Khi bị chó, mèo cắn, cách duy nhất để phòng tránh bệnh dại là nạn nhân phải tiêm vắc xin và huyết thanh kháng dại. Thế nhưng, có rất nhiều người khi bị chó, mèo cắn lại tin vào cách chẩn đoán và chữa trị không có cơ sở khoa học của các lang băm để rồi phải gánh lấy hậu quả.
Hối hận của người cha
Chúng tôi đến thăm vợ chồng anh P.H.T. (SN 1974, xã Tam Sơn, Núi Thành). Trong căn nhà nhỏ, trên bàn thờ là di ảnh cháu P.T.Y.Nh. (SN 2005) đang mỉm cười thật tươi, bên cạnh là con búp bê mà khi còn sống Nh. hay ôm trong lòng. Trên khung cửa sổ gần đó là chiếc cặp sách và mũ bảo hiểm Nh. thường dùng đi học. Nhìn những kỷ vật của cháu, chúng tôi không thể kìm nước mắt...
Anh T. kể, ngày 17.10.2013, Nh. qua nhà hàng xóm chơi thì bị chó cắn. Ban đầu, anh T. có ý định đưa con đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng dại. Thế nhưng nghe nhiều người bảo tiêm vắc xin sẽ gây giảm trí nhớ nên anh đưa đi “cào”, nếu thầy “cào” bảo chó cắn cháu Nh. là chó dại mới tiêm vắc xin.
Thầy lang đầu tiên anh T. đưa con đến là một phụ nữ tên H. trên đường Nguyễn Thái Học (TP.Tam Kỳ). Sau khi dùng một viên bi chà xát qua lại chỗ vết chó cắn và một số vị trí trên cơ thể cháu Nh., bà H. khẳng định con chó không mắc bệnh dại. Vẫn chưa tin, anh T. đưa con gái đến một thầy lang khác tên Ng. trên đường Trần Dư (Tam Kỳ). Tại đây, bà Ng. dùng một đồng xu màu bạc cào xung quanh vết cắn trên chân cháu Nh. rồi dùng một loại hạt nhỏ bằng đầu ngón tay áp vào vết cắn. Sau 5 phút “khám” bệnh, bà Ng. khẳng định con chó cắn cháu Nh. là con chó khỏe mạnh, không mắc bệnh dại.
Người dân nên đưa chó, mèo đi tiêm phòng để tiến tới loại trừ bệnh dại. Ảnh: PHƯƠNG NAM |
Cả hai thầy đều khẳng định cháu Nh. không phải bị chó dại cắn nên anh T. yên tâm đưa con về nhà mà không mảy may suy nghĩ đến việc tiêm phòng vắc xin phòng dại. Khoảng 4 ngày sau đó, gia đình anh T. phát hiện con chó nhà hàng xóm bị chết. Tuy nhiên, do tin tưởng 2 thầy lang ở TP.Tam Kỳ nên anh T. vẫn không đưa con đi tiêm vắc xin. Đến ngày 23.1.2014, cháu Nh. sốt, ăn ít, sợ nước, sợ gió. Tối 24.1.2014, cháu Nh. được gia đình đưa vào bệnh viện nhi, sau đó chuyển ra Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng chữa trị nhưng đã quá trễ. Đến tối 27.1.2014 cháu Nh. qua đời.
“Tin thầy lang “cào” để phỏng đoán là hoàn toàn sai lầm. Tôi đã mù quáng khiến con phải mất mạng. Đừng ai như tôi, sẽ đau đớn và ân hận suốt cuộc đời” - anh T. nói.
Đau đớn của người mẹ
Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt đau khổ của bà Ng.T.H. (SN 1963, Tiên Cảnh, Tiên Phước) ám ảnh chúng tôi không nguôi. Vì không thuyết phục được con trai là P.V.Th. (SN 1989) tiêm vắc xin phòng bệnh dại mà đến nay bà vẫn còn giận mình. Khoảng 22 giờ ngày 1.3.2015, anh Th. đang xem phim trong nhà thì bị một con chó từ bên ngoài chạy vào cắn ở tay, chân. Ngày 2.3.2015, bà H. đưa anh Th. xuống Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để tiêm phòng bệnh dại. Khi nhân viên y tế đem lọ vắc xin ra chuẩn bị tiêm thì anh Th. lại đổi ý không tiêm để đi “cào”. Bà H. kể, Th. bảo bà đón xe buýt về nhà rồi tự mình đi xe máy đến nhà một thầy lang ở Điện Bàn. Sau khi “cào”, thầy lang bảo với Th. rằng con chó cắn anh không mắc bệnh dại nên Th. không tiêm vắc xin. Ngày 4.5.2015, anh Th. cảm thấy mệt mỏi, sợ nước, sợ gió và lo lắng nên gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại đây, bác sĩ kết luận Th. đã lên cơn dại điển hình, không thể cứu được. Ngày 6.5.2015, anh Th. tử vong. Khi chúng tôi hỏi, tại sao anh Th. đã đến nơi tiêm phòng rồi mà còn thay đổi ý định, bà Hồng trả lời trong nước mắt: “Thấy giá tiêm vắc xin cao, sợ cha mẹ tốn tiền nên nó đổi ý đi “cào”. Tôi hối hận vô cùng vì không thuyết phục được con”.
Trong khi tìm hiểu về cái chết của cháu Nh., chúng tôi được anh Phan Văn Tịnh (SN 1970, thôn Mỹ Đông, xã Tam Sơn) kể chuyện anh thoát chết nhờ kịp thời tiêm vắc xin phòng dại. Tháng 1.2014, anh bị một con chó của hàng xóm cắn. Trước đó 3 ngày, con chó này có những biểu hiện hung hãn bất thường như chạy rông khắp nơi, thường xuyên chảy nước bọt và cắn vào chân một con trâu. Dù biết rõ sự nguy hiểm của bệnh dại nhưng nghe lời của nhiều người, anh Tịnh đã tìm đến một thầy lang tên L. trên đường Nguyễn Hoàng (TP.Tam Kỳ). Khác với thầy Ng., thầy L. dùng một loại lá cây để “cào” và khẳng định con chó cắn anh Tịnh không bị dại. Tin lời thầy, anh Tịnh không đi tiêm vắc xin. Cho đến khi nghe tin cháu Nh. tử vong do bệnh dại, anh Tịnh hốt hoảng và lập tức đến cơ sở y tế tiêm phòng vắc xin. Khoảng một tháng sau, con trâu bị con chó cắn trước đó đổ bệnh dại và chết. “Nếu cứ tin lời thầy lang mà không đi tiêm vắc xin, chắc tôi đã không còn” - anh Tịnh nói.
Lang vườn chẩn đoán vi rút dại!
Trong vai người bị chó cắn đi “cào”, người viết bài này đã tìm đến nhà thầy Ng. trên đường Trần Dư (TP.Tam Kỳ). Thấy có bệnh nhân đến, bà Ng. đon đả mời vào trong căn nhà thấp lè tè, tối om. Sau khi hỏi chúng tôi về thời gian bị chó cắn, bà Ng. yêu cầu bệnh nhân nằm sấp xuống nền nhà. Đầu tiên, bà dùng đồng xu màu trắng bạc có đường kính khoảng 2cm cào mạnh quanh vị trí vết thương do chúng tôi tự tạo. Cào đến đâu, bà Ng. xoa dầu gió đến đó. Sau khi cào vết chó cắn, bà Ng. chuyển sang cào ở lưng. Sau khi xong công đoạn cào, bà Ng. lấy một vật có hình hạt đậu, to bằng đầu ngón tay cái chà xát 5 lần vào viên đá to bằng nắm tay rồi áp hạt đậu vào vết cắn. Khi bà Ng. thả tay ra thì hạt đậu cũng rơi ra khỏi vết thương. Sau 3 lần như vậy, bà Ng. kết luận: “Con chó này là con chó độc. Tuy nhiên, mức độ này chỉ cần uống thuốc đông y là đủ!”. Sau đó, bà Ng. kê cho chúng tôi toa thuốc để giải “độc”. Đó là 5 thang thuốc đông y được gói bằng giấy báo cũ. Chúng tôi viện cớ không uống được thuốc đông y để thoái thác thì bà Ng. khuyên nên chuyển sang uống thuốc viên và bán 3 gói thuốc nhỏ uống trong 3 ngày. Toàn bộ quá trình chẩn đoán, bốc thuốc diễn ra chưa đầy 15 phút.
Ngoài thầy Ng., thầy H., thầy L., hiện nay tồn tại rất nhiều thầy lang chẩn trị bệnh dại cho người như thầy T. ở xã Tiên Thọ (Tiên Phước), thầy L. ở xã Duy Tân (Duy Xuyên)... Tất cả những người này đều cho rằng mình chữa được bệnh dại là nhờ có “bảo bối” và các “bảo bối” này hút được độc tố từ cơ thể bệnh nhân. Cách chẩn đoán và chữa bệnh của họ hoàn toàn phản khoa học nhưng rất nhiều người vẫn tin một cách mù quáng, đến khi hối hận thì đã muộn màng.
PHƯƠNG NAM