Tài nguyên nước ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ vốn không dồi dào bằng các khu vực khác nên việc khai thác sử dụng hợp lý là điều quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh nguồn nước.
Các công trình du lịch nằm dọc dải cát ven biển cần hạn chế việc bê tông hóa để giữ lại nguồn nước mưa tránh chảy ra biển. Ảnh: Q.T |
Nhiều biến động
Theo nghiên cứu của PGS-TS. Đoàn Văn Cánh và TS. Ngô Tuấn Tú, tổng tài nguyên nước dưới đất dự ước tích chứa trong các tầng chứa nước cho 27 năm khai thác khu vực Nam Trung Bộ và tổng lượng bổ cập tự nhiên vào khoảng hơn 7,7 triệu mét khối/ngày. Trong mọi điều kiện địa chất thủy văn, trữ lượng có thể khai thác được hình thành từ tổng tài nguyên nước dưới đất, trong khi đó tổng lượng khai thác không được vượt quá trữ lượng khai thác an toàn và trữ lượng khai thác an toàn không lớn hơn tổng lượng bổ cập tự nhiên và trữ lượng cuốn theo. PGS-TS. Đoàn Văn Cánh - Hội Địa chất thủy văn Việt Nam cho biết: “Trữ lượng có thể khai thác nước dưới đất các đồng bằng ven biển khu vực Nam Trung Bộ có thể lấy bằng 30% tổng tài nguyên tức là vào khoảng hơn 2,3 triệu mét khối/ngày”.
Theo nhiều chuyên gia tham dự hội thảo khoa học “Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai” thuộc chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia KC.08/16-20 vừa diễn ra tại TP.Đà Nẵng cuối tuần qua, đây là con số khá khiêm tốn và khiến cộng đồng nhất là người nông dân trong khu vực thiệt thòi so với các vùng khác. Hiện tại, tổng lượng nước dưới đất đang được khai thác toàn khu vực Nam Trung Bộ vào khoảng 287 nghìn mét khối/ngày (tương đương 12,3% trữ lượng có thể khai thác). Tại Quảng Nam, nguồn nước cung cấp cho các đô thị như Tam Kỳ, Hội An chủ yếu được khai thác từ nguồn nước mặt. Hệ thống cấp nước cho TP.Hội An được xây dựng từ năm 1985 với công suất thiết kế đạt 3 nghìn mét khối/ngày nhưng thực tế chỉ đạt 1,5 nghìn mét khối/ngày. Tuy nhiên do nguồn nước thường bị ô nhiễm, hàm lượng chất hữu cơ trong nước tăng cao nên sau đó tỉnh đã đầu tư xây dựng một trạm cấp nước mặt lấy từ sông Vĩnh Điện để cấp cho Hội An với công suất 6 nghìn mét khối/ngày. Những năm gần đây trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra hiện tượng thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất nhất là ở nông thôn và miền núi vào mùa khô.
Đề xuất giải pháp
Nam Trung Bộ là vùng có điều kiện thời tiết, khí hậu hết sức khắc nghiệt, lượng mưa trung bình nhiều năm thấp hơn cả nước đặc biệt là các tỉnh cực nam của vùng như Ninh Thuận, Bình Thuận. Thống kê cho thấy từ năm 1980 đến nay có hơn 10 năm xảy ra hạn hán nặng như: 1983, 1993, 1998, 2015, 2016… Đặc biệt, El Nino giai đoạn 2014 - 2016 ở Việt Nam được ghi nhận là dài nhất và có cường độ tác động nghiêm trọng tại vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. |
Là khu vực có sự hạn chế về tài nguyên nước, thế nhưng các chuyên gia nhìn nhận là từ trước đến nay có rất ít chương trình khảo sát toàn diện về tài nguyên nước khu vực miền Trung. Vào năm 2014, Bộ TN-MT bắt đầu triển khai một số mạng quan trắc mực nước tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; trong đó Đà Nẵng có 5 điểm khoan, Quảng Nam có 23 điểm khoan… Nước dưới đất ở vùng này được xem có biến động mạnh mẽ nhất, đặc biệt là các địa điểm khai thác khoáng sản gây suy thoái môi trường ở những khu vực rộng lớn với các tác động rõ rệt như: ô nhiễm môi trường, giảm đa dạng sinh học, sa mạc hóa, phá vỡ chu kỳ thủy văn… Quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ ở khu vực cũng khiến tài nguyên nước ngầm bị ảnh hưởng đáng kể. Theo PGS-TS. Đoàn Văn Cánh, ở những địa phương có nhiều khu du lịch, resort xây dựng ở dải cát ven biển nên khuyến cáo các đơn vị này không nên bê tông hóa không gian bởi nếu như vậy thì lượng lớn nước mưa sẽ không thu gom xuống đất mà chảy tràn ra biển rất lãng phí.
Tại hội thảo, nhóm chuyên gia của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đưa ra nhóm 11 giải pháp để ứng phó với hạn hán; trong đó có một số giải pháp nổi bật như: xây dựng bản đồ dự báo nguồn nước, khu vực có khả năng hạn hán; xây dựng bản đồ tài nguyên nước dưới đất; chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên cơ sở kết quả về tính toán nguồn nước, phân vùng hạn hán… GS. Lê Sâm - Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam cho rằng: “Việc nghiên cứu mặn xâm nhập đến tầng nước ngầm như thế nào để điều tiết lượng nước hợp lý nhằm tránh nhiễm mặn cho cây trồng khi tưới tiêu rất quan trọng”. GS. Lê Sâm đặt vấn đề thêm, lâu nay chúng ta khai thác nguồn nước ngọt trong đồi cát rất hạn chế, dưới chân đồi cát có thể nghiên cứu làm mương để thu gom nước thành ao, hồ để phục vụ cho cộng đồng...
QUỐC TUẤN