Đã đến lúc Quảng Nam cần lựa chọn nhà đầu tư để phát huy hiệu quả sử dụng đất ở các khu công nghiệp (KCN) lớn. Không tiếp nhận dự án gây hại đối với môi trường, kiên quyết thu hồi đối với dự án không triển khai... là những động thái bước đầu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại các KCN.
GIẢI PHÁP TRÁNH LÃNG PHÍ ĐẤT
Nhiều năm qua, tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc có nhiều doanh nghiệp (DN) thuê đất và nhà xưởng để sản xuất nhưng lại bỏ hoang, dẫn đến lãng phí...
Mua lại dự án
Công ty TNHH Hải Hà (lô 7, KCN Điện Nam - Điện Ngọc) ngừng hoạt động từ năm 2014 và phá sản. Đất và nhà xưởng rộng hơn 1,9ha bỏ hoang, xuống cấp. Năm 2019, ngân hàng phát mãi đấu giá, Ban Quản lý KCN Điện Nam - Điện Ngọc tham gia mua lại, sửa chữa nhà xưởng cho nhà đầu tư khác thuê sử dụng. Hơn 3,7ha đất và nhà xưởng trên đất của Công ty Valley View gần đó cũng được ban quản lý mua lại trong năm 2019, đang kêu gọi nhà đầu tư mới.
Từ năm 2016 đến nay tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc có 4 dự án với tổng diện tích gần 19ha của các DN ngừng hoạt động hoặc tuyên bố phá sản, được ban quản lý mua lại, tiếp tục cho nhà đầu tư mới thuê sản xuất.
Ông Nguyễn Ngọ - Trưởng ban Quản lý KCN Điện Nam - Điện Ngọc cho biết, việc đơn vị mua lại những dự án bỏ hoang nhằm chủ động kêu gọi đầu tư, nâng cao hiệu quả, tránh những trường hợp chuyển nhượng dự án dưới hình thức bất động sản, đi chệch mục tiêu sử dụng đất.
Không ít DN đã đóng cửa thời gian dài nhưng do chưa tuyên bố phá sản nên việc mua lại dự án khá khó khăn do chưa có quy định về việc thu hồi dự án ngừng hoạt động tạm thời. Ông Ngọ kiến nghị Nhà nước cần có những quy định bắt buộc đối với việc thu hồi đất nếu DN ngừng hoạt động trong một quãng thời gian nhất định, tránh trường hợp đất đai bị bỏ hoang lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại KCN.
“Theo quy định, dự án sau thời gian thuê đất 24 tháng nếu không triển khai đầu tư thì phải thu hồi. Tuy nhiên đối với dự án tạm dừng hoạt động thì chưa có văn bản nào quy định thu hồi. Chúng tôi cũng chỉ có thể hỗ trợ tìm kiếm, giới thiệu nhà đầu tư mới nếu DN yêu cầu. Đồng thời khuyến khích DN liên doanh liên kết để vực dậy hoạt động, kể cả bán lại, nhưng không phải DN nào cũng đồng ý” - ông Ngọ chia sẻ.
Không hiệu quả cần thu hồi
KCN Điện Nam - Điện Ngọc có tổng diện tích sau khi điều chỉnh là 357ha với 75 dự án đăng ký đầu tư, trong đó 67 dự án đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy hơn 94% (khoảng 20ha đất trống còn lại cũng đã được DN ký quỹ đầu tư). Tuy nhiên, trong tổng số 67 dự án đã và đang đăng ký hoạt động tại KCN, số dự án có diện tích dưới 1ha chiếm gần 10%, lại là những DN hoạt động kém hiệu quả, thậm chí nợ lương, nợ BHXH, giá trị sản lượng thấp.
Ông Đặng Thành Trung - phụ trách dự án KCN Điện Nam - Điện Ngọc (thuộc Công ty Phát triển đô thị và KCN Quảng Nam - Đà Nẵng) cho biết, đến nay có 19 dự án của DN không thể tiếp tục hoạt động được đơn vị thương thảo, mua lại, chuyển sang 22 dự án đầu tư mới thuê lại. Những dự án khác nếu vì lý do dịch bệnh chưa thể đầu tư xây dựng, công ty cũng sẽ phối hợp với các ban ngành liên quan đốc thúc DN đẩy nhanh tiến độ đúng cam kết thỏa thuận ban đầu, đơn vị nào không hợp tác sẽ đề xuất tỉnh có giải pháp xử lý nhằm tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất tại KCN.
Riêng một số dự án như Công ty TNHH Gia Dinh Việt Nam hay Công ty TNHH Việt Lý chưa thể xử lý được do chủ DN ở nước ngoài vướng dịch chưa thể qua lại Việt Nam nên phải chờ.
Ông Trung khẳng định: “DN nào không đầu tư hoạt động, để phí quỹ đất, chúng tôi thực hiện xử lý bằng con đường tòa án, hoặc thương lượng, giới thiệu đơn vị mới mua lại nhà xưởng để tiếp tục đầu tư. Do đó, số dự án triển khai chưa hết diện tích đất hoặc chậm triển khai tại KCN cũng đã được tỉnh gia hạn hầu hết nên nhìn chung tình trạng để trống đất tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc là không nhiều”.
TỶ LỆ LẤP ĐẦY CAO
Theo nhận định của các chủ đầu tư, đất công nghiệp hiện nay trở thành vốn quý bởi đã đến lúc hết chỗ để mở rộng, vì vậy việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả từng héc ta là điều rất cần thiết.
Điểm đến của nhà đầu tư
Hơn chục năm trở lại đây, Quảng Nam trở thành điểm đến của nhà đầu tư khi nhiều KCN hình thành, các chính sách thu hút đầu tư rộng mở. Cả tỉnh có 7 KCN lớn gồm Điện Nam - Điện Ngọc, Đông Quế Sơn, hậu cần cảng Tam Hiệp, Tam Thăng, Bắc Chu Lai, Thuận Yên, cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải. Những DN chủ đầu tư của các KCN này đã có nhiều nỗ lực kêu gọi, thu hút gần 200 dự án đầu tư vào các KCN.
Điển hình như KCN cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải có quy mô 243ha, đến nay tỷ lệ lấp đầy đạt 74%. Chủ đầu tư của KCN này - Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển hạ tầng KCN và đầu tư Chu Lai Trường Hải cho biết, các DN thuê đất hoặc thuê nhà xưởng đều sử dụng đất đúng mục đích thuê đất, đảm bảo tiến độ đầu tư theo quy định tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy phép xây dựng, phát huy hiệu quả sử dụng đất CN.
KCN Tam Thăng do Công ty TNHH MTV phát triển hạ tầng KCN Chu Lai làm chủ đầu tư, được triển khai từ năm 2015 đến nay đã đạt tỷ lệ lấp đầy 72,4% (diện tích đã cho thuê là 118,37/ 197,13ha diện tích quy hoạch). 24 dự án đầu tư vào KCN Tam Thăng chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Đức, Hồng Kông, với tổng nguồn vốn đăng ký gần 530 triệu USD và hơn 380 tỷ đồng. Đến nay, các dự án đã giải quyết việc làm cho 11.000 người.
Hoặc như KCN Bắc Chu Lai cũng do công ty trên làm chủ đầu tư, từ năm 2008 đến nay tỷ lệ lấp đầy giai đoạn 1 đạt 87,92%, giai đoạn 2 đạt 11,93%. Có 27 dự án đầu tư, tổng vốn 51 triệu USD và 4.817 tỷ đồng.
Theo nhận định của ông Vũ Hồng Nhân - Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai, việc sử dụng đất tại 2 KCN Tam Thăng và Bắc Chu Lai đang phát huy hiệu quả, góp phần vào sự thành công chung của Khu kinh tế mở Chu Lai.
Dần lấp đầy đất trống
Từ khi tiếp nhận nhiệm vụ làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN Đông Quế Sơn, Công ty CP An Thịnh Quảng Nam đã có nhiều cố gắng trong việc tiếp cận, quản lý các dự án cũ và xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án mới.
Theo ông Đặng Ngọc Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP An Thịnh Quảng Nam thì KCN đã thu hút 15 dự án, diện tích đất cho thuê là 34,58ha với tổng mức đầu tư hơn 19 triệu USD và 486 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy dần được nâng lên mức cao hơn trước, đã đạt 33,7% đất CN.
Khi tiếp nhận chủ đầu tư KCN này, công ty gặp không ít khó khăn, và những khó khăn đó đến nay vẫn tồn tại. Tuy vậy, công ty vẫn cố gắng khắc phục, kêu gọi, thu hút đầu tư để phát huy tối đa hiệu quả diện tích đất CN đã được giải phóng mặt bằng sạch và đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Ông Tuấn cho biết: “Để có thể đầu tư hạ tầng hoàn thiện và phát huy hiệu quả 211,26ha đất đã quy hoạch, công ty đề nghị UBND tỉnh, UBND huyện Quế Sơn sớm bố trí đất tái định cư cho hộ dân thuộc diện di dời, đảm bảo an cư cho dân và giải phóng mặt bằng thì công ty mới đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện.
Phải có mặt bằng sạch, thi công hạ tầng đảm bảo thì mới thu hút được nhà đầu tư đến với KCN. Quan điểm của công ty là sử dụng hiệu quả từng héc ta đất, kêu gọi đầu tư các dự án an toàn môi trường, công nghệ hiện đại, giải quyết được việc làm cho lao động địa phương và đóng góp vào sự phát triển của tỉnh”.
KHÓ THU HỒI DỰ ÁN KÉM HIỆU QUẢ
Vì nhiều rào cản nên rất khó thu hồi những dự án sử dụng đất công nghiệp không hiệu quả. Một số dự án kéo dài cả chục năm vẫn chưa thu hồi được.
Bên cạnh những dự án phát huy hiệu quả sử dụng đất CN, vẫn có những dự án được đầu tư trong giai đoạn đầu, đến nay bỏ hoang phí nhưng khó xử lý. Cụ thể, tại KCN Bắc Chu Lai, Công ty TNHH kính Phước Toàn với ngành nghề sản xuất kính, thuê 6,03ha đất. Dự án này bị chấm dứt hoạt động theo Quyết định số 58 ngày 13.4.2016 của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, đã ký thanh lý hợp đồng thuê lại đất. Nhưng đến nay chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai vẫn chưa thu hồi được đất.
Ông Vũ Hồng Nhân - Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai cho biết: “Hiện chưa thể thu hồi được đất do tranh chấp hợp đồng tài trợ giữa Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam và Ngân hàng Công Thương Việt Nam, do vướng tài sản trên đất của ngân hàng đang quản lý và liên quan thuế.
TAND tỉnh đã xử phúc thẩm ngày 25.5.2020 với kết quả là hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho TAND TP.Tam Kỳ giải quyết. Kết quả giải quyết cụ thể vẫn chưa có nên diện tích đất hơn 6ha để hoang phí mà chưa thu hồi được để giao cho nhà đầu tư khác”.
Hay như dự án của Công ty TNHH Thành Tài (sản xuất kẹo dừa) đã dừng hoạt động từ năm 2006, được thu hồi đất tại Quyết định số 1752 ngày 5.6.2014 của UBND tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được. Lý do cũng là vì tranh chấp tài sản trên đất giữa Công ty Thành Tài với ngân hàng. Vụ án được đưa đến tòa án nhưng vẫn chưa có phán quyết cụ thể.
Tại KCN hậu cần cảng Tam Hiệp do Trung tâm Phát triển hạ tầng (Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai) đầu tư, vẫn còn 4 dự án đã giao đất nhưng DN không đưa đất vào sử dụng theo đúng mục đích thuê ban đầu.
Cụ thể, Công ty CP Tín Hưng đăng ký đầu tư từ năm 2008, mở rộng lên 5,6ha năm 2014. Phần diện tích có xây dựng nhà máy là 4,2ha đã ngừng hoạt động, nợ ngân hàng nên Cục Thi hành án dân sự đang kê biên tài sản và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để thu hồi vốn trả ngân hàng.
Công ty TNHH MTV nhựa Đạt Hòa - Chu Lai (diện tích 18ha), Công ty CP Indusvalley Chu Lai (diện tích 9,6ha), Công ty TNHH MTV An An Hòa (diện tích 8,2ha) đều rơi vào tình trạng không đưa đất vào sử dụng, nên chủ đầu tư KCN kiến nghị thu hồi đất hoặc thanh kiểm tra mục đích sử dụng đất để yêu cầu DN thực hiện thủ tục và đầu tư theo quy định.
Ở KCN hậu cần cảng Tam Hiệp còn có 4 dự án đã dừng hoạt động gồm Công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng công trình Tranimexco, Công ty CP Bắc Giang, Công ty CP Dinco Chu Lai, Công ty TNHH thủy sản Trung Hải. Các công ty này hiện đóng cửa, dính nợ ngân hàng, chỉ có một vài lao động ở bảo vệ, giữ tài sản, có công ty thì không liên hệ được... khiến chủ đầu tư KCN khó xử lý những thủ tục liên quan, và cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý.
NÂNG HIỆU QUẢ SỬ DỤNG ĐẤT CÔNG NGHIỆP
Quan điểm của tỉnh Quảng Nam trong việc sử dụng đất công nghiệp (CN) giai đoạn hiện nay là tiết kiệm và hiệu quả để phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Không đánh đổi môi trường lấy dự án
Từ địa phương đứng áp chót về thu ngân sách, Quảng Nam đạt được thành quả như hiện nay là nhờ sự đóng góp rất lớn của ngành CN. Chúng ta cần xác định tồn tại của các KCN là một số dự án sử dụng đất quá ít so với diện tích thuê; nhiều dự án quá lâu không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả mà chưa xử lý được; một số dự án đã tổ chức thanh tra nhưng triển khai nửa vời, chưa có bộ phận theo dõi xử lý tập trung, dứt điểm vấn đề này. Việc chuyển nhượng dự án bằng cách thay đổi thành viên góp vốn, chuyển nhượng một phần dự án khiến việc xử lý các dự án tự chuyển nhượng với nhau gặp khó.
Cần tuyệt đối không tiếp nhận dự án dễ gây ô nhiễm môi trường, không đánh đổi môi trường để lấy dự án sản xuất, phải lựa chọn dự án chứ không tiếp nhận bất chấp. Cần sử dụng tiết kiệm đất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Vùng đông của tỉnh đã không còn khả năng mở rộng đất CN, nên tương lai sẽ phát triển CN về phía tây. UBND tỉnh yêu cầu cần kiên quyết thu hồi đất đối với các dự án thuê đất để đó mà không sử dụng, không tiến hành sản xuất. Các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế đối với hoạt động của DN trong các KCN. Đồng thời chủ đầu tư các KCN cần nâng cao trách nhiệm.
Đối với các dự án chậm, khó xử lý thì UBND tỉnh giao cơ quan chức năng thanh tra, thực hiện dứt điểm việc xử lý. Các dự án chậm vì lý do khách quan, chủ đầu tư KCN làm việc lại với DN, xem xét nhu cầu, khả năng DN như thế nào, rà soát lại toàn bộ để có sự điều chỉnh phù hợp.
Ông Lê Vũ Thương - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai: Lựa chọn nhà đầu tư cộng sinh
Đến giai đoạn này, chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh cần có quy định chung cho các công ty chủ đầu tư để họ đưa vào trong hợp đồng điều khoản về thời hạn thu hồi đất nếu DN thuê đất kéo dài không sử dụng. Bởi hiện nay trong các KCN đã xuất hiện trường hợp DN thứ cấp thuê đất nhưng không sử dụng mà bán lại dự án chưa triển khai (đã bị phát hiện kịp thời và thu hồi).
Một số dự án với sản phẩm CN không có giá trị gia tăng, không đóng góp lớn, không áp dụng công nghệ hiện đại vẫn đang tồn tại trong các KCN. Có DN không chịu trả phí môi trường, phí hạ tầng hoặc chỉ chịu nộp khi có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng xử lý vấn đề môi trường. Một số DN nợ nần khiến lao động bị thiệt thòi, xảy ra đình công, ngừng việc. Xung khắc môi trường trong các dự án ở nội bộ các KCN đã xảy ra.
Vì thế, giai đoạn tiếp theo, khi thu hút đầu tư cần xem sản phẩm của dự án như thế nào, có tham gia vào quy trình xuất khẩu, tạo ra giá trị cao, có đảm bảo môi trường. Khi quy định suất đầu tư phải kiểm soát thực hiện đầu tư làm sao cho đúng. Hiện nay, mỗi KCN thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai được định hướng thu hút những nhà đầu tư có sản phẩm cộng sinh, hỗ trợ cho nhau trong quá trình sản xuất, phát triển, tiêu thụ sản phẩm của nhau và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, hướng đến nền CN sinh thái.