Sứ giả kết nối làng nghề

XUÂN HIỀN 19/01/2019 23:14

Mê chạm khắc. Còn hơn vậy. Lê Phước Tiến mong những cái đẹp nhất của mỗi vùng đất xứ Quảng sẽ được giữ gìn, được cảm nhận, được quảng bá. Và trên tất thảy, cái đẹp ấy khiến con người sống được...

Nghệ nhân Lê Phước Tiến.
Nghệ nhân Lê Phước Tiến.

Còn gì hơn khi tinh hoa của mỗi xứ sở được nhận chân bằng những sản phẩm truyền thống, do chính cư dân vùng đất đó làm nên. Trong suy tư của một anh kiến trúc sư, thợ mộc, hướng dẫn viên, nơi đẹp nhất chính là nơi khởi đi những giá trị Việt đã có hàng trăm năm: làng nghề. Lê Phước Tiến được người Nhật trân trọng gọi là một “sứ giả kết nối làng nghề”.

Theo dấu cha ông

Làng nghề là những cái đẹp sống được, theo đúng nghĩa đen. Cái đẹp mang lại cơm ăn áo mặc, nuôi con cái trưởng thành, thức dậy những mơ ước tuổi trẻ. Lê Phước Tiến nói, nếu anh có một cuộc đời dễ thở hơn chút nữa, thì sẽ còn... mơ cao hơn nữa. Nhưng mơ để làm được, để làm tốt. Một giấc mơ nào có tốn phí để buộc người ta ngưng viển vông. Với Tiến, tôi nghĩ hẳn anh đã mơ rất lâu và rất xa, về một ngày thật đẹp của những làng nghề xứ Quảng. Những làng nghề đôi khi chỉ còn cái tên là thật, nhiều thứ khác chỉ còn trong hoài niệm. Những làng nghề mà chỉ dấu thời vàng son là những vân tay nay đã già nua và dúm dó từ người ngồi dóng mắt trước ngõ. Nhưng dầu sao, còn đó một người làm nghề thì còn ở đó một giấc mơ. Và trước khi là kẻ mang dấu chân mình đến rất nhiều những ngôi làng, Lê Phước Tiến cũng là một người làm nghề. Người ở giữa những được mất đó, tự bản thân mình chiêm nghiệm sau những cú quăng quật của thời cuộc, mới đủ sức để giữ lòng mình đi đến cuối một giấc mơ chung của rất nhiều người làm nghề.

Nhà mấy đời làm nghề mộc, từ Gò Nổi Điện Bàn xuống đến Hội An, Tiến nói mình hiểu cảm giác của một người ngày càng già đi trước những mảng gỗ lên màu. Ba anh là một người làm nghề đã đi trọn đời mình với tiếng đục đẽo, đã đưa Tiến đến với những khung cửa, những ô vuông, những đầu hồi... Anh đi theo nó, cha truyền con nối. Và nghĩ đến chuyện phải học thêm, học về kiến trúc, thiết kế. Để buổi đầu Hội An mở cửa đón khách du lịch, từng chốn lưu trú mở ra, là từng sản phẩm mộc mỹ nghệ của Tiến được trưng lên. Và không chỉ vậy. Anh cũng là một trong những cư dân Hội An cùng các chuyên gia thực hiện việc bảo tồn, trùng tu nhà cổ. Bằng các kỹ năng của người thợ mộc có kiến thức về trùng tu, thiết kế, Tiến đủ hiểu mỗi hoa văn chạm trổ với từng loại ý nghĩa khác nhau, phải làm như thế nào với kết cấu một nhà cổ trăm năm. Không chỉ vậy, Tiến là một trong những cư dân bản địa được lựa chọn để làm việc thiết kế nội thất cho các resort nổi tiếng hiện nay tại Hội An, ngay từ những ngày họ đặt nền móng về không gian lưu trú sang trọng tại Hội An.

Nghệ nhân của... tre

Lê Phước Tiến là người đa năng, và đa mang. Tôi nghĩ vậy. Bởi anh đã tự mình thích ứng với từng giai đoạn phát triển của phố Hội. Tiến nói bây giờ các sản phẩm tre trúc khắc chữ đã trở thành mặt hàng lưu niệm tại Hội An, và từ những năm 1999 - 2000, Lê Phước Tiến đã mày mò mỗi ngày.

Một tác phẩm nghệ thuật chạm khắc gỗ của Lê Phước Tiến.Ảnh: XUÂN HIỀN
Một tác phẩm nghệ thuật chạm khắc gỗ của Lê Phước Tiến.

Anh là nghệ nhân đầu tiên khám phá và sáng tạo ra nghệ thuật khắc chữ trên tre, như kiểu một loại thư pháp. “Thường thì chữ được viết trên giấy dó, sau đó mới được can vào tre để đục, khắc. Việc “cho chữ” phải phù hợp với từng loại cốt tre. Để làm được những tác phẩm tre khắc chữ phải qua rất nhiều công đoạn công phu. Bắt đầu từ khâu chọn tre, từng lóng, từng khúc tre già bóng mượt rồi cạo lớp sần sùi bên ngoài cho đến khi được vân bóng như sừng, sau đó phải ngâm, tẩm nhằm tạo ra những khúc tre với cốt chữ bền hàng trăm năm” - Lê Phước Tiến kể. Sau này, sản phẩm tre khắc chữ gần như được phổ biển khắp cho người làm nghề Hội An. Và nghiễm nhiên, trong những năm đầu khi sản phẩm lưu niệm còn thưa thớt, đây chính là một mặt hàng độc đáo được lựa chọn khi du khách tìm đến Hội An.

Bây giờ, Lê Phước Tiến chịu trách nhiệm quản lý, bày biện kinh doanh cũng như kết nối cùng những người làm nghề thủ công trên cả tỉnh trong một không gian chung của người làm nghề do tổ chức JICA Nhật Bản tài trợ. Lê Phước Tiến gom góp nhiều năm trải nghiệm để bung hết mình cho câu chuyện... phục hưng trở lại làng nghề. Anh được JICA mời sang Nhật, như một sứ giả kết nối làng nghề, để cùng đưa ra những ý tưởng với người làm nghề thủ công Nhật Bản, ngõ hầu làm nên một chiếc cầu giữa những người cùng một tình yêu với các giá trị truyền thống.

Cửa hàng “Tinh hoa sản phẩm làng nghề Quảng Nam” bây giờ có đến hàng trăm vật phẩm từ những nghệ nhân của các làng nghề xứ Quảng. Các sản phẩm mỗi ngày lại càng hoàn thiện hơn, bởi Lê Phước Tiến đã làm thay công việc tìm hiểu và thu thập các phản hồi từ khách hàng đưa đến nghệ nhân, giúp họ từng bước nắm được các thị hiếu của thị trường.

Và chàng sứ giả của làng

Hiện tại, ngoài xưởng gỗ mỹ nghệ Nam Trân do anh làm chủ, Lê Phước Tiến còn làm công việc tư vấn mẫu mã hàng lưu niệm cho các cơ sở sản xuất hàng thủ công tại Điện Bàn, Duy Xuyên và Nam Giang. Chưa kể, anh đã xây dựng một website chung cho các làng nghề xứ Quảng, ở đó, các thông tin về làng nghề cũng như sản phẩm được đăng tải cụ thể, rõ ràng. Một tour du lịch vòng quanh các làng nghề xứ Quảng đang được Lê Phước Tiến ấp ủ phát triển mạnh hơn. Đã có nhiều đoàn khách châu Âu thử nghiệm tour này do nghệ nhân Lê Phước Tiến làm người dẫn đường. “Du khách tỏ ra vô cùng thích thú với những trải nghiệm tại các làng nghề. Họ đánh giá cao cảnh quan làng nghề cũng như những kỹ thuật điệu luyện từ các nghệ nhân Việt Nam” - Lê Phước Tiến kể. Và cũng đã có nhiều khu resort tại Hội An đặt vấn đề liên kết cùng anh để tổ chức các tour trải nghiệm làng nghề xứ Quảng cho du khách.

Gần 50 tuổi, hơn nửa đời người đã trôi, chứng kiến nhiều diện mạo khác nhau của một Hội An trong chừng hai thập kỷ, Lê Phước Tiến nói, bây giờ anh muốn dồn hết tâm sức cho việc quảng bá giá trị các làng nghề xứ Quảng rộng khắp hơn. Đây không phải là chuyện dễ dàng, khi những làng nghề đã nhiều phần mất mát trong các cơn biến động của thời cuộc. Nhưng Tiến nói, còn một người làm nghề, thì còn đó rất nhiều hy vọng. Thêm nữa, sự trợ giúp từ những người bạn yêu văn hóa Việt, giúp anh bền chí hơn. Còn với riêng Hội An, Tiến nói, anh không nghĩ tốc độ phát triển của đô thị này lại nhanh như vậy. Nhanh đến mức không thể tưởng tượng nổi, và khiến người ta sợ. “Nếu không kiểm soát lại, thì mình sợ sẽ có lúc phá vỡ rất nhiều các giá trị mà nhiều đời đã dày công vun xới” - Tiến nói. Với mặt hàng thủ công, không chỉ ở Hội An, các nghệ nhân trong cả tỉnh đang cần sự hỗ trợ đắc lực hơn dành cho người làm nghề, cho làng nghề. Và một trong những trợ lực đó chính là phải nghiêm ngặt hơn với những sản phẩm lưu niệm từ nơi khác đổ về các vùng đất du lịch. Tạo điều kiện cho các sản phẩm làng nghề xứ Quảng có không gian bày biện và đến được với du khách, để mở ra cho họ những cơ hội. Đó cũng là điều Lê Phước Tiến đang cố gắng từng ngày. “Đồ lưu niệm thì phải có chất, tuy mộc mạc đó nhưng phải để sản phẩm có một “gu” riêng - Tiến nói. Anh đang đi nói chuyện với từng nghệ nhân, theo ý hướng này.  

Và cái nét cười trên gương mặt lành hiền của người chăm chỉ làm nghề, thành thật và lặng lẽ, bao giờ cũng vậy, tràn ngập niềm tin.

XUÂN HIỀN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sứ giả kết nối làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO