Sự im lặng thuộc vĩnh cửu

ANH QUÂN 16/04/2023 06:00

Với 14 đầu sách đã xuất bản, ở tuổi 80, GS. Cao Huy Thuần viết tác phẩm “Im lặng như lời chia tay” với tâm sự: “Và như vậy, tôi viết về im lặng trong thơ văn, như một lá thư mỏng, như một lời chia tay…”. Nghĩ về điều này, chợt nhớ lời của nhà triết học thế kỷ 19 Thomas Carlyre: “Lời nói thuộc thời gian, sự im lặng thuộc vĩnh cửu”!

Bìa tập sách “Im lặng như lời chia tay”.
Bìa tập sách “Im lặng như lời chia tay”.

“Đọc Cao Huy Thuần lúc nào tôi cũng thấy sảng khoái. Mới lướt qua, cứ tưởng anh kể chuyện tào lao trên trời dưới đất, Đông Tây kim cổ cho vui, nhưng không, đằng sau đó là tầng tầng lớp lớp những ẩn nghĩa, ẩn dụ được giấu nhẹm bên trong… Cho nên đọc Cao Huy Thuần đừng vội. Cứ nhởn nhơ. Cứ nhâm nhi. Ngâm, rồi ngẫm, rồi ngấm”.

Trong bài “Người khuân đá” (Áo xưa dù nhàu, NXB Đà Nẵng, 2022), nhà văn, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã dành những lời như vậy khi viết về GS. Cao Huy Thuần và những tác phẩm của ông.

Ở một góc nhìn khác, trong lời đề tựa cuốn sách “Im lặng, như lời chia tay” (NXB Đà Nẵng, 2022), GS. Huỳnh Như Phương nhận xét: “Cao Huy Thuần viết văn xuôi bằng ngôn ngữ thi ca.

Văn ông có nhiều khoảng trống mời gọi người đọc liên tưởng. Văn chương ấy không làm nở những bông hoa, làm tươi những giọt nắng, nhưng có thể vĩnh cửu hóa màu nắng hạ và mùi thơm của bông sen quê nhà”.

Từ những sự gợi mở trên, đọc 12 chương trong cuốn sách “Im lặng như lời chia tay”, ấn tượng ban đầu là dù nói chuyện Đông Tây kim cổ, ẩn chứa tính triết lý…, vị giáo sư với vốn kiến thức uyên bác luôn dành khoảng lặng lớn về quê hương, đất nước.

Đó là hồi ức về tuổi thơ trong “Im lặng nói”: “Im lặng thầm thì không thiếu gì trong tranh Tàu, tranh Nhật, tranh thiền. Nhưng đâu cần đến danh họa mới nghe được im lặng? Từ nhỏ tôi đã học nghe im lặng như thế trong hình vẽ mộc mạc, quê mùa minh họa bài tập đọc vỡ lòng trong Quốc văn giáo khoa thư lớp Ba… Từ những tranh vẽ, từ những lời quê mộc mạc như thế, đứa bé là tôi dần dần đi vào thế giới văn chương, của nghệ thuật - của tương quan giữa lời nói và im lặng…”.

Chân dung GS. Cao Huy Thuần. Ảnh: Internet
Chân dung GS. Cao Huy Thuần. Ảnh: Internet

Hay trong “Im lặng của thiên nhiên”, sau khi trích dẫn những tác phẩm của Alphonse Daudet, Victor Hugo, Lamartine…, GS. Cao Huy Thuần không quên nhắc về những câu ca dao thấm đẫm hồn quê xứ: “Quê hương của tôi sẽ rất buồn, và ca dao đã từng ru tôi thuở bé sẽ trách tôi phụ bạc nếu tôi quên bẵng bàn chân ngày xưa bên lu nước.

Hình ảnh của người đẹp rửa chân làm sao quên được! Đáng tôn thờ đâu có kém gì thơ của Âu châu! “Ước gì anh lấy được nàng/ Thì anh mua gạch Bát Tràng về xây/ Xây dọc rồi lại xây ngang/ Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân”.

Rồi miên man dẫn câu chuyện thần Marduk hay chàng Job ở xứ sở Babylon trong thần thoại phương Tây để nói về sức mạnh của lòng tin, tác giả cũng đưa người đọc trở về phương Đông, về danh tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du: “Thượng đế ở phương Tây không phải là ông Trời ở phương Đông. Cho nên chỉ có má hồng đi tìm tác giả của truân chuyên mới chỉ mặt điểm danh ông Trời, trách “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”…

Còn thì, khổ thì lặng im mà ngẫm nghĩ, mà tìm cách tự thoát “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”. Nghiệp là do mình tạo, cô Kiều nói vậy”... (Im lặng của Thượng đế).

Trong “Im lặng của tình yêu”, GS. Cao Huy Thuần dẫn thơ của Xuân Diệu, của Huy Cận và của Goethe (bài Dạ khúc), Pablo Neruda…, rồi kết luận: “Còn ai đọc thơ này mà liên tưởng đến một thời trong lịch sử Việt Nam chúng ta, một thời chiến sĩ đã hành quân với thơ tình trong ba lô, người yêu và đất nước trộn lẫn với nhau làm một? Bao nhiều trai tráng của nước tôi đã sống và đã chết như thế. Trên đường hành quân, họ im lặng yêu trong trái tim rạo rực của lửa sống. Và im lặng họ chết. Có cái gì đó thiêng liêng trong hai tình yêu nhập một. Mà thiêng liêng thì im lặng”.

Về “Lời của im lặng”, tác giả dường như không viết gì cả, GS. Cao Huy Thuần chỉ trích dẫn lại câu chuyện từ một cuốn tiểu thuyết mỏng nhưng “cô đọng, độc đáo, hiếm gặp mà nhân vật là một nhạc sư danh tiếng, nửa thực nửa hư, hồi thế kỷ 17, dưới triều vua Louis 14 của Pháp”. Để từ đó, ông kết: “Ngẫm cho cùng, im lặng là bắt đầu. Chẳng phải sao, trước khi ta nói được, ta nằm trong thai mẹ, im lặng nghe tiếng mẹ thầm thì?”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sự im lặng thuộc vĩnh cửu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO