Sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ làm tăng nguy cơ dùng ma túy gấp 3,5 lần so với không hút thuốc lá điện tử, đồng thời tăng nguy cơ uống rượu, dùng sai thuốc chữa bệnh. Nhận định này được Bộ Y tế đưa ra để cảnh báo mức độ nguy hiểm của việc sử dụng thuốc lá điện tử.
Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) cho biết, trong 3 năm trở lại đây, số lượng người sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng. Cụ thể, năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2%, đến năm 2020 đã tăng 18 lần, lên khoảng 3,6%. Kết quả điều tra cũng cho thấy, có tới 8% phụ nữ và trẻ em gái hút thuốc lá điện tử; trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ chỉ có 1,2%.
Trong khi đó, theo điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 15 - 17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử học sinh độ tuổi 13 - 15 là 3,5%.
Việc sử dụng thuốc lá điện tử ở lứa tuổi thanh thiếu niên hiện nay đang là vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương. Tại Quảng Nam, tình trạng học sinh từ bậc THCS trở lên dùng thuốc lá điện tử diễn ra khá ngang nhiên.
Với giá rất rẻ, mua bán dễ dàng cũng như bị cưỡng ép, dụ dỗ sử dụng chính là cách mà nhiều học sinh THCS, PTTH biết đến và hút thuốc lá điện tử. Dù các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet.
Nghiên cứu từ Bộ Y tế cho biết, có một mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác. Thuốc lá điện tử có chứa nicotine là chất gây nghiện, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa.
Thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol, có thể tạo thành chất propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi.
Từ đầu năm 2023 đến nay, kết quả xét nghiệm các mẫu thuốc lá điện tử từ các bệnh nhân tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai phát hiện tới 13 mẫu có thành phần ma túy, chất cần sa tổng hợp, trong đó có những loại ma túy thế hệ mới.
Việc sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ làm tăng nguy cơ dùng ma túy gấp 3,5 lần so với không hút thuốc lá điện tử, đồng thời tăng nguy cơ uống rượu, dùng sai thuốc chữa bệnh là điều được các chuyên gia y tế đưa ra.
Chính vì vậy, Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND các tỉnh thành, Bộ GD-ĐT, Bộ Công Thương, Bộ TT-TT và Bộ Công an về tăng cường truyền thông các tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, đều là các sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Bộ y tế yêu cầu các tỉnh thành chỉ đạo sở GD-ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền, phổ biến tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên; tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng thuốc lá điện tử tại các cơ sở giáo dục.
Đồng thời chỉ đạo các sở công thương, cục quản lý thị trường và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha, vì các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại Việt Nam.