Sử dụng vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ: Còn nhiều bất cập

CÔNG TÚ 04/06/2013 07:47

Việc triển khai các công trình xây dựng cơ bản sử dụng vốn ODA, vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) tại Quảng Nam còn nhiều bất cập. Đây là kết quả do Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đưa ra sau khi tổ chức các đoàn giám sát việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn TPCP, vốn ODA trên địa bàn tỉnh.

  • Hơn 996 tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp từ nguồn vốn ODA
  • Giám sát việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA
  • Đề nghị nguồn vốn ODA cho dự án cấp thoát nước
Nhà ăn sinh viên trường Đại học Quảng Nam mới khai thác đạt 30% công suất thực tế.Ảnh: CÔNG TÚ
Nhà ăn sinh viên trường Đại học Quảng Nam mới khai thác đạt 30% công suất thực tế.Ảnh: CÔNG TÚ

Chậm ở nhiều khâu

Hầu hết dự án ODA thời gian qua tại Quảng Nam tập trung vào mục tiêu cơ bản như xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, đầu tư cơ sở hạ tầng đã góp phần hỗ trợ phát triển nông nghiệp, cải thiện một bước quan trọng đời sống người dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều dự án có quy mô lớn như phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn dựa vào cộng đồng (CBRIP), phát triển tỉnh Quảng Nam, phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung… Tuy nhiên, theo Sở KH-ĐT, quá trình triển khai các dự án ODA thường bị chậm ở nhiều khâu. Bất cập nhất là vấn đề quy hoạch, thiếu vốn đối ứng, chậm trễ bởi đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB); hoặc trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện, các ban quản lý dự án chưa nắm vững quy trình và thủ tục giải ngân của nhà tài trợ nên thời gian hoàn thành công trình thường kéo dài hơn so với ký kết đành phải xin gia hạn, khiến vốn đầu tư thực tế thường tăng hơn so với dự kiến. Theo ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, quy định khi lập và phê duyệt tổng dự toán các công trình thực hiện dưới 2 năm thì mức dự phòng chỉ 10% (khối lượng 5%, giá 5%). Trong lúc đó, giá cả thị trường biến động tăng liên tục trên 10%/năm làm cho nhiều dự án sau khi điều chỉnh giá thường vượt tổng mức đầu tư ban đầu, mất cân đối nguồn vốn theo kế hoạch.

Theo báo cáo của Sở KH-ĐT, các chương trình, dự án ODA được ký kết trong giai đoạn 2000 - 2012 có khoảng 67 dự án, đạt tổng trị giá 377,6 triệu USD. Còn nguồn vốn TPCP giai đoạn 2006 -  2012 đầu tư vào các dự án của tỉnh thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục và ký túc xá sinh viên với tổng mức 4.737,697 tỷ đồng.

Mới đây, đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã triển khai giám sát thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn TPCP, vốn ODA cho đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2006 – 2012). Qua giám sát cho thấy, tiến độ một số công trình sử dụng vốn ODA chậm, phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư ban đầu. Ngoài ra, theo ông Võ Hồng, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh (thành viên đoàn giám sát), công tác phối hợp giữa các bên liên quan chưa nhịp nhàng cũng là nguyên nhân khiến công trình kéo dài. Điển hình là dự án xử lý nước thải, chất thải rắn và bảo vệ môi trường Hội An phải điều chỉnh tổng mức đầu tư đến 2 lần (từ gần 220,6 tỷ đồng lên hơn 377,3 tỷ đồng). Trong đó, tiểu dự án Nhà máy xử lý nước thải Hội An đến nay vẫn chưa “hẹn” ngày hoàn thành do phải di dời địa điểm xây dựng ban đầu từ thôn 4 qua thôn 8 của xã Cẩm Thanh. Hay như dự án xây dựng hệ thống cấp nước thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn), cuối năm 2005 công trình được khởi công xây dựng, nhưng vì vướng khâu GPMB xây dựng đài nước điều hòa; chờ xin giấy phép lắp đặt đường ống theo đường Hồ Chí Minh… nên cuối năm 2009 mới hoạt động cấp nước, chậm tiến độ 1 năm.   

Dở dang nhiều dự án

Kết quả giám sát việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn TPCP cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012 tại Quảng Nam của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đã cho thấy quá trình triển khai thực hiện nhiều dự án còn bộc lộ hạn chế. Việc phê duyệt dự án đầu tư vẫn chưa tính tới khả năng của nguồn vốn, nhiều dự án được phê duyệt tổng mức đầu tư lớn nên sau khi phân bổ vốn trung hạn giai đoạn 2012 - 2015 là 3.297,5 tỷ đồng thì số vốn để hoàn thành sau năm 2015 còn thiếu 5.694,3 tỷ đồng. Điều này vượt quá khả năng của ngân sách và khả năng cân đối nguồn vốn dẫn đến nhiều công trình phải tạm dừng, giãn, hoãn do không đủ nguồn lực đầu tư. Bởi do khảo sát, thiết kế, chuẩn bị đầu tư chưa kỹ càng, chưa bám sát vào thực tế nên Quảng Nam phải điều chỉnh tổng mức đầu tư vì tăng giá 3.842 tỷ đồng, điều chỉnh tăng quy mô 427,4 tỷ đồng. Việc phân bổ vốn TPCP giai đoạn 2006 - 2011 không đảm bảo tính trung hạn, không chủ động nguồn lực qua từng năm hoặc phân bổ dàn đều cho quá nhiều dự án trên tổng vốn được phân bổ đã khiến không ít hạng mục chậm tiến độ, hay gây nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản. 


Chuyện điều chỉnh tổng mức đầu tư từ sử dụng nguồn vốn TPCP so với phê duyệt ban đầu cũng xảy ra đối với dự án Nhà ở sinh viên trường Đại học Quảng Nam (gần 60,7 tỷ đồng lên hơn 68,8 tỷ đồng). Báo cáo của lãnh đạo nhà trường trước đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho thấy, lý do điều chỉnh liên quan đến di chuyển vị trí xây dựng ký túc xá sinh viên, tiền nhân công và vật liệu tăng... Cũng vì khó khăn về vốn, tiểu dự án Ký túc xá sinh viên số 6 và hạng mục phụ trợ tại cơ sở 2 phê duyệt từ năm 2009, hiện vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Riêng tiểu dự án Nhà ăn sinh viên 2 tầng (500 suất ăn/lượt) được đưa vào sử dụng cuối năm 2010, song đến nay chỉ mới khai thác đạt 30% công suất sử dụng thực tế.

Nhiều dự án có biểu hiện lãng phí

Qua quá trình giám sát việc sử dụng nguồn vốn ODA và TPCP, ông Trần Xuân Vinh - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đề nghị HĐND các cấp, Thanh tra Nhà nước cần xem xét, tổ chức thực hiện thanh, kiểm tra theo chuyên đề tại một số dự án đã và đang triển khai. Từ đó, đánh giá được hiệu quả sau đầu tư, tránh gây lãng phí; kịp thời chấn chỉnh những sai sót, rút kinh nghiệm nhằm thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tránh kéo dài khiến cho công trình chậm đưa vào sử dụng, dẫn đến thất thoát, không thể phát huy hiệu quả như mong muốn.   

Đoàn giám sát việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn TPCP cho đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006 - 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lưu ý những dự án có biểu hiện lãng phí, như dự án Phòng chống lụt bão giảm nhẹ thiên tai huyện Thăng Bình (bề rộng 38m, trong khi quy định đường ven biển từ 7 - 9m). Hai dự án tương tự tại Núi Thành, Tam Kỳ có cùng tổng mức đầu tư ban đầu là 570 tỷ đồng, nhưng lần lượt điều chỉnh lên cao (Thăng Bình lên 1.400 tỷ đồng; Núi Thành lên 704,6 tỷ đồng; Tam Kỳ lên 789,7 tỷ đồng).

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sử dụng vốn ODA, vốn trái phiếu Chính phủ: Còn nhiều bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO