Văn hóa

Sứ giả đến từ hôm qua

HỨA XUYÊN HUỲNH 31/01/2024 13:08

Từng hiện diện, rồi khuất lấp theo thời gian, đến một lúc nào đó gốm cổ quay lại để kể cho chúng ta nghe về những chuyện cũ thấm đẫm hồn đất hồn người. Lúc ấy, chứng nhân gốm trở thành “người đưa tin” tin cậy…

tct-61969-04.jpg
Một hiện vật bình cổ chân đế. Ảnh: H.X.H

Dấu vết di chỉ

Đã chẵn 20 năm kể từ ngày các nhà khảo cổ học kết thúc đợt khai quật ở Lai Nghi, thuộc phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn bây giờ. Manh mối của khu mộ chum quan trọng trong hệ thống di tích văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện một cách tình cờ. Tất cả bắt đầu từ những mảnh gốm lạ và vài nồi gốm nhỏ vứt ngoài bụi tre mà người dân địa phương rỉ tai cho đoàn khảo sát.

Có mặt trong chuyến đi dọc vùng cát phía đông Điện Bàn năm ấy, bà Đinh Thị Hiệp (cựu cán bộ Bảo tàng Điện Bàn) kể rằng, người dân khi đào hố làm công trình vệ sinh phát hiện nhiều mảnh gốm và cứ tưởng đấy chỉ là mảnh vỡ thường thấy sau chiến tranh. Họ không hay biết gì về dấu vết đồ tùy táng liên quan đến di chỉ có niên đại khoảng 2.000 - 2.500 năm.

Thật thú vị khi những mảnh gốm ấy “báo tin” có các mộ chum đang chôn sâu dưới lòng đất với rất nhiều hiện vật tùy táng giá trị. Các chuyên gia khảo cổ Đức ngạc nhiên vì chưa có di tích nào trong hệ thống văn hóa Sa Huỳnh lại tìm thấy nhiều đồ trang sức như thế.

Riêng 4 chiếc khuyên tai vàng phát hiện trong mộ chum, Bảo tàng Quảng Nam chỉ trưng bày ở khu chuyên đề về di chỉ Sa Huỳnh bằng những bức ảnh chụp lại, còn hiện vật gốc đương nhiên phải cất giữ cẩn mật.

tct-61969-03.jpg
Mộ chum Lai Nghi trưng bày tại Bảo tàng Điện Bàn. Ảnh: H.X.H

Các chuyên gia khảo cổ đánh dấu tọa độ di chỉ trước khi lấp những hố đào cũ và cũng không thể mở rộng thêm vì vướng đất thổ cư của người dân, thậm chí có hố đào cách không xa móng nhà dân.

Quá tiếc nuối khi các mảnh gốm vỡ sớm kết thúc sứ mệnh mang tin từ lòng đất. Nhưng bù lại, vị “sứ giả” đến từ quá khứ kia cũng kịp giúp giới khảo cổ hình dung trọn vẹn vệt di chỉ Sa Huỳnh dọc cồn cát kéo dài từ đô thị cổ Hội An.

Và thật trùng hợp, dấu vết của vệt di chỉ ấy cũng từng khởi đầu bằng một sự “mách nước”.

Gốm kể chuyện xưa

Ông Nguyễn Chí Trung, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, vẫn còn nhớ dịp hội thảo quốc gia năm 1985 ở Hội An, khi bàn về tổng quan văn hóa Sa Huỳnh tại Quảng Nam, giáo sư Trần Quốc Vượng đã tiên đoán về di chỉ Sa Huỳnh và sự hiện diện của cư dân thời tiền sơ sử ở vùng đất này.

“Tại hội thảo, giáo sư cho rằng Hội An có di chỉ Sa Huỳnh và chắc chắn chúng ta sẽ tìm thấy. Trong những chuyến đi khảo sát, tôi cũng nghe giáo sư nhiều lần nói như vậy nữa. Đó là một sự mẫn cảm” - ông Trung nói.

Cuối cùng, vệt di chỉ khảo cổ cũng đã lộ sáng chỉ khoảng 4 năm sau, quãng năm 1989 - 1990, kéo dài từ Hậu Xá 1, Hậu Xá 2, Thanh Chiếm, An Bang lên đến Trảng Sỏi. Nhưng chưa dừng ở đó. Những mảnh gốm vứt lăn lóc ở Lai Nghi tiếp tục loan tin về một điểm nữa của vệt di chỉ, phía tây.

Tất nhiên, không gian di chỉ Sa Huỳnh còn mở rộng ra nhiều nơi khác ở Quảng Nam, nhưng riêng vệt từ Hậu Xá 1 lên đến tận Lai Nghi đã gợi cho giới nghiên cứu về một không gian cư trú đặc trưng.

tct-61969(1).jpg
Khai quật mộ chum tại Lai Nghi, từ manh mối của những mảnh gốm vỡ. Ảnh: MAI HỒNG LÂM

Tại sao các di chỉ ấy cách nhau khoảng cây số? Các cồn cát này hình thành từ đâu? Những câu hỏi đó cứ thúc bách, để rồi các nhà khảo cổ lần tìm ra lời giải: có một dòng chảy chính (hướng Tây - Đông) bị nhiều dòng suối nhỏ (hướng Bắc - Nam) cắt ngang tạo thành cồn. Dòng chính ấy mang tên Rọc Gốm, nhánh chính của Thu Bồn, chảy xuống đến Cẩm Phô, qua Chùa Cầu trước khi đổ ra sông Hoài. Quãng thế kỷ 17, con sông này mới bị bồi lấp.

Cố giáo sư Trần Quốc Vượng từng mô tả địa hình miền Trung cứ hết đèo đến đồng bằng bằng một câu cô đọng dựa theo câu thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương: “Một đèo một đèo lại một đèo”. Mượn cách diễn đạt này, ông Nguyễn Chí Trung cũng cao hứng kết nối những cồn cát dọc sông cổ Rọc Gốm: “Một cồn một cồn lại một cồn”.

Gốm cổ “ẩn thân” dưới lòng đất để làm chứng nhân cho lịch sử. Chúng giúp chúng ta đo đếm sự sôi động hoặc tính kết nối của vùng đất đó trong quá khứ, với các phân kỳ: thời tiền sử, thời đồ sắt, trước Công nguyên, thời Lý - Trần, từ sau thế kỷ 14, từ thế kỷ 20 đến nay.

Ở xứ Quảng, ngoài sự “mách nước” bởi gốm cổ trong đất liền, còn thấy dấu vết cư trú của nhiều lớp cư dân cổ thuộc thời kỳ tiền Sa Huỳnh, Champa ở các di chỉ Bãi Ông, Bãi Làng (Cù Lao Chàm). Ngoài đảo Cù Lao Chàm còn phát hiện gốm Trung Quốc, Trung Cận Đông…

Ngược lên phía núi càng phong phú và sôi động. Trong cuốn “Nghệ thuật Chămpa - Nghiên cứu kiến trúc và điêu khắc đền tháp”, lần theo dấu vết gốm sứ tại các di chỉ khảo cổ học, so sánh sức tiêu thụ gốm sứ của các dân tộc vùng thượng du.., nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương có cơ sở để tin rằng: Chính cư dân miền thượng du là những khách hàng tạo nên một thị trường gốm sứ sinh động, hấp dẫn và bền vững cho hệ thống mậu dịch gốm sứ hải thương ở vùng Đông Nam Á xưa kia.

Quá khứ như đang theo về cùng những chứng-nhân-gốm, trên các cồn bãi đồng bằng, ngoài đảo xa hay trập trùng bản làng vùng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sứ giả đến từ hôm qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO