Sự “thâm nho” của ông thượng thư người Quảng

LÊ THÍ 09/08/2020 04:04

Năm 1902, tên Việt gian đầu sỏ Nguyễn Thân đã phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” để tiếp Hồ Lệ - người vừa thay mình trên cương vị Thượng thư Bộ Binh đến thăm và “dạy” cho y một bài học thấm thía về “đạo làm người”!

Hồ Lệ được ghi danh trên bia tưởng niệm Trường An (Đại Lộc).
Hồ Lệ được ghi danh trên bia tưởng niệm Trường An (Đại Lộc).

Hai đại thần người Quảng

Trong bài phú tỉnh Quảng Nam, Phó bảng Nguyễn Đình Hiến (người làng Trung Lộc, huyện Quế Sơn, đỗ khoa Tân Sửu, 1901) có viết:

“… Võ cao nhất phương bồng thủ, Hồ Thượng Công chế khổn tài năng

Sương nghiêm lưỡng độ hoàng hoa, Nguyễn Thiếu Phó đương triều vỹ lược…”.

Tạm dịch:

“Một phương trọng trấn, Hồ Thượng Công ân đức thấm nhuần

Hai độ sứ trình, Nguyễn Thiếu Phó tài ba lỗi lạc…”

Hồ Thượng Công chính là Hồ Lệ (1848 - 1905), hiệu Kim Khanh, tự Trạch Hữu người làng Phú Mỹ, huyện Duy Xuyên (nay là xã Đại Minh, huyện Đại Lộc), đỗ cử nhân năm 1870. Năm 1872 ông vào thi Đình điểm số đủ để đỗ tiến sĩ nhưng bài thi phạm lỗi “khiếm trang” nên bị đánh hỏng. Hồ Lệ từng làm Tổng đốc Nghệ Tĩnh, Bình Phú, sau về triều làm Thượng thư Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ Công kiêm Viện trưởng Đô sát viện và Kinh diên giảng quan. Khi mất được phong tước An Lương Tử.

Trong triều Hồ Lệ là người nổi tiếng nghiêm cẩn từ trang phục đến lời ăn tiếng nói và việc làm. Ngày đó quan lại ở kinh vẫn truyền nhau câu: Triều Lệ, Cát Lân (trong triều có Hồ Lệ, Nội các có Phạm Phú Lân).

Còn Nguyễn Thiếu Phó chính là Hà Đình Nguyễn Thuật (1842 - 1912) người làng Hà Lam, huyện Lễ Dương (nay là thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình), đỗ Cử nhân năm 1867, Phó bảng 1868. Nguyễn Thuật đã từng làm Thượng thư cả 5 bộ tại triều, được phong tước An Trường Tử, khi qua đời được phong Đông Các điện Đại học sĩ. Nguyễn Thuật cũng từng hai lần đi sứ sang Tàu vào các năm 1881 và 1883 và được biết đến như một tác gia với hệ thống tác phẩm đa dạng gồm cả văn, thơ, nhạc, họa…

Dưới thời vua Thành Thái (1888 - 1907) Nguyễn Thân cậy mình có công đàn áp các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần vương nên hống hách, lộng quyền, cao điểm là việc y ra Hà Tĩnh dụ hàng một số người tham gia cuộc khởi nghĩa của Hương Khê đem về kinh rồi thương lượng với người Pháp ở tòa Khâm sứ Huế tổ chức giết hàng loạt. Lúc này Nguyễn Thân được sự hỗ trợ tối đa của người Pháp nên các đại thần trong triều phải “né” y. Các cụ Hồ Lệ và Nguyễn Thuật lúc này đang là Thượng thư Bộ Hộ và Bộ Binh cương quyết không ký tên chuẩn y cho vụ giết người tập thể dã man này nên cởi áo từ quan về nhà mở trường dạy học.

Năm 1902, Nguyễn Thân, lúc này là Thượng thư Bộ Binh, Cần Chánh điện đại học sĩ và Hoàng Cao Khải đang là Thượng thư Bộ Lại, Văn Minh điện đại học sĩ tranh giành quyền lực với nhau, khuynh loát cả triều đình. Thấy nguy cơ, vua Thành Thái được sự đồng tình của Pháp liền đưa Hoàng Cao Khải ra Bắc làm Phó vương còn Nguyễn Thân bị bãi chức hạn trong vòng 24 giờ phải dọn ra khỏi kinh thành. Để lập lại kỷ cương, nhà vua cũng cấp tốc triệu hồi Hồ Lệ ra nhậm chức Thượng thư Bộ Binh (thay Nguyễn Thân) và Nguyễn Thuật ra nhậm chức Thượng thư Bộ Lại (thay Hoàng Cao Khải).

Việc hai vị đại thần người Quảng trở lại làm quan lần thứ hai cho thấy sự tin tưởng của nhà vua và triều đình vào tài năng, khí phách của của họ. Đây cũng là niềm hãnh diện cho người Quảng vì vậy ngày đó ở thành tỉnh tại Vĩnh Điện có buổi tiễn đưa rất xúc động và “hoành tráng”!

Hồ Lệ đi thăm Nguyễn Thân

Nguyễn Thân là Việt gian đã phản bội đất nước cộng tác đắc lực với triều đình Đồng Khánh và thực dân Pháp đàn áp dã man các cuộc khởi nghĩa Cần vương, tiêu biểu là các cuộc khởi nghĩa của Lê Trung Đình (Quảng Ngãi), Mai Xuân Thưởng ( Bình Định), Nguyễn Duy Hiệu (Quảng Nam) và Phan Đình Phùng (Hà Tĩnh). Y giết người không gớm tay lại rất háo sắc và hám danh. Nói về Nguyễn Thân, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân viết: “Nguyễn Thân là ông quan đã từng dẹp Cần vương, oai danh chấn động Nam - Bắc, vào loại Việt gian đầu sỏ” (Phong trào Duy tân, Nxb Đà Nẵng, 1995, trang112).

Nguyễn Sinh Duy cũng nhận định: “Cuộc đời của Nguyễn Thân từ 1885 đến 1895 là 10 năm chém giết đồng bào ruột thịt để tâng công với kẻ cướp nước” (Phong trào Nghĩa Hội Quảng Nam, Nxb Đà Nẵng, 1998, trang 167).

Với tính tình cương trực lại giàu lòng yêu nước, Hồ Lệ rất ghét Nguyễn Thân và  Nguyễn Thân cũng tìm mọi cách để “hại” Hồ Lệ.

Khi làm Tổng đốc Nghệ Tĩnh, Hồ Lệ “làm ngơ” để ngầm ủng hộ cuộc khởi nghĩa Cần vương của Phan Đình Phùng. Khi Nguyễn Thân đem quân từ Huế ra Hà Tĩnh đánh dẹp cuộc khởi nghĩa Hương Khê, Hồ Lệ cũng “phớt lờ” việc cung cấp quân lương cho đội quân này và “lạnh nhạt” trong việc đón tiếp Nguyễn Thân. Thái độ của Hồ Lệ không qua mắt được viên Công sứ Nghệ An và viên “Khâm sai đại thần” Nguyễn Thân. Trong hồi ký của mình, cụ Hà Đình Nguyễn Thuật - lúc này đang làm thượng thư ở triều có ghi lại nhận xét của Khâm sứ Trung Kỳ về viên Tổng đốc Nghệ Tĩnh bằng câu: “Nghệ đốc quá ư tĩnh mặc” (Tổng đốc Nghệ An bình chân như vại)!

Vì thế Hồ Lệ bị triều Đồng Khánh và Tòa Khâm “quở trách”, giáng một bậc. Nguyễn Thân cũng không hài lòng và quyết trả thù bằng cách bắt giam và đòi chém người con cả của Hồ Lệ khi “cậu ấm” này cưỡi ngựa đi qua doanh trại của Nguyễn Thân mà không chịu “khuynh cai hạ mã”. Mục đích của Nguyễn Thân là cố ý buộc  Hồ Lệ phải “khuất phục” đến năn nỉ xin tha cho con. Hồ Lệ vẫn phớt lờ. Cuối cùng sau khi giam một tuần Nguyễn Thân phải “bóp bụng” mà thả người con của viên tổng đốc “cứng đầu cứng cổ” ra.

Sau đó Hồ Lệ xin từ quan để phản đối sự hống hách của Nguyễn Thân. Mấy năm sau triều đình triệu ông về kinh nhận chức Thượng thư Bộ Hình, ông cũng từ chối lấy cớ là đang dưỡng bệnh. Mãi đến khi Nguyễn Thân vì việc tranh chấp quyền lực và bổng lộc với Hoàng Cao Khải bị bãi chức, buộc trong vòng 24 tiếng đồng hồ phải dọn ra khỏi cung, ông mới tuân mệnh quay lại triều nhận chức Thượng thư Bộ Binh.

Thế nhưng ngay trong buổi tối ngày nhậm chức, Hồ Lệ liền đến thăm và “an ủi” Nguyễn Thân. Đời sau nhiều người không hiểu hết thâm ý của Hồ Lệ về chuyến viếng thăm này. Ý Hồ Lệ muốn nhắc khéo Nguyễn Thân khi ở đỉnh cao quyền lực phải nghĩ đến khi thất thế mà bớt “háo danh, hiếu sắc, hiếu sát và tham lam độc ác” như bản tính của y lâu nay.

Trước sự “thâm Nho” của vị Thượng thư người Quảng vừa mới thay mình, Nguyễn Thân phải giả vờ khen Hồ Lệ với gia nhân. (Vì việc mất chức và sự dè bỉu của người đời - trong đó có Hồ Lệ qua lần đến thăm lạ đời này mà sau đó Nguyễn Thân bị điên mà chết).

Nhiều người còn cho rằng chuyến viếng thăm của Hồ Lệ lần đó vừa nhân văn vừa “thâm Nho” hơn hẳn sự kiện Khổng Minh đi phúng viếng và khóc lóc thảm thiết bên quan tài của Chu Du thời Tam Quốc!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sự “thâm nho” của ông thượng thư người Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO