Trong các kỳ thi THPT quốc gia có cấu trúc môn thi tự chọn từ năm 2016 trở về trước, hầu như năm nào môn Lịch sử cũng “dẫn đầu” về tỷ lệ thí sinh… từ chối đăng ký. Thậm chí có nhiều trường hoặc điểm thi “trắng” môn Lịch sử. Năm 2017 có khá hơn nhờ cấu trúc tổ hợp đề thi “3 trong 1”: Các môn Sử, Địa, Giáo dục công dân được ghép chung trong bài thi Khoa học xã hội. Dù vậy, thống kê kết quả cho thấy vẫn có gần 50% thí sinh có điểm số dưới trung bình về môn Lịch sử.
Bảng tên đường mang tên danh nhân lịch sử ở TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: internet |
Nhớ lại cách đây gần nửa thế kỷ, Lịch sử lại là một trong những môn giúp thí sinh nâng cao tổng điểm của mình để lọt vào các thứ hạng cao hoặc “bù lỗ” cho các môn tự nhiên trong các kỳ thi toàn quốc. Thời đó, Lịch sử luôn là một môn học hấp dẫn đối với học sinh thuộc mọi trình độ. Trong các bài kiểm tra định kỳ, ít khi có học sinh nào bị điểm kém.
Xa hơn, trong nền Nho học ngày xưa, sự chăm chỉ thường được định danh bằng thuật ngữ “nấu sử xôi kinh”, học hành xuất sắc thì gọi là “làu thông kinh sử”. Thời chưa có giấy, sử được chép cẩn thận và kỳ công trên thẻ tre nên thường gọi là “sử xanh”. “Sử” được coi trọng ngang hàng với “Kinh”. Trong “Tứ Thư ngũ Kinh” của Nho giáo, “Kinh Xuân thu” thực chất là một cuốn biên niên sử chép việc trong 12 đời vua nước Lỗ, quê hương của Khổng Tử. Như vậy, học Sử cũng chính là học Đạo trong quan niệm của nhà Nho. Và việc chép sử luôn được coi như một sứ mệnh cao cả của các sử gia. Với công lao trước tác bộ “Sử ký”, Tư Mã Thiên thời nhà Hán đã được dân gian tôn vinh thành “Sử thánh”. Trong triều đình phong kiến ngày xưa thường có một cơ quan gọi là “Sử quán” chuyên việc ghi chép và san định các sử liệu. Cơ quan này tuy là công cụ của triều đình nhưng vẫn có những quyền hạn độc lập về chuyên môn, nhiều khi tỏ ra rất dũng cảm, kiên định trong việc bảo vệ sự thật lịch sử. Còn nhớ giai thoại “Thôi Trữ giết vua” thời Xuân Thu bên Tàu. Cả ba anh em quan Thái sử nước Tề là Bá, Trọng, Thúc đều bị quan đại phu Thôi Trữ chém đầu vì dám chép câu “Hạ ngũ nguyệt ất hợi, Thôi Trữ thích kỉ quân Quang” (Tháng 5 mùa Hạ ngày Ất hợi, Thôi Trữ giết vua Quang của mình). Chỉ đến khi người em út là Quý vẫn kiên trì chép nguyên như vậy, Thôi Trữ mới chùn tay không dám giết nữa. Lại có một sử gia khác là Nam sử Thị từ phương xa, tay cầm thẻ tre lặn lội hàng ngàn dặm tới với tâm nguyện nếu Quý cũng bị giết nốt thì tự mình sẽ chép lại việc này bởi lo rằng người đời sau sẽ không còn ai biết chuyện “Thôi Trữ giết vua”. Xem ra, để lưu lại được một sự thật lịch sử đã cần đến mạng sống của nhiều nhà chép sử.
Mặc dù trong một chừng mực nào đó, ngọn bút của các sử gia có thể bị lệ thuộc một phần do cách nhìn của thời đại đang sống. Chẳng hạn trong lịch sử nước ta, có những triều đại như nhà Triệu, nhà Hồ, nhà Mạc, nhà Nguyễn cho đến nay vẫn còn nhiều đề tài bàn cãi giữa ngụy và chánh, công và tội. Vậy nhưng những gì mà hậu thế biết được về quá khứ đều dựa vào sử liệu chính thức của các sử quan, sử quán (chính sử). Nếu không có các văn bản này, chúng ta không thể biết từ khi Hùng Vương dựng nước đến nay, ông cha ta đã mở cõi được bao nhiêu và những phần đất nào đã mất; chúng ta cũng không hiểu tại sao nhà Trần có 12 đời vua, còn nhà Hậu Lê có tới 26 vị vua mà ở các thành phố hiện nay chỉ thấy một số ít vị có tên đường như Trần Nhân Tông, Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông…, để từ đó mà “luận cổ suy kim”; biết phân định chính tà; biết ngưỡng mộ các bậc minh quân, trung thần, hào kiệt; biết khinh ghét và lánh xa những hành động phản nước hại dân như Kiều Công Tiễn, Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Trương Phúc Loan, Nguyễn Thân…; và hiểu rõ trách nhiệm của mình với tâm thức của một người con nước Việt.
Bảng tên đường được thuyết minh bằng những thông tin vắn tắt về tên tuổi, quê quán, công lao đóng góp của anh hùng, danh nhân do Hội CCB khối phố 6, phường An Sơn (TP Tam Kỳ) thực hiện. (ảnh minh họa) |
Không chỉ có vậy, kinh nghiệm lịch sử còn hỗ trợ đắc lực cho nhiều lĩnh vực khác. Nhiều tài liệu và nhân chứng đương thời cho biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi còn là một giáo viên dạy Sử đã nghiên cứu rất thấu đáo các cuộc chiến tranh ở nước ta và trên thế giới, đặc biệt là chiến thuật sử dụng pháo binh của Napoléon Bonaparte. Còn các danh tướng thời phong kiến ở nước Việt và nước Tàu, có lẽ không ai là không thuộc nằm lòng “Tam thập lục kế” - bộ sách tập hợp 36 sách lược quân sự của Trung Hoa cổ đại. Ngày nay, các kế sách trong bộ binh thư này vẫn còn được vận dụng không chỉ trong quân sự mà cả trong thể thao, kinh doanh, đối ngoại… Cho nên, lịch sử không chỉ là một bộ môn văn hóa. Kiến thức lịch sử luôn luôn là một yếu tố hàng đầu trong việc hình thành nhân cách một công dân. Ở một quốc gia “hợp chúng” như Hoa Kỳ, một trong các điều kiện để một người nhập cư được cấp thẻ công dân là phải hiểu biết lịch sử nước này. Vậy cớ sao ở một đất nước “bốn ngàn năm văn hiến” như Việt Nam, nhiều bạn trẻ có học lại lạnh nhạt với sử? Ngay cả Bộ GD&ĐT vào năm 2015 cũng đã từng có ý định “gạch tên” bộ môn Lịch sử và thay vào đó là môn “Công dân với Tổ quốc”. Ý định này sau đó phải hoãn lại vì bị phản ứng kịch liệt từ phía công luận. May thay!
Gần đây, có một hiện tượng được các kênh truyền thông nhất loạt tôn vinh, đó là sự kiện một tác phẩm có tựa đề là “Sử Việt - 12 khúc tráng ca” do NXB Hội Nhà văn xuất bản. Sách in lần đầu 5.000 cuốn nhưng đã “cháy hàng” ngay cả trước khi được phát hành. Điều đáng ngạc nhiên và đáng hân hoan hơn cả là Dũng Phan - tác giả của cuốn sách lại là một “sử gia” nghiệp dư còn rất trẻ, và khách hàng đặt mua sách cũng hầu hết là các bạn trẻ. Mong rằng tác phẩm này sẽ được tái bản nhiều lần nữa để niềm say mê, trân trọng lịch sử sẽ được phục hồi đều khắp trong mọi thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam.
PHAN VĂN MINH