Tại phiên thảo luận tổ Kỳ họp thứ 4, HĐND khóa IX, nhiều ý kiến cho rằng để miền núi phát triển mạnh mẽ hơn cần sử dụng hiệu quả tài nguyên đất rừng.
Về định hướng phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với thực hiện các dự án lớn, nhiều địa phương đề nghị HĐND tỉnh cần có cơ chế phát triển công nghiệp chế biến một cách rõ ràng hơn, nhất là chế biến các sản phẩm dược liệu, trồng rừng gỗ lớn. Riêng với quy hoạch phát triển cây quế Trà My đến 2025, định hướng đến 2030 có nhiều ý kiến băn khoăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là tinh dầu quế. Do đó, Sở NN&PTNT phải phân tích kỹ về tình hình tiêu thụ sản phẩm từ quế, dự báo khả năng tiêu thụ các sản phẩm trên thị trường trong nước và thế giới để xác định quy mô vùng quy hoạch trồng quế phù hợp.
Đồng bào Xê Đăng xã Trà Leng (Nam Trà My) trồng cây dược liệu dưới tán rừng.Ảnh: T.N |
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, quy hoạch 10.000ha phát triển cây quế bản địa Trà My, nhưng chủ yếu ưu tiên trên diện tích đất của các hộ gia đình, cộng đồng và UBND xã. Việc cần làm trước tiên là địa phương nhanh chóng rà soát, đo đạc, hoàn thành tiến độ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp, thực hiện giao khoán rừng để người dân, cộng đồng quản lý, phát triển rừng quế theo đúng quy hoạch được duyệt. “Để cây quế đem lại hiệu quả, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi trồng quế trong 3 năm đầu để ổn định đời sống. Cạnh đó, ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn từ nhiều chương trình, chính sách để đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm quế” - bà Thanh đề xuất.
Tận dụng thế mạnh về nguồn lực đất đai, mấy năm nay các huyện miền núi đã đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ cho người dân. Hiện nay, 100% diện tích đất do các tổ chức sử dụng ở 9 huyện miền núi được cấp GCNQSDĐ, 52.909ha đất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng được cấp giấy (đạt hơn 65% tổng GCNQSDĐ cần cấp). Vướng mắc lâu nay của các địa phương miền núi là số liệu giữa GCNQSDĐ với thực địa có chênh lệch nên nhiều nơi đang mất nhiều thời gian, công sức để điều chỉnh. Điều này làm chậm tiến độ giao đất lâm nghiệp và cấp GCNQSDĐ cho người dân. Theo các huyện miền núi, để tháo gỡ bất cập trên, các ngành chức năng của tỉnh cần hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật cho các địa phương đo đạc, làm thủ tục cấp lại GCNQSDĐ cho dân. Như vậy, khi được giao đất, cấp GCNQSDĐ sớm thì người dân được hưởng lợi từ diện tích đất và rừng mình được nhận, đặc biệt theo Nghị định số 75/NĐ-CP ngày 9.9.2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020.
TRẦN NGUYỄN