Sự học ở một làng người Quảng xa quê

MINH KIỆT 22/11/2013 08:19

Phát huy truyền thống hiếu học của đất Quảng, cộng đồng người Quảng Nam ở xã Mé Pu, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận dù còn khó khăn vẫn chăm lo sự học của con em mình. Tộc Nguyễn Văn là một dòng họ tiêu biểu.

Nhà thờ tộc Nguyễn Văn ở xã Mé Pu huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.Ảnh: M.KIỆT
Nhà thờ tộc Nguyễn Văn ở xã Mé Pu huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.Ảnh: M.KIỆT

Câu chuyện về sự học của người Quảng Nam, mà cụ thể là dòng tộc Nguyễn Văn tại Mé Pu ở huyện Đức Linh, giữa hai người khách ngồi gần trên chuyến tàu từ TP.Hồ Chí Minh đi Phan Thiết đã thôi thúc tôi tìm về với mảnh đất này. Khi tôi hỏi lại để xác minh thông tin, người khách tên Nguyễn Phan Thành (ở thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) khẳng định trăm phần trăm. Đó cũng là lý do đoạn đường hơn 130km từ TP.Phan Thiết về Mé Pu của tôi như gần hơn, bởi một niềm tin ở đó sẽ gặp được những con người luôn hoài hương và có sự kiêu hãnh, tự hào vì mình là người Quảng.

Mé Pu - Ân tình người xứ Quảng!

Mé Pu đón tôi bằng bầu trời trong xanh mang chút se lạnh khiến tôi có cảm giác như tết đang đến bên mình. Khác với tưởng tượng về một xã miền núi hẻo lánh, nghèo nàn và lạc hậu. Đường đến các thôn xóm của Mé Pu đều đã được đổ bê tông, nhà cửa khang trang. Dẫn đường nhiệt tình cho tôi là anh Quang - Trưởng đài Truyền thanh huyện Đức Linh, người Điện Bàn. “Đến Đức Linh, hỏi đường về Mé Pu ai cũng biết. Đây là xã có tỷ lệ người gốc Quảng chiếm hơn 70%. Và sự nổi tiếng của người Quảng ở đây chính là truyền thống hiếu học mà mỗi người con khi rời xa quê nhà đều mang theo bên mình” - anh Quang nói giọng tự hào, cũng là người Quảng Nam mà.

Được nhận học bổng Anh ngữ tại Mỹ, Nguyễn Thị Ngọc Uyên, nay là sinh viên trường Đại học Ngoại thương TP.Hồ Chí Minh, từng đoạt giải Olympic môn tiếng Anh, luôn tự hào mình là người con gốc Quảng. “Em luôn nghĩ về mảnh đất mang tên Quảng Nam, về những con người tài giỏi như Hoàng Diệu, Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Giáng... Ba em luôn nhắc nhở rằng đã là người Quảng Nam dù đi đến đâu cũng phải giữ bản chất cần cù, chịu khó, đặc biệt là phải học cho thật giỏi mới xứng đáng mình là người con đất Quảng”.

Khoảng sân rộng phơi đầy hạt cà phê với thứ mùi nồng nồng hăng hắc chợt khựng lại cả không gian bởi giọng cười ào ào của một người đàn ông. Anh Quang nhanh chóng giới thiệu đó là ông Nguyễn Văn Thanh - Hội trưởng Hội khuyến học dòng tộc Nguyễn Văn ở Mé Pu. “Quảng Nam hả con! Mi đi lên tới đây có thấy xa lắm không? Về đây thì cũng như về quê mình rứa con hỉ! Ở đây người ta nói bằng giọng Quảng Nam, ăn bánh tráng, ăn mì Quảng như ở quê chứ không pha tạp cái chi hết đâu!”. Gặp người đồng hương, bao nhiêu thân thương, kỷ niệm quê nhà được ông Thanh chia sẻ. Rồi chợt giọng ông nhỏ đi và trầm trầm: “Cực chẳng đã mới bỏ quê mà đi! Thôi thì ở đâu cũng là quê, nhưng không được quên cái gốc của mình. Nhứt là càng đi xa thì càng phải cố gắng học cho giỏi. Lứa cha ông tụi tau toàn làm nông, quanh năm bán mặt cho trời đất, chỉ mong con cháu tụi bây học giỏi để đi ra đời, nở mày nở mặt với người ta. Vì rứa mà dù có khổ mấy, các vị đứng đầu dòng tộc cũng mong con cháu mình làm sao học hành nên người”.

Học chữ - Đổi đời!

Tộc Nguyễn Văn có nguồn gốc từ Thừa Tuyên - Nghi Xuân - Hà Tĩnh. Cao tổ là một vị quan triều Nguyễn, trong quá trình Nam tiến đã chọn Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam lập “Nguyễn Văn trang điền” nằm bên bờ sông Vu Gia. Sau khi chiến tranh kết thúc, một bộ phận con cháu tộc họ đã di dân và chọn Mé Pu làm nơi lập nghiệp. Năm 1977, dòng tộc Nguyễn Văn được thành lập tại Mé Pu, hằng năm, xuân thu nhị kỳ đều tế lễ để tri ân công đức tiền nhân, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. “Dạy và hướng con cháu về cội nguồn là một chuyện. Điều mà dòng tộc Nguyễn Văn đã làm được chính là quyết tâm cho con cháu mình đổi đời bằng sự học. Quỹ khuyến học của tộc chúng tôi không lớn, nhưng cái tinh thần hiếu học được khuyến khích trong mỗi người con Nguyễn Văn lại là vô cùng vô tận. Trong mỗi cuộc họp của dòng họ, chúng tôi bảo nhau không được để con cháu mình là người thất học” - Tộc trưởng Nguyễn Văn Bạn chia sẻ.

Với 35 hộ, 150 nhân khẩu, tộc Nguyễn Văn ở Mé Pu nhiều năm liền được được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Thuận công nhận là “Dòng tộc văn hóa”. Chi hội khuyến học của dòng tộc Nguyễn Văn từ ý nghĩa cổ vũ, động viên con cháu học hành, nay đã trở thành gương điển hình của phòng trào khuyến học tỉnh Bình Thuận. Năm 2010, Chi hội khuyến học Nguyễn Văn được vinh dự đại diện cho tỉnh Bình Thuận đi tham dự Đại hội Khuyến học điển hình toàn quốc. Nhận xét về những việc làm của dòng tộc Nguyễn Văn ở Mé Pu, ông Lê Vũ Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Mé Pu cho biết: “Nhiều con cháu của tộc Nguyễn Văn có trình độ đại học, nhiều học sinh đoạt giải Olympic, giải học sinh giỏi cấp quốc gia... Họ đã xác định học để đổi đời! Truyền thống hiếu học của dòng tộc văn hóa này được truyền qua nhiều thế hệ và ngày càng được phát huy. Không chỉ quan tâm sự học, dòng tộc này luôn ý thức dạy bảo con cháu mình phải là người công dân tốt của xã hội. Dường như chưa có một thành viên nào của dòng tộc Nguyễn Văn vi phạm pháp luật hoặc có những điều gì không hay trong thời gian qua. Dòng tộc văn hóa Nguyễn Văn là một trong những niềm tự hào của xã Mé Pu chúng tôi”.

MINH KIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sự học ở một làng người Quảng xa quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO