó với khủng hoảng, cho biết trong nhiều năm qua họ đã chứng kiến sự sẵn lòng giúp đỡ của các kỹ sư công nghệ khi khủng hoảng xảy ra. Nhưng Levinson cũng lưu ý thêm rằng vấn đề cũng đến từ hệ thống nhân đạo thiếu sự đổi mới.

“Các lĩnh vực nhân đạo và cứu trợ thiên tai truyền thống đang “già” đi, bị cô lập và không thể theo kịp tốc độ của các cuộc khủng hoảng. Chúng ta cần những giải pháp mới” - Levinson trăn trở.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sử dụng công nghệ để cứu hộ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO