Sự lựa chọn tất yếu

MAI NHI 22/12/2012 15:09

Năm 2012, Quảng Nam là địa phương đầu tiên ở khu vực miền Trung triển khai xây dựng thí điểm cánh đồng mẫu lớn. Với hiệu quả thiết thực, hiện  nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đang tập trung  nhân rộng mô hình này...

Đột phá

Trước đây, việc phân chia đất nông nghiệp cho nông dân thực hiện theo phương thức “Có gần có xa, có xấu có tốt, có cao có thấp” nên phần lớn các hộ sản xuất đều sở hữu 6 - 7 thửa ruộng, nằm rải rác trên 3-4 cánh đồng. Sự manh mún đó đã làm giảm ít nhất 3% diện tích đất canh tác do các bờ thửa, hạn chế khả năng đưa cơ giới hóa vào phục vụ các khâu sản xuất, ảnh hưởng rất lớn đến việc đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật. Vì vậy, công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn được xem là một khâu quan trọng trong cải tạo đồng ruộng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU (ngày 1.9.2011) của Tỉnh ủy Quảng Nam.

Ứng dụng gói kỹ thuật canh tác mới sẽ giảm 70% lượng thuốc bảo vệ thực vật phun trên ruộng lúa.Ảnh: MAI NHI
Ứng dụng gói kỹ thuật canh tác mới sẽ giảm 70% lượng thuốc bảo vệ thực vật phun trên ruộng lúa.Ảnh: MAI NHI

Nhằm thay thế lao động thủ công, đáp ứng yêu cầu thời vụ sản xuất, giảm tổn thất trong thu hoạch, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân... Trung tâm Khuyến nông & khuyến ngư tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương tiến hành khảo sát, chọn lựa một số cánh đồng hội đủ những tiêu chí cần thiết để tổ chức xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn tại Phú Ninh, Thăng Bình, Quế Sơn, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc. Ông Võ Văn Nghi – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông & khuyến ngư nói: “Lúc đầu, chúng tôi dự kiến thực hiện tại 6 huyện vừa nêu với quy mô khoảng 195ha. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai làm đã vận động chính quyền cơ sở, nông dân mở rộng thêm những chân ruộng liền kề, do đó số diện tích thực tế tham gia lên đến 369ha”.

Nhờ đồng loạt ứng dụng gói kỹ thuật IPM (3 giảm, 3 tăng) kết hợp với sử dụng công cụ sạ hàng trong việc xuống giống nên toàn bộ diện tích của các mô hình điểm có mật độ lúa đồng đều, giúp cây quang hợp tốt, đẻ nhánh khỏe và tập trung. Đặc biệt, các loại sâu bệnh nguy hiểm như rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen... rất ít gây hại, tỷ lệ lép thấp hơn nhiều so với các chân ruộng đối chứng ở những khu vực lân cận. Ngoài ra, việc sử dụng nguồn giống kỹ thuật chất lượng cao và phân hữu cơ vi sinh đã góp phần cải tạo đất nên ruộng lúa trong các mô hình sinh trưởng, phát triển rất tốt. Bà Nguyễn Thị Huệ (nông dân tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn ở thôn Tú Ngọc B, xã Bình Tú, huyện Thăng Bình) hồ hởi: “Khi chưa canh tác theo gói kỹ thuật mới ấy, vụ nào năng suất lúa bình quân chung ở vùng này cũng chỉ đạt chừng 270kg/sào, còn nay tăng lên 320kg/sào. Ngoài việc giảm đáng kể lượng phân bón, mỗi sào lúa thực hiện bằng công cụ sạ hàng còn giảm được 2 - 3 kg giống”.

Nhiều nơi tích cực dồn điền đổi thửa để nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn.
Nhiều nơi tích cực dồn điền đổi thửa để nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn.

Cũng theo ông Võ Văn Nghi, về hiệu quả kinh tế, năng suất bình quân của các mô hình cánh đồng mẫu lớn đạt 63 tạ/ha, cao hơn lúa sản xuất đại trà 5 tạ/ha, lãi ròng tăng hơn đối chứng gần 5,8 triệu đồng/ha. Ông Nghi nói: “Theo thống kê tại 6 cánh đồng mẫu ở Điện Bàn, Quế Sơn, Đại Lộc, Thăng Bình, Phú Ninh, Duy Xuyên, với 369ha thí điểm nông dân thu lãi cao hơn trước khoảng 2,2 tỷ đồng”. Về mặt xã hội, mô hình mẫu này giúp nhà nông giảm áp lực lao động mỗi khi vào vụ sản xuất và thu hoạch lúa. Đặc biệt, với việc bón phân hóa học một cách hợp lý, giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật đã hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường...

Tại các cánh đồng mẫu lớn, việc cơ giới hóa khâu làm đất diễn ra rất thuận lợi.
Tại các cánh đồng mẫu lớn, việc cơ giới hóa khâu làm đất diễn ra rất thuận lợi.

Liên kết 4 nhà

Tại hội nghị tổng kết năm nông nghiệp 2012 vừa tổ chức, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đánh giá rất cao hiệu quả mà các cánh đồng mẫu lớn vừa thực hiện thí điểm mang lại. “Thời gian tới, muốn đưa lĩnh vực trồng trọt, mà đặc biệt là cây lúa tập trung phát triển theo hướng hàng hóa thì nhất thiết phải khẩn trương nhân rộng mô hình này. Đây là sự lựa chọn tất yếu” – ông Quang nhấn mạnh.

“Thời gian tới, muốn đưa lĩnh vực trồng trọt, mà đặc biệt là cây lúa tập trung phát triển theo hướng hàng hóa thì nhất thiết phải khẩn trương nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đây là sự lựa chọn tất yếu”.
(Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang)

Thực hiện ý kiến chỉ đạo trên, hiện nay chính quyền nhiều địa phương đang nỗ lực giúp nông dân nhân rộng mô hình ấy. Ông Phạm Đình Xuân - Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, vụ đông xuân này huyện triển khai xây dựng tổng cộng 5 cánh đồng mẫu lớn ở xã Duy Vinh, Duy Sơn, Duy Phước, Duy Hòa, thị trấn Nam Phước với khoảng 350ha; toàn bộ số diện tích vừa nêu chỉ gieo sạ cùng một loại giống lúa là Q.Nam 6. Ông Xuân nói: “Trên thị trường 1 ký giống lúa Q.Nam 6 có giá 15 nghìn đồng. Nhằm tạo điều kiện cho nhà nông phát triển sản xuất, huyện trích hàng chục triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp để trợ giá giống với mức 6 nghìn đồng/kg. Thời gian qua, huyện cũng trích hơn 130 triệu đồng hỗ trợ nông dân mua 200 công cụ sạ hàng về phục vụ việc xuống giống”.

Thêm 1.000 - 1.500ha mô hình cánh đồng mẫu lớn trong năm 2013

Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, trong năm 2013 bình quân mỗi vụ ngành nông nghiệp tỉnh cùng chính quyền 9 huyện, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sẽ thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn trên tổng diện tích 1.000 - 1.500ha với hướng chủ lực là sản xuất hạt giống lúa lai, lúa thuần nguyên chủng và lúa thương phẩm chất lượng cao. Trong đó, mỗi xã điểm xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2011-2015) bắt buộc phải bố trí ít nhất một mô hình có diện tích tối thiểu là 20ha gắn với chủ trương dồn điền đổi thửa, kiên cố hóa kênh mương, giao thông nội đồng, cơ giới hóa các khâu sản xuất, ứng dụng hiệu quả tiến bộ của khoa học kỹ thuật... Ông Muộn nói: “Xây dựng cánh đồng mẫu lớn là một chủ trương rất phù hợp trong xu hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa hiện nay. Vì vậy, để không bị động và tránh xảy ra sự chồng chéo khi triển khai thực hiện thì ngay từ bây giờ các địa phương phải thiết lập cho được bản quy hoạch cụ thể. Nếu không, tình trạng ruộng đất manh mún sẽ không được giải quyết dứt điểm, dẫn đến hiệu quả mang lại không như mong đợi”.

Còn tại Quế Sơn, ông Lê Hữu Châu – Phó phòng NN&PTNT huyện thông tin: vụ đông xuân 2012-2013 địa phương thực hiện mô hình trên tại 3 xã Quế Xuân 1, Hương An, Quế Long. Theo đó, mỗi điểm có diện tích không dưới 30 ha đất đã hoàn thành khâu dồn điền đổi thửa và hạ tầng phục vụ sản xuất cơ bản thi công xong. Theo ông Châu, tại những cánh đồng mẫu lớn ngoài việc cấp 7,2 tấn giống lúa trị giá hơn 100 triệu đồng thì ngân sách huyện còn chi ra 180 triệu đồng để hỗ trợ 30% giá phân bón cho nông dân. Trước vụ sản xuất, các cơ quan chuyên môn còn mở nhiều khóa tập huấn nhằm chuyển giao rộng rãi gói kỹ thuật canh tác mới cho hàng trăm hộ dân tham gia mô hình.

Ông Võ Văn Nghi cho rằng, sở dĩ các cánh đồng mẫu thực hiện thí điểm trong vụ hè thu 2012 có được thành công lớn là nhờ sự liên kết của 4 nhà (nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp) rất chặt chẽ. Ngoài sự hỗ trợ hết sức tích cực của nhà nước và nhà khoa học, thì nhà nông tại các nơi triển khai mô hình này còn được doanh nghiệp chung tay giúp sức. “Vụ vừa rồi, tại 6 cánh đồng mẫu lớn nêu trên đều có sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh. Thông qua chính quyền địa phương, các doanh nghiệp đảm nhận việc cung ứng giống lúa, phân bón, vật tư đầu vào và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân sau khi thu hoạch. Nhờ vậy mà đầu ra của nông sản không còn khó khăn, giá trị cũng tăng hơn trước. Đây là mối liên kết cần phải phát huy trong thời gian đến” - ông Nghi nói.

MAI NHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sự lựa chọn tất yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO