Việc ứng dụng điện mặt trời trên tàu lưới vây QNa-90170 của ngư dân Võ Công Thảo (thôn Đông Tuần, xã Tam Hải, Núi Thành) đã đem lại giá trị kinh tế rõ rệt. Vì thế, cần nhân rộng mô hình, giúp ngư dân khai thác hải sản xa bờ hiệu quả hơn.
Sản xuất hiệu quả
Mới đây, Sở Khoa học & công nghệ tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu ứng dụng điện mặt trời trên tàu lưới vây Quảng Nam”, áp dụng trên tàu cá QNa-90170 có công suất máy chính là 450CV của anh Võ Công Thảo. Hôm chúng tôi đến, tàu của anh vừa trở về đất liền sau chuyến biển 10 ngày với 14 bạn biển. Anh cho biết chuyến biển rất đạt, khai thác được 25 tấn cá, trong đó có 22 tấn cá nục chuối và cá ngừ sọc dưa, chủ tàu thu được hơn 150 triệu đồng, mỗi “bạn” được chia hơn 10 triệu đồng. “Chuyến biển sản xuất trong điều kiện rất thuận lợi. Chúng tôi đã dùng bè đèn led để dụ cá, bọc chúng vào giữa vàn lưới vây và thu gom gọn ghẽ. Chỉ 4 lần thu lưới là hầm bảo quản hải sản đã đầy ắp” - anh Thảo phấn khởi nói.
Ngư dân Võ Công Thảo bên hệ thống điện mặt trời gồm 6 tấm pin lắp đặt trên khung inox. Ảnh: N.Q.V |
Theo phân tích của anh Thảo, so với trước đây dùng bè đèn thông thường để dụ cá thì bè đèn led được lắp đặt theo đề tài khoa học hoạt động hiệu quả hơn. Cụ thể, tiết kiệm được lao động, thao tác nhanh, không lo giật điện, thu hút cá hiệu quả ở cả bề rộng lẫn chiều sâu mặt nước biển và quan trọng nhất là đưa được đàn cá vào chính giữa vàn lưới nên thâu tóm chúng đúng “kịch bản”. “Từ khi lắp đặt, sử dụng bè đèn led dụ cá được hơn 5 chuyến biển, tôi thấy sản xuất rất thuận tiện” - anh Thảo nói.
Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng điện mặt trời trên tàu lưới vây Quảng Nam” do TS.Nguyễn Đức Sĩ, Trưởng bộ môn Hàng hải (Viện Khoa học và công nghệ khai thác thủy sản, Trường Đại học Nha Trang) làm chủ nhiệm. Hệ thống điện mặt trời gồm 6 tấm pin lắp đặt trên khung inox, bố trí theo hàng ngang, mỗi hàng có 3 tấm. Anh Thảo cho biết, điện mặt trời từ các tấm pin lắp đặt trên tàu được nạp đầy vào bình ắc quy cung cấp cho các bóng đèn led đặt ở buồng máy, buồng sinh hoạt, hệ thống máy hàng hải, đèn hàng hải và cung cấp điện cho bè đèn gom cá trên tàu lưới vây. Từ khi sử dụng đến nay, mỗi chuyến biển, tiết kiệm được vài triệu đồng mà hiệu quả sản xuất lại vượt trội. “Từ khi sử dụng đèn led, tôi thấy công bảo trì thấp mà loại đèn này lại rất bền, hiếm khi bị cháy. Đèn led ít tỏa nhiệt nên dễ dàng bố trí, có thể lắp đặt ở chỗ ngủ hoặc những chỗ mọi người hoạt động nhiều mà không sợ bị nóng, rất thuận tiện” - anh Thảo cho biết thêm.
Cần nhân rộng
Theo TS.Trần Tiến Phức, Trưởng khoa Điện - điện tử (Trường Đại học Nha Trang), chế tạo bè đèn led dùng điện 12VDC để dẫn dụ cá cho vàn lưới vây không khó mà lại cho kết quả nổi bật. Trên khung phao bằng ống nhựa PVC, ngư dân cần bố trí đèn pha có chỉ số IP = 67, trong đó có 12 đèn led loại 20W. Điều cần thiết là độ rọi khi bè đèn mới bật sáng phải phù hợp với độ rọi của số đèn dẫn dụ cá tắt sau cùng nhằm không làm thay đổi đột biến nguồn sáng để cá mất phương hướng và tản ra xa. Mặt khác, để tập trung cá trong vùng phủ của vàn lưới vây, độ rọi của bè đèn phải giảm dần ánh sáng. |
TS.Nguyễn Đức Sĩ cho biết, sau khi trực tiếp tham gia các chuyến biển thử nghiệm trên tàu cá QNa-90170 cho thấy đề tài rất khả quan. Cụ thể, các thông số ánh sáng của đèn led đo được trên và dưới mặt nước biển đều cao hơn so với đèn thông thường ngư dân Quảng Nam vẫn thường sử dụng. Các loài cá xuất hiện dưới nguồn sáng dẫn dụ của bè đèn led sớm hơn, tập trung dày đặc hơn so với đèn truyền thống. Tính trung bình, sau mỗi chuyến biển của tàu lưới vây, hiệu quả khai thác hải sản từ bè đèn led thu hút cá cao hơn đèn của tàu đối chứng ít nhất là 1,5 lần. Cùng với đó, có thể tiết kiệm được 78,5% tiền dầu dùng để chạy máy phát điện trong suốt chuyến biển. “Giá đầu tư đèn Led cao hơn không nhiều so với đèn cao áp thông thường mà giá trị thu lại vượt trội nên sử dụng đèn led cùng với điện mặt trời cho hiệu quả sản xuất cao hơn trên tàu lưới vây. Dùng điện mặt trời và đèn led còn là tiền đề để phát triển năng lượng tái tạo và đem lại độ an toàn cao hơn cho đội tàu sản xuất xa bờ của Quảng Nam” - TS.Nguyễn Đức Sĩ nói.
Sau khi trao đổi, tham quan về cách vận hành của các đèn led trên tàu lưới vây sử dụng điện mặt trời của ngư dân Võ Công Thảo, một số chủ tàu trên địa bàn huyện Núi Thành đã thử áp dụng bằng cách thuê lại hệ thống này từ một số công ty cung ứng và bước đầu cho hiệu quả khả quan. Các ngư dân cho biết sẽ tìm cách lắp đặt khi đã huy động được nguồn vốn hơn 300 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi, các ngư dân trên địa bàn huyện Thăng Bình và TP.Hội An đều am hiểu các tính năng thuận tiện, ưu điểm của hệ thống đèn led và điện năng mặt trời. Dù rất muốn nhưng do chi phí quá lớn nên họ chưa thể đầu tư. Vì vậy ngành khuyến ngư của tỉnh cần huy động các nguồn vốn, nhất là các cơ chế hỗ trợ của tỉnh, trung ương để nhân rộng mô hình, giúp ngư dân sản xuất hiệu quả hơn trong thời gian đến.
NGUYỄN QUANG VIỆT