Sửa chữa, nâng cấp tuyến ĐH3 (Đại Lộc): Giải tỏa bức xúc

CÔNG TÚ 06/06/2013 07:56

Tuyến giao thông huyết mạch ĐH3 qua địa bàn các xã vùng B của Đại Lộc đang được huyện đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhiều đoạn bị hư hỏng nặng, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận tiện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.

Những đoạn bị xuống cấp đã được sửa chữa, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận tiện.Ảnh: CÔNG TÚ
Những đoạn bị xuống cấp đã được sửa chữa, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận tiện. Ảnh: CÔNG TÚ

Nắng bụi mưa bùn

Nhiều năm qua, người dân ở các xã có đường ĐH3 đi qua địa bàn là Đại An, Đại Cường, Đại Minh, Đại Phong, Đại Hồng hay địa bàn lân cận là Đại Thắng, Đại Chánh, Đại Thạnh, Đại Tân rất bức xúc trước sự xuống cấp của tuyến giao thông huyết mạch đi về trung tâm huyện Đại Lộc. Tuyến đường này dài khoảng 15km nối giữa tuyến ĐT609B với quốc lộ 14B trước đây rất chật hẹp và cấp đường thấp, nhưng năm nào cũng bị lũ lụt tàn phá. Ngoài ra số lượng phương tiện lưu thông trên tuyến đông, đặc biệt là chủ xe tải nhận vận chuyển keo đã chở quá khổ, quá tải làm cho mặt đường càng nhanh bị cày nát. Nhiều đoạn, mặt đường hư hỏng tạo nên vô số ổ gà, ổ voi khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn, dễ xảy ra tai nạn giao thông.

Công trình nâng cấp đường ĐH3, đoạn ngã ba Quảng Huế - trường Mầm non Đại An, bao gồm các hạng mục san nền, đổ bê tông xi măng mặt đường (dày 24cm), thoát nước với tổng kinh phí gần 2,2 tỷ đồng. Công trình sửa chữa đường ĐH3, đoạn trường Mầm non Đại An - ngã ba Truân Chẹt (Đại Phong) dài hơn 11,2km gồm hạng mục sửa chữa nền, mặt đường. Đến nay, nhà thầu đã thực hiện xong công đoạn vá đường bằng bê tông nhựa, đắp cấp phối đá dăm lề đường những đoạn bị xói lở, vét rãnh thoát nước… với tổng kinh phí gần 3,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Trúc - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, sự nỗ lực đầu tư kinh phí trong khả năng của địa phương chỉ mới giải quyết được một số vấn đề trước mắt, còn về lâu dài, tuyến ĐH3 phải được nâng cấp, mở rộng đồng bộ. Đặc biệt, dự án đường tránh lũ, cứu hộ cứu nạn qua khu vực vùng B thấp lụt cần được cấp trên tiếp tục khởi động thực hiện, từ đó mới giải quyết triệt để tình trạng “nắng bụi, mưa bùn” đã làm khổ hàng chục nghìn hộ dân trong vùng bấy lâu nay.

Nhiều năm nay, gia đình ông Lê Văn Xít cùng nhân dân thôn Mỹ Đông (xã Đại Phong) cũng chịu bao nỗi nhọc nhằn bởi đoạn đường trên tuyến ĐH3.ĐL qua khu dân cư bị hư hỏng nặng. Do bề mặt xuống cấp nên mùa nắng bụi bay mù mịt, nhất là vào những lúc có gió to hoặc xe tải chạy ngang qua. Tình trạng trên làm cho môi trường sống của người dân trong khu vực bị ô nhiễm trầm trọng. “Đến mùa mưa, bề mặt con đường nhếch nhác, sình lầy, nước bẩn bắn tung tóe vào nhà dân ven đường. Người và phương tiện lưu thông vất vả bởi nhiều đoạn bị ngập chìm trong nước” - ông Xít kể. Chủ tịch UBND xã Đại An - ông Huỳnh Sáu thì cho biết, hạ tầng giao thông không đảm bảo đã kìm hãm quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đặc biệt là việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, cứu hộ cứu nạn vào mùa mưa bão. “Nông sản mà bà con nông dân đã “một nắng hai sương” làm ra bị tư thương ép giá, có thời điểm đành phải bán rẻ như cho cũng do đường sá không thông suốt” – ông Sáu nói.

Giải tỏa bức xúc

Vì là tuyến đường huyện, nên UBND huyện Đại Lộc năm nào cũng thực hiện duy tu, bảo dưỡng định kỳ nhưng do kinh phí có hạn, chất lượng “miếng vá” chỉ đảm bảo việc lưu thông thời gian ngắn, sau đó mặt đường lại bị bong tróc, thủng lỗ chỗ rồi xuống cấp nhanh chóng. Đứng trước thực trạng trên, cán bộ và nhân dân các xã đã nhiều lần kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri với các đại biểu HĐND các cấp, đại biểu Quốc hội nhằm sớm có giải pháp tháo gỡ. Huyện đã triển khai các bước xin nguồn vốn đầu tư dự án đường cứu hộ, cứu nạn với kinh phí 140 tỷ đồng nhưng đúng lúc ấy Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP nên dự án phải tạm dừng.

Theo ông Hứa Hai - Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Đại Lộc, trong khi chờ dự án được tiếp tục thực hiện (mới cấp kinh phí 5 tỷ đồng giải phóng mặt bằng 800m), trước mắt, địa phương nỗ lực đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp một số đoạn tuyến bị hư hỏng nặng, tạo điều kiện cho việc đi lại của nhân dân thuận tiện và an toàn. Ông Hai cho biết, sau một thời gian thi công, đến nay, việc sửa chữa nền, mặt đường những đoạn xuống cấp cơ bản đã xong, nghiệm thu đưa vào sử dụng. Hạng mục nâng cấp nền, mặt đường bằng bê tông xi măng đoạn từ Km0+0,00 - Km0+532,80 qua xã Đại An (ngã ba Quảng Huế - trường Mầm non Đại An) được nhà thầu tiếp tục triển khai, khoảng gần 1 tháng sau sẽ hoàn thành. Ông Huỳnh Sáu cho biết, đoạn đường qua khu vực gần trung tâm xã được nâng cấp sẽ tạo nên bộ mặt tươi sáng, khang trang cho địa phương. Hạ tầng giao thông được đầu tư giúp việc lưu thông được thông suốt, nông sản tại vùng rau Bàu Tròn sẽ bán được giá hơn, tạo đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội Đại An phát triển.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sửa chữa, nâng cấp tuyến ĐH3 (Đại Lộc): Giải tỏa bức xúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO