Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA

TRỊNH DŨNG 10/08/2021 14:41

ODA là một kênh huy động vốn cho đầu tư phát triển địa phương, nhưng đó có phải là nguồn lực quá rẻ để bằng mọi giá phải tiếp cận? Thực tế, nhiều dự án không sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ODA, khiến câu chuyện vay hay không vay là điều vẫn luôn được tranh luận trên các diễn đàn.

Dự án bảo vệ bờ biển Hội An từ nguồn vốn ODA đang được triển khai. Ảnh: T.D
Dự án bảo vệ bờ biển Hội An từ nguồn vốn ODA đang được triển khai. Ảnh: T.D

Một kênh huy động vốn

Sở Ngoại vụ thống kê tổng vốn đầu tư bố trí cho các dự án ODA giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh gần 6.000 tỷ đồng (36 dự án). Một số dự án có tổng mức đầu tư lớn như phát triển môi trường, hạ tầng đô thị ứng phó biến đổi khí hậu ở Hội An; cải thiện môi trường đô thị Chu Lai – Núi Thành; nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò… ODA là một trong những kênh quan trọng đầu tư tái thiết, phát triển Quảng Nam. Nguồn lực này đã tạo ra những dự án động lực về giao thông, thủy lợi, môi trường, đô thị, như là vốn mồi để kích thích các khu vực kinh tế khác gia tăng đầu tư.

Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thấp dường như là “căn bệnh chưa có thuốc chữa”. Theo Sở KH&ĐT, tổng kế hoạch vốn năm 2021 bố trí cho các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài là 1.596,7 tỷ đồng (ngân sách tỉnh đối ứng 100 tỷ đồng, vốn tỉnh vay lại 851,6 tỷ đồng và vốn nước ngoài ngân sách trung ương cấp phát 569,4 tỷ đồng).

Song, tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài ngân sách trung ương cấp phát chỉ được gần 66,5 tỷ đồng (đạt 11,7%) và vốn nước ngoài tỉnh vay lại 14 tỷ đồng (đạt 1,7%). UBND tỉnh buộc phải lên kế hoạch nộp trả, điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài khi không đủ khả năng giải ngân hết. Hiện đã tổng hợp nhu cầu nộp trả từ các đơn vị (không có khả năng giải ngân) khoảng 648 tỷ đồng (vốn nước ngoài ngân sách trung ương cấp phát 130 tỷ đồng, tỉnh vay lại 518 tỷ đồng).

Tiến độ giải ngân chậm được lý giải là một số dự án ODA vẫn đang triển khai các thủ tục thực hiện đấu thầu. Nhiều dự án chờ nhà tài trợ phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, lựa chọn nhà thầu thực hiện thẩm định giá, cơ quan thẩm định dự toán hoặc vướng giải phóng mặt bằng... Ngoài ra, dịch Covid-19 đã trở thành lý do bất khả kháng của việc giải ngân chậm khi nhập khẩu máy móc, thiết bị, huy động chuyên gia, nhà thầu, tư vấn nước ngoài và thi công dự án... gặp ảnh hưởng.

Tuy nhiên, do nguồn lực ngân sách có hạn nên Quảng Nam phải cần đến nguồn vốn ODA. Ngoài 16 dự án chuyển tiếp sử dụng vốn ODA (7 dự án tỉnh vay lại và 9 dự án ngân sách trung ương cấp phát) với tổng kinh phí khoảng 5.753 tỷ đồng, thì giai đoạn 2021 - 2025 Quảng Nam đề xuất 6 dự án (5 dự án tỉnh vay lại và 1 dự án ngân sách trung ương cấp phát) để đàm phán với các nhà tài trợ.

Tổng kinh phí 10.605 tỷ đồng (ngân sách tỉnh đối ứng 2.451 tỷ đồng, vốn trung ương cấp phát 2.612 tỷ đồng và tỉnh vay lại 5.542 tỷ đồng). Dự kiến ngân sách tỉnh vay để thực hiện 12 dự án ODA là 8.030 tỷ đồng (7 dự án chuyển tiếp và 5 dự án mới).

Cần sử dụng hiệu quả vốn vay

Hiệu quả ODA với nền kinh tế không thể phủ nhận, nhưng sử dụng nguồn vốn này hiệu quả đang là thách thức. Chuyện vay hay không vay ODA ngày càng được bàn luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn. Các khoản vay ODA ưu đãi thường kèm theo điều kiện như chỉ định thầu, ưu tiên nhà thầu nước ngoài, yêu cầu mua máy móc, thiết bị từ quốc gia tài trợ vốn ODA.

Các điều kiện này của các quốc gia tài trợ ODA đảm bảo được lợi nhuận cho các tập đoàn, công ty của nước họ. Phần lợi ích dành cho các nhà thầu phụ Việt Nam chỉ chiếm phần nhỏ... Cái giá của đồng vốn vay này được chính những người trong cuộc thừa nhận không hề rẻ, bởi để giải ngân được đồng vốn ODA thì các điều kiện ràng buộc của nó không hề dễ dàng.

Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh, các cơ quan chuyên môn cho biết hạn mức dư nợ vay của Quảng Nam đến năm 2025 khoảng 6.738 tỷ đồng, nhưng tổng dư nợ vay của các dự án khoảng 8.000 tỷ đồng. Số này vượt hạn mức dư nợ vay. Trong khi đó, thời gian qua, tỷ lệ rút vốn vay của một số dự án chậm so tiến độ. Có dự án phí cam kết phải trả lớn hơn rất nhiều so với vốn vay đã rút.

Ông Đức đề nghị cần một cuộc rà soát, đánh giá kỹ thực trạng, xác định mục tiêu, hiệu quả đầu tư. Trên cơ sở đó đề xuất quy mô, nội dung đầu tư phù hợp với yêu cầu phát triển trên các lĩnh vực, cắt giảm hạng mục đầu tư chưa bức thiết nhằm đảm bảo khả năng cân đối ngân sách tỉnh và không vượt hạn mức dư nợ vay. Có thể tách hạng mục bồi thường, giải phóng mặt bằng thành dự án riêng. Cân nhắc kỹ thời điểm ký kết hợp đồng vay vốn, rút vốn để đảm bảo giải ngân theo tiến độ, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.

“Trả nợ vay ít nhưng phí trả nợ lớn. Nếu chậm rút vốn thì sẽ mất thêm phí, thêm tiền, ai tính? Sử dụng vốn không hoàn lại thì không lợi túi này cũng lợi túi khác. Nhưng khi đã vay thì phải tính toán đến hiệu quả” - ông Đức nói.

Vay được nhiều ODA đã trở thành áp lực, vì đó là nguồn vay nợ với cam kết hoàn trả cụ thể. Ngay các kênh tiếp nhận vốn ODA không hoàn lại từ nhiều năm qua cũng phải đóng góp vốn đối ứng chứ không nhận không.

Sẽ phải có một phân tích cụ thể, đó có phải là kênh huy động vốn rẻ cho xã hội hay không? Nếu không được quản lý minh bạch, giám sát chi phí chặt chẽ thì ODA hoàn toàn có thể gây ra những chi phí phụ đắt đỏ hơn so với các kênh huy động vốn khác. Huy động vốn ODA không nên coi là một thành tích hoặc một mục tiêu phải nhất quyết đạt được.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO