Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 128 (ngày 8.10.2021) sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 68 ngày 1.7.2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, những vướng mắc đã được tháo gỡ, trường hợp thuộc diện được hỗ trợ mở rộng hơn.
Tháo gỡ vướng mắc
Nghị quyết (NQ) 128 đã sửa đổi NQ 68 ở 9 điểm, bao gồm cả chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động (LĐ) và chính sách hỗ trợ chủ sử dụng LĐ. Đối với chủ sử dụng LĐ, việc tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất được điều chỉnh giảm 10% LĐ tham gia BHXH trở lên so với thời điểm tháng 1.2021 (quy định NQ 68 là 15%).
Chính sách vay vốn trả lương ngừng việc và vay vốn phục hồi sản xuất đối với chủ sử dụng LĐ đều đã được loại bỏ quy định “không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm vay vốn”.
Theo bà Trần Thị Minh - Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, việc loại bỏ quy định này được xem là đã gỡ được mắc xích lớn nhất cho chủ sử dụng LĐ được tiếp cận với nguồn vốn vay chính sách dễ dàng hơn.
Bởi đại dịch đã kéo dài 2 năm, nên phần lớn doanh nghiệp đều khó khăn và ít nhiều đều dính nợ xấu tại ngân hàng. Đồng thời diện vay vốn cũng đã được mở rộng hơn, thêm nhóm người sử dụng LĐ có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhóm hộ kinh doanh được hỗ trợ một lần 3 triệu đồng đã mở thêm rất nhiều nhóm như hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải hộ đăng ký kinh doanh phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước từ 15 ngày trở lên.
Với người LĐ, điều kiện được hỗ trợ cũng mở rộng hơn, giúp người LĐ dễ tiếp cận chính sách khi phải dừng việc từ 15 ngày trở lên khi phải điều trị Covid-19, cách ly y tế, không đến nơi làm việc do ở khu vực phong tỏa hoặc trụ sở nơi làm việc nằm trong khu vực thực hiện Chỉ thị 16.
Việc chi hỗ trợ thêm, trước đây chỉ có phụ nữ mang thai và trẻ em, nay có thêm người cao tuổi, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng phải điều trị Covid-19 hoặc cách ly y tế theo quy định, được hỗ trợ 1 triệu đồng/người.
Chuẩn bị các điều kiện cần thiết
Với việc mở rộng chính sách như NQ 128 quy định, việc hỗ trợ thời gian tới sẽ nhiều hơn và cần sự vào cuộc thực hiện nhanh hơn từ các địa phương. Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, với việc mở rộng chính sách, Điện Bàn đã tính toán các phương án hỗ trợ người LĐ tiếp cận. Tuy nhiên, kinh phí hỗ trợ thời gian tới tăng lên nhiều nên sẽ vượt khoản ngân sách đã cân đối, Điện Bàn cần sự hỗ trợ kịp thời từ ngân sách tỉnh để chính sách đến được với người dân.
Trong khi đó, ông Lê Viết Phúc - Trưởng phòng LĐTB&XH TP.Hội An kiến nghị các địa phương trong tỉnh cần có sự liên thông với nhau về thông tin, để các huyện, thị xã khi thực hiện các quyết định giãn cách xã hội thì mọi thông tin đều rõ ràng, ai cũng biết.
Việc này nhằm giúp các địa phương xác định nhóm người LĐ trên địa bàn của mình đi làm ở địa phương khác, nhưng về kê khai đề nghị nhận hỗ trợ tại nơi thường trú thì cơ quan thực hiện chính sách dễ dàng xác định thời gian của người LĐ tạm dừng việc, mất việc làm. Từ đó sẽ thực thi chính sách nhanh, không mất thời gian chờ đợi cơ quan chức năng xác minh thông tin.
Với việc nới các quy định, mở rộng thêm đối tượng, thời gian tới khối lượng công việc giải quyết chính sách hỗ trợ sẽ nhiều. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thông tin về quy định mở rộng chính sách vay vốn, thông báo đến doanh nghiệp cũng như các chi nhánh huyện, thị xã chuẩn bị điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn.
Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, sở sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục tuyên truyền rộng rãi các điểm sửa đổi của chính sách để người dân tiếp cận. Các kiến nghị trong khi thực hiện chính sách, sở sẽ liên tục tổng hợp, hướng dẫn, vượt thẩm quyền sẽ báo cáo ngay với UBND tỉnh tháo gỡ cho địa phương thực hiện.